Ngày 29/5, Quốc hội thảo luận cả ngày về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
ĐB Trần Kim Yến, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho rằng, báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội cho thấy việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hệ thống pháp luật về bình đẳng giới ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội và xu thế hội nhập quốc tế của đất nước.
Theo bà Yến, quyền bình đẳng và cơ hội của phụ nữ và nam giới, nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai, trẻ em, người khuyết tật, người già, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm và thể hiện trong các luật, chiến lược, các chương trình, các đề án nhằm thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bên cạnh những nội dung có chuyển biến rất rõ nét, tạo được sự chuyển biến trong nhận thức, quan niệm của xã hội về phụ nữ, vai trò của phụ nữ, cán bộ nữ rất tích cực, bà Yến đánh giá vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra. Đó là, nguồn kinh phí thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương cho công tác bình đẳng giới nói chung, và cho việc thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới nói riêng vẫn còn khiêm tốn. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa bố trí được ngân sách cho nội dung này.
Chưa kể, công tác đào tạo, bồi dưỡng về bình đẳng giới được quan tâm nhưng đối tượng dự học đa số là cán bộ nữ, là chuyên viên, nhân viên, tỷ lệ cán bộ nam, nhất là lãnh đạo nam là rất hiếm nên việc thẩm thấu, từ đó triển khai nội dung này còn hạn chế.
Một số bộ, ngành, cơ quan liên quan đến nay vẫn chưa có hướng dẫn hoặc là chưa có báo cáo số liệu ko thể thu thập được thông tin. Có 27/35 chỉ tiêu chỉ thu thập được một phần số liệu. Nhiều chỉ tiêu chỉ thu thập được một phần số liệu. Như vậy, đánh giá chung về sự phát triển kinh tế xã hội chưa được phản ánh một cách đầy đủ.
Từ những hạn chế, tồn tại được chỉ ra cùng những dự báo như Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hoá dân số, dự báo 2036 bước vào thời kỳ dân số già, già hoá, xã hội già. Lao động nữ vẫn chiếm phần lớn trong cách ngành lao động làm việc ở vị trí giản đơn, thiếu bền vững, có nguy cơ mất việc hoặc những vấn đề về tỷ suất sinh, bà Yến đề nghị, Chính phủ cần quan tâm và chỉ đạo quyết liệt để có quy định thông tin thu thập chỉ tiêu thống kê vào chế độ báo cáo thống kê quốc gia. Các bộ ngành cần có hướng dẫn cụ thể với các chỉ tiêu cụ thể. Chỉ tiêu chưa phù hợp, chưa xác thực thì đưa ra khỏi chương trình để đảm bảo hiệu quả, khả thi.
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm bố trí kinh phí hợp lý để việc triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về bình đẳng giới trong chương trình, kế hoạch và các dự án phát triển kinh tế-xã hội bảo đảm thuận lợi.
“Công tác đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ nói chung và cán bộ làm công tác bình đẳng giới nói riêng cần được quan tâm hơn, bố trí cán bộ nữ tiệm cận với các chức danh quy hoạch để đảm bảo nguồn lực cho các vị trí, chức danh lãnh đạo nữ. Cần đảm bảo chỉ tiêu để tạo cơ hội như nhau cho phụ nữ và nam giới”-bà Yến nói.
Bà Yến dẫn lời phát biểu của bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Nguyên Đại sứ Việt Nam bên cạnh EU và tại Bỉ để làm rõ thêm phát biểu của mình: “Bình đẳng giới không đơn thuần là quyền lợi của chị em, mà chính là quyền lợi chung của một đất nước muốn phát triển bền vững. Bởi nếu một đất nước chỉ sử dụng một nửa dân số, không phát huy được đầy đủ và tối đa năng lực của mọi người, mọi công dân bất kể nam hay nữ thì thật đáng tiếc”.
Nguồn: https://daidoanket.vn/bo-tri-can-bo-nu-tiem-can-voi-cac-chuc-danh-lanh-dao-10281063.html