Việc bãi bỏ mức lương cơ sở ảnh hưởng đến việc điều chỉnh mức lương hưu, mức chuẩn trợ cấp người có công với cách mạng, mức chuẩn trợ giúp xã hội và một số nhóm lao động nghỉ hưu có mức lương hưu thấp như người nghỉ hưu trước 1995, cũng như nguồn lực để thực hiện các chính sách này.
Thay thế cho mức lương cơ sở, Chính phủ đề xuất mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội bằng 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7.
Trao đổi về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, từ 1/7, thực hiện cải cách chính sách tiền lương, sẽ bãi bỏ lương cơ sở và hệ số như hiện hành. Thay vào đó, cán bộ, công chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm và chức danh lãnh đạo quản lý.
Liên quan đến đề xuất sử dụng mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội thay thế cho mức lương cơ sở, ông Dĩnh cho rằng đề xuất này là phù hợp khi phương pháp tính lương mới.
Theo vị này, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định mức lương hưu hằng tháng thấp nhất (áp dụng đối với những người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) bằng mức lương cơ sở.
Mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương hưu thấp nhất hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng.
“Khi lương cơ sở không còn, thì lương hưu thấp nhất cũng phải thay đổi. Hiện nay, Chính phủ đang đề xuất thay thế bằng mức tham chiếu là phù hợp”, ông Dĩnh cho hay.
Theo chuyên gia này, việc xác định mức lương hưu thấp nhất để đảm bảo đời sống cho người về hưu là nhân văn. Nếu theo quy tắc đóng hưởng của bảo hiểm xã hội, người có tiền lương đóng thấp sẽ hưởng mức lương hưu thấp.
Ông Dĩnh dẫn chứng thêm, vừa qua, những người nghỉ hưu trước năm 1995 lương thấp đã được điều chỉnh bằng số tiền tuyệt đối lên mức 3 triệu đồng, thay vì bằng tỷ lệ như các nhóm khác.
Về mức tham chiếu bao nhiêu, ông Dĩnh cho rằng cơ quan liên quan cần bàn bạc, tính toán kỹ lưỡng.
Trước đó, để cụ thể hóa đề xuất nhằm tiếp tục thực hiện được các chế độ bảo hiểm xã hội hiện đang gắn với mức lương cơ sở, đồng thời tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về việc không nên quy định thành số tiền tuyệt đối mà nên sử dụng một căn cứ khác thay thế, Chính phủ đề xuất sử dụng “mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội” để thay thế cho “mức lương cơ sở”.
Cụ thể, mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội được tính bằng 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2024 thay thế cho mức lương cơ sở để thực hiện bảo hiểm xã hội theo quy định tại luật năm 2014 và để thực hiện bảo hiểm xã hội theo quy định của luật sửa đổi này.
Mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội được điều chỉnh theo quy định của Chính phủ trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Ngoài mức lương hưu thấp nhất, căn cứ quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hiện các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội đang được tính theo mức lương cơ sở như: Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở; mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở; mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở.
Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở. Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/bo-luong-co-so-tu-17-tinh-luong-huu-thap-nhat-ra-sao-20240521140809980.htm