Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn, sáng 7-6. Ảnh: QUANG PHÚC |
Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, các nội dung chất vấn do Quốc hội đặt ra đều là các vấn đề căn cốt, trọng tâm của ngành khoa học, công nghệ. Do đó, đây là cơ hội quý báu để Bộ KH-CN rà soát lại việc triển khai các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công và giải trình với Quốc hội về việc thực thi chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ trong thời gian qua.
Bộ trưởng cũng khẳng định, chất vấn là cơ hội để Bộ KH-CN nắm bắt được các kiến nghị, đề xuất, nguyện vọng của cử tri cả nước thông qua các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội, để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và định hướng triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới, trong đó trọng tâm là việc sửa đổi, bổ sung các luật thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ đã đăng ký vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV.
Đồng thời cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Bộ KH-CN đã có cơ hội giải trình bằng báo cáo đối với các đoàn giám sát tối cao của Quốc hội và các đoàn giám sát của các Ủy ban của Quốc hội về các nội dung liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Băn khoăn về việc thị trường khoa học công nghệ Việt Nam chưa phát triển, mặc dù bộ máy quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành, Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030, ĐB Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp.
ĐB Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình). Ảnh: QUANG PHÚC |
“Làm thế nào để nào để nâng cao năng lực hấp thụ, thúc đẩy ứng dụng, đổi mới nghiên cứu và phát triển công nghệ của các doanh nghiệp?”, bà Trần Thị Hồng Thanh chất vấn.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt nhận định, trong thời gian qua, nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được chuyển giao, ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành y tế, viễn thông, giao thông. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Thành Đạt thừa nhận, bên cạnh thành tựu, vẫn còn những vướng mắc do các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kèm chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng hạn chế.
“Thời gian tới, Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam”, Bộ trưởng cam kết. Xúc tiến thành lập và đưa vào hoạt động các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một giải pháp quan trọng khác.
Bộ trưởng Bộ KH-CN cho biết, Bộ đã xây dựng, hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, dự kiến trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7 sẽ ban hành các quyết định thành lập 3 trung tâm này.
Các trung tâm này được lập với mục tiêu khai thác nguồn lực địa phương dành cho đổi mới sáng tạo, hướng tới áp dụng các mô hình thử nghiệm chính sách trong các lĩnh vực mới chưa có quy định nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo, làm cơ sở để đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng hoặc điều chỉnh kịp thời các chính sách, mô hình triển khai trên phạm vi quốc gia.
Các đại biểu dự phiên họp, sáng 7-6. Ảnh: QUANG PHÚC |
Thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo TPHCM
Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị có chủ trương thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 50 về việc thực hiện chủ trương này. Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ chậm được triển khai như vậy? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc này như thế nào và Bộ trưởng có cam kết gì để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng trên?
Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng). Ảnh: QUANG PHÚC |
Về vấn đề liên quan đến trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng KH-CN cho biết, bộ đã xây dựng, hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM. Dự kiến trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7-2023, sẽ ban hành các quyết định thành lập 3 trung tâm này.
Theo Bộ trưởng, các trung tâm này được lập với mục tiêu khai thác nguồn lực địa phương dành cho đổi mới sáng tạo, hướng tới áp dụng các mô hình thử nghiệm chính sách trong các lĩnh vực mới chưa có quy định nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo, làm cơ sở để đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng hoặc điều chỉnh kịp thời các chính sách, mô hình triển khai trên phạm vi quốc gia.
Bên cạnh đó, quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ KH-CN đã được ban hành, nên việc ban hành các quyết định thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo là có cơ sở để thực hiện, và các cơ sở này sẽ sớm đi vào vận hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong năm qua, số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng? Trong số đó có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực?
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau). Ảnh: QUANG PHÚC |
Trả lời, Bộ trưởng Bộ KH-CN cho biết, về hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, cân đối bố trí vốn cho ngành. Dù hoạt động khoa học, công nghệ có nhiều tính đặc thù, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định.
Điều quan trọng là cần xác định được kết quả đó trước hết phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân các nhà khoa học, đội ngũ nghiên cứu, đóng góp vào uy tín của các viện nghiên cứu, các trường đại học.
Bộ trưởng Bộ KH-CN nhận trách nhiệm chậm thành lập Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) tranh luận, Bộ trưởng chưa trả lời về nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ KH-CN và Bộ trưởng trong việc thực hiện chủ trương thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhận trách nhiệm về việc chậm trễ thành lập 3 trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.
Bộ trưởng rất mong đại biểu và Quốc hội chia sẻ, vì đây là vấn đề rất mới. Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam là chưa có tiền lệ. Do đó, cần phải có thời gian nghiên cứu cẩn trọng bối cảnh hiện nay thành lập một đơn vị mới đảm bảo đúng quy định, hiệu quả.
Bộ trưởng thông tin, trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7-2023, bộ sẽ làm việc với Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM để hình thành các trung tâm một cách chính thức. Các trung tâm này sẽ trực thuộc Bộ KH-CN, là đơn vị sự nghiệp công lập, tự chủ hoàn toàn.
Hàng chục ngàn đơn đăng ký nhãn hiệu, sở hữu kiểu dáng công nghiệp tồn đọng chưa xử lý
Trả lời câu hỏi của ĐB Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) về việc hàng chục ngàn đơn đăng ký nhãn hiệu, sở hữu kiểu dáng công nghiệp tồn đọng chưa xử lý, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt thừa nhận, đúng là nhu cầu giải quyết đơn đăng ký nhãn hiệu, đăng ký sáng chế là rất lớn, vượt quá năng lực xử lý của Bộ.
“Chỉ số cải cách hành chính của Bộ luôn bị đánh giá thấp, mà một lý do là tiến độ giải quyết đơn không đạt yêu cầu, chúng tôi đang cố gắng khắc phục, nhưng cả nhân lực và nguồn lực để giải quyết đều hạn chế”, ông Huỳnh Thành Đạt trần tình.
Điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng nói rõ số lượng đơn tồn đọng; hướng và thời gian giải quyết.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, tính đến 31-12-2022 có trên 64.000 đơn nhãn hiệu hàng hóa chưa kịp xử lý. Số đơn đăng ký sáng chế thấp hơn, bằng khoảng 1/3. Bộ KH-CN đang tập trung tăng cường năng lực xử lý, giải pháp căn cơ nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phân cấp cho địa phương. Mong các sở ngành chia sẻ gánh nặng công việc này.
“Dự báo ít nhất năm 2025-2026 mới xử lý hết số tồn đọng, tôi không dám quá lạc quan”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết.
Đại biểu Quốc hội truy trách nhiệm Bộ trưởng
Đại biểu Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) cho rằng, mấy năm gần đây, người dân và doanh nghiệp rất bức xúc, than phiền về tình trạng xử lý, giải quyết đơn đăng ký bảo hộ quyền sử công nghiệp tồn đọng, rất chậm trễ và kéo dài và đặc biệt đối với đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp.
Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, thậm chí sẽ dẫn đến những tranh chấp về thương mại. Do vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết về trách nhiệm của mình trong việc này và giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Đại biểu Đinh Ngọc Quý (Gia Lai). Ảnh: QUANG PHÚC |
Về nội dung thứ hai, đại biểu Đinh Ngọc Quý nêu rõ, khi ban hành Luật khoa học và công nghệ, một trong những quy định mới là đổi mới về tài chính khoa học và công nghệ nhằm huy động nguồn lực ngoài Nhà nước cho phát triển khoa học, công nghệ.
Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, một số quy định chưa được ban hành như việc trích lập Quỹ phát triển khoa học, công nghệ, chưa ban hành được quy định quản lý và sử dụng tài trợ về hoạt động khoa học, công nghệ. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của tình trạng chậm trễ này cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý.
Một ý kiến chất vấn khác, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) nhìn nhận, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của nước ta còn khiêm tốn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Việt Nam đang đứng ở đâu so với các nước, khu vực và thế giới trong ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. Đại biểu cũng đề nghị chuyển câu hỏi này đến Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.
Chủ tịch Quốc hội: sẽ có trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp vùng
Điều hành chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chủ trương chung là Chính phủ ưu tiên thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Hiện nay, đã có chủ trương và đã ban hành nghị định về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm, đã xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Trong thời gian tới sẽ khánh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, sau đó triển khai tại các vùng. Đồng thời, khuyến khích các tập đoàn, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư các trung tâm nghiên cứu và triển khai, cũng như các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, bước đầu có kết quả tốt.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: QUANG PHÚC |
Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ Tập đoàn Samsung đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển rất lớn tại Hà Nội, là nơi đủ công suất cho 3.000 nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin. Trên cơ sở đó, có điều kiện triển khai tiếp các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp vùng, như tại Đà Nẵng, TPHCM và các vùng khác.
Bộ trưởng Bộ KH-CN: Muốn thu hút nhân tài, nhưng rất loay hoay
Nhấn mạnh đến yếu tố then chốt trong đổi mới sáng tạo là những nhân tài khoa học, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng chia sẻ về giải pháp chiêu mộ nhân tài về làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói, đây là điều rất trăn trở khi ông về nhận công tác ở Bộ KH-CN, cũng như trước đây khi còn công tác ở cơ sở giáo dục đại học.
“Có chủ trương, nhưng khi triển khai rất loay hoay do vướng quy định, luật công chức, viên chức, quy định về tài chính”, Bộ trưởng nói.
Vừa qua, Bộ triển khai Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ tri thức, Bộ KH-CN đang xây dựng đề án, cố gắng để thật sự thu hút được nhà khoa học trong và ngoài nước về làm việc, cống hiến hiệu quả nhất.
“Bộ sẽ lấy ý kiến cơ quan quản lý, địa phương và các nhà khoa học, mong đại biểu Quốc hội đóng góp cho đề án này”, ông Huỳnh Thành Đạt bày tỏ tinh thần cầu thị.
Cùng với đó, trả lời các chất vấn của ĐB liên quan đến việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói, KH-CN là lĩnh vực đặc thù, nhiều trường hợp khó có thể định lượng chi phí nghiên cứu chính xác như nhiều lĩnh vực khác. Do đó, cần có cơ chế tài chính phù hợp và nhiều khi phải chấp nhận chi phí rủi ro.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ là vấn đề quan trọng, hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc giải ngân quỹ này rất chậm, quá trình các nhà khoa học nhận được kinh phí từ quỹ để áp dụng nghiên cứu là rất khó khăn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cần làm rõ vấn đề này.
Bên cạnh đó, ngoài quỹ của Nhà nước, quỹ của doanh nghiệp lập ra cho phát triển khoa học công nghệ có số lượng thành viên tham gia cũng rất hạn chế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng chia sẻ về những giải pháp cho vấn đề này trong thời gian tới.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, đối với Quỹ phát triển khoa học công nghệ tại doanh nghiệp, theo quy định, doanh nghiệp trích kinh phí cho quỹ này. Giai đoạn 2015-2021, tổng số doanh nghiệp trích quỹ là 1.281, chiếm 0,14% trên tổng số doanh nghiệp cả nước, giải ngân chỉ đạt 60%. Việc trích quỹ thực hiện chủ yếu ở các doanh nghiệp lớn, trong khi đó phương thức để trích lập và sử dụng quỹ còn khó khăn nên việc trích lập quỹ không được nhiều doanh nghiệp thực hiện.
Mặc dù Bộ Tài chính và Bộ KH-CN đã ban hành thông tư nhưng đến nay chưa thú hút thêm các doanh nghiệp tiến hành trích lập quỹ. Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội có chính sách hiệu quả hơn, trong đó cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ để mua sắm trang thiết bị, máy móc để phục vụ sản xuất kinh doanh, có như vậy, việc miễn giảm thuế mới thu hút được các doanh nghiệp.
Trả lời đại biểu về việc chiếu xạ vải tại Bắc Giang phải đưa vào TPHCM và Long An để chiếu xạ, Bộ trưởng cho biết, Bộ KH-CN đã phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương đàm phán với phía Mỹ và bước đầu đạt được kết quả bước đầu và có thể tiến hành chiếu xạ tại khu vực phía Bắc, góp phần giảm chi phí.
* Trước khi vào phiên chất vấn, Bộ trưởng KH-CN đã có báo cáo gửi đến Quốc hội giải trình một số nội dung xã hội mà các đại biểu (ĐB) quan tâm.
Theo đó, bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng tư duy không chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học còn phổ biến, tạo nên độ “vênh” giữa pháp luật về tài chính, đầu tư với pháp luật về KH-CN, tạo ra các điểm nghẽn trong việc đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt. Ảnh: QUANG PHÚC |
Cụ thể như, vướng mắc về giao quyền sử dụng hoặc sở hữu tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH-CN sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN); về thành lập doanh nghiệp khởi nguồn trên cơ sở nghiên cứu của đơn vị sự nghiệp công lập; về góp vốn và tổ chức hoạt động của doanh nghiệp dạng khởi nguồn công nghệ (spin-off) từ viện nghiên cứu, trường đại học.
Một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm được ban hành, hoặc chưa được ban hành, chưa phản ánh đặc thù hoạt động KH-CN. Thị trường KH-CN phát triển còn chậm, còn ít các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động kết nối cung – cầu. Chưa khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển được nhiều các phát minh, sáng chế trở thành sản phẩm cuối cùng và thương mại hoá…
Đáng lưu ý, cơ chế quản lý tài chính, định mức tài chính, thủ tục cấp phát kinh phí KH-CN còn bất cập; giải ngân chậm và tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước cho KH-CN chưa đạt 100%, nghĩa là chưa tiêu hết tiền đã được bố trí.