(Dân trí) – Tự nhận bản thân học hành không tốt, nhưng khi kinh doanh khởi nghiệp, Ngân rất “mát tay”. Ở tuổi 24, chàng trai quê Yên Bái đã có những thành công nhất định.
Gia đình không trọn vẹn, làm đủ nghề để có tiền đóng học phí
Căn villa thiết kế theo phong cách những ngôi nhà màu xanh trắng của Santorini ở Hy Lạp nổi bật giữa đảo Bình Hưng, thu hút du khách khi mới đặt chân tới đảo. Ít ai biết rằng, ông chủ của công trình lại là một thanh niên còn khá trẻ.
Chỉ mới vài năm trước, anh còn chạy đôn đáo khắp nơi làm đủ thứ việc, những mong đủ tiền đóng học phí.
Quê ở Lục Yên (Yên Bái), Đình Ngân sinh ra trong một gia đình không trọn vẹn. Cha mẹ li dị là lúc Ngân mới 3 tuổi. Anh “phiêu dạt” khắp nơi, nay sống bên bố, mai ở với mẹ chứ không có nơi ở cố định, nhưng chủ yếu vẫn ở cùng ông bà.
Từ cấp 2 tới cấp 3, Ngân đều học nội trú. Thời điểm thi đại học, do sức học yếu không đỗ vào các trường theo nguyện vọng, cuối cùng anh đăng ký một trường ở Bắc Ninh.
Trong suốt quãng thời gian theo học khoa du lịch của trường, Ngân làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Lương làm ở quán chỉ 2,5 triệu đồng/tháng nhưng có lúc còn bị chủ quỵt tiền, anh quyết định tìm mối đi tour, làm hướng dẫn viên du lịch.
Chàng trai 24 tuổi nhận thấy quãng thời gian này tuy khốn khó nhưng mang lại cho anh “tầm nhìn mới” và nhiều mối quan hệ đặc biệt.
“Tôi từng dẫn tour các đoàn doanh nghiệp lớn, có cơ hội tiếp xúc với quản lý, trưởng phòng và đôi khi là người lãnh đạo, học hỏi cách họ tư duy ra sao. Nhờ đó, một chàng sinh viên trẻ mới vào đời có được góc nhìn tốt hơn”, Ngân nhớ lại.
Bên cạnh việc dẫn đoàn, Ngân còn tranh thủ làm thêm MC cho các sự kiện. Mức thu nhập mỗi tháng khi đó lên tới 30 triệu đồng mỗi tháng, là con số đáng mơ ước với một sinh viên đang đi học. Chàng trai trẻ tưởng rằng mọi chuyện cứ thế êm xuôi, nhưng bất ngờ Covid-19 xuất hiện, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, Ngân cũng bị “cắt sạch” nguồn sống từ việc làm hướng dẫn viên và nghề MC.
Suốt thời gian dịch bệnh, ngồi nhà nhiều lại “cuồng chân”, Ngân nghĩ tới ý tưởng làm kênh chia sẻ các món ăn ngon tại Bắc Ninh.
Nghĩ là làm, chàng trai Yên Bái bắt tay thực hiện luôn. Không ngờ, những video đầu tiên đã thu hút lượng xem rất lớn, thậm chí có video lên xu hướng và “gây bão” trong cộng đồng mạng.
Nhận thấy tiềm năng lớn, Ngân tập trung đầu tư công việc chỉn chu hơn. Chỉ 2 tuần sau, hàng loạt quán xá mời anh tới trải nghiệm có trả phí. Đây là giai đoạn Ngân kiếm tiền rất tốt, mỗi tháng thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng.
“Lúc này tôi mới chiêm nghiệm, cho dù đại dịch hay suy thoái kinh tế, nếu tư duy đi đúng hướng cộng thêm chút may mắn, bạn vẫn kiếm rất tốt. Ở hoàn cảnh nào cũng vậy, chỉ cần bản thân tạo ra giá trị cho xã hội, tiền bạc sẽ tự đến với mình”, Ngân đưa ra quan điểm.
Khởi nghiệp giữa mùa dịch bệnh cao điểm
Khi kênh cá nhân phát triển và nhận lượng người theo dõi lớn, Ngân suy nghĩ về việc tự mở quán của riêng mình. Anh hợp tác cùng một người bạn có tay nghề đầu bếp. Cả hai hùn vốn, mở một xe hàng bán rong chuyên về bánh gà.
Khai trương đúng giai đoạn đại dịch bùng phát dữ dội khiến xe hàng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với lợi thế về mặt hình ảnh truyền thông, lại thêm món ăn còn mới lạ, khiến xe đẩy thu hút lượng lớn khách ở Bắc Ninh.
“Mở cửa chưa lâu nhưng xe hàng được nhiều khách biết tới. Có thời điểm khách xếp hàng cả tiếng để chờ mua bánh. Tiếp đến, nhiều người tìm đến tôi, hỏi về công thức và nhượng quyền sản phẩm. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tôi đồng ý nhượng quyền. Hiện tổng chi nhánh lên tới hơn 100 điểm bán trên cả nước”, Ngân tâm sự.
Chàng trai Yên Bái tiết lộ, mỗi hợp đồng xe hàng nhượng quyền có giá 35 triệu đồng. Không chỉ truyền nghề, dạy công thức chuẩn, anh còn hỗ trợ chủ xe về mặt hình ảnh, cách thức bán hàng, mô hình xây dựng quán…
Sau một thời gian, dù món bánh gà đã đi qua thời kỳ đỉnh cao của sức hút, nhưng Ngân vẫn trân trọng những gì mình từng gắng sức gây dựng trong quá khứ.
Bỏ phố về biển vì trót mê Bình Hưng và bài học xương máu
Dù có trong tay nguồn tài chính ổn định, nhưng Ngân thú nhận “đôi lúc cảm thấy mệt mỏi vì guồng quay công việc rất áp lực”. Có thời điểm anh thấy bản thân rã rời và mất ngủ. Để tái tạo nguồn năng lượng mới, anh tự thưởng cho mình những chuyến du lịch ngắn ngày.
Tháng 4/2023, Ngân tới đảo Bình Hưng (Nha Trang) du lịch cùng một người anh. Cuộc sống nhẹ nhàng và người dân sống chân thành tới mức chàng trai Yên Bái không biết mình “trót mê” nơi này từ khi nào. Để rồi, anh đưa ra quyết định quan trọng: bỏ phố về biển.
Từng đi du lịch rất nhiều nơi, nhưng chưa ở đâu khiến Ngân mê mẩn như Bình Hưng. Diện tích đảo nhỏ, chỉ khoảng 2km, nhưng tiềm năng du lịch trên đảo rất lớn vì chưa được đầu tư nhiều. Ngân nhận thấy cơ hội mở ra trước mắt.
Bàn giao hết công việc hiện tại cho quản lý, chàng trai 24 tuổi bỏ ra 3 tỷ đồng tích góp từ bấy lâu, hùn vốn cùng nhóm bạn để xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng trên đảo với tổng chi phí khoảng 12 tỷ đồng. Tuy vậy, mỗi tháng anh vẫn quay về Bắc Ninh vài lần để theo dõi công việc.
Khi bắt tay vào làm, Ngân thấy mọi thứ khó khăn hơn tưởng tượng. Xây biệt thự trên đảo không đơn giản như ở đất liền, từ việc tìm thợ tới nguồn nguyên vật liệu đều đắt đỏ hơn. Anh cho biết, tổng kinh phí cao gấp 3 lần so với đất liền.
Sau thời gian thi công, biệt thự đã hoàn thành với tông màu xanh trắng mang hơi hướng những ngôi nhà trên đảo Santorini ở Hy Lạp. Vào dịp cuối tuần, biệt thự nghỉ dưỡng luôn ở tình trạng đông kín với sức chứa khoảng 20 khách. Mỗi phòng có giá thuê từ 1,3 đến 1,5 triệu đồng/đêm.
“Đảo còn hoang sơ chưa nhiều tính cạnh tranh, nhưng xác định kinh doanh ở đây sẽ có nhiều cái khó. Vấn đề nước ngọt là điều khiến tôi rất đau đầu. Đảo Bình Hưng nhỏ, không có nước ngọt và phải mua từ đất liền chuyển ra. Với biệt thự nghỉ dưỡng có sức chứa 20 khách như hiện tại đã tốn tới 3 triệu tiền nước ngọt hàng tháng. Chưa kể sắp tới, tôi dự tính sẽ mở rộng thêm diện tích, xây 20 phòng nữa”, anh nói.
Và vẫn là câu chuyện nước ngọt từng khiến “chàng trai phố” có “bài học nhớ đời”.
Một lần vào cuối tuần, khách đông hơn thường lệ và gọi đồ uống rất nhiều. Do hết nước ngọt, quán phải lấy nước lọc đóng chai để pha chế. Cuối ngày tính toán, Ngân cho biết cả ngày hôm đó “không còn chút lãi”. Mỗi lần như vậy lại cho anh thêm bài học kinh nghiệm “để đời”.
Sau một thời gian gắn bó với đảo, rác thải là vấn đề khiến Ngân trăn trở bấy lâu. Đa số rác thải nhựa, túi nilon vẫn do khách du lịch mang tới đảo rồi để lại, trong khi thùng chứa rác chưa nhiều.
Thấy vậy, Ngân đã mua 10 chiếc thùng, đặt ở khu chợ hay những điểm du lịch đông khách. Bên cạnh đó, nhóm của anh còn tự lập đội dọn rác hàng tuần ở các điểm công cộng với mục tiêu vừa bảo vệ môi trường lại tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân.
Do chưa vướng bận gia đình, trong tương lai, Ngân vẫn xác định muốn gắn bó với Bình Hưng. Anh cho rằng, “bỏ phố về biển” hay “chuyển nhà về quê” là xu hướng tất yếu của xã hội, đang thu hút nhiều người trẻ.
“Hiện nay là thời đại công nghệ. Mọi việc không nhất thiết phải ngồi một chỗ cố định nên nhu cầu con người muốn rời xa đô thị để gắn bó với thiên nhiên rất cao. Xu hướng này có thể phát triển mạnh trong tương lai.
Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại, cho dù thu nhập có thể không cao như trước và mọi thứ còn đang ở giai đoạn khởi đầu. Nhưng biển đảo khiến tôi hạnh phúc hơn, giúp bản thân yêu cả những điều đơn giản xung quanh”, Ngân bộc bạch.
Ảnh: Hoàng Đình Ngân
Dantri.com.vn