Ngày 18.6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi tới các vị đại biểu báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật Giá (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua vào chiều nay 19.6.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành một phần lớn dung lượng để giải trình việc giữ giá trần vé máy bay nội địa là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Trong đó, có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định về khung giá, đưa mặt hàng này thực hiện hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
Làm tăng chi phí xã hội, tăng chi ngân sách nhà nước
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong bối cảnh hiện nay, tính cạnh tranh của thị trường hàng không còn hạn chế, việc thúc đẩy các loại hình vận tải phát triển đồng bộ, hiện đại còn phải phấn đấu. Đặc biệt, khi đường sắt Bắc – Nam tốc độ cao chưa được triển khai, vận hành thì trước mắt, Nhà nước vẫn cần công cụ quản lý giá dịch vụ hàng không nội địa để góp phần ổn định thị trường.
Về lâu dài, khi các loại hình giao thông phát triển đồng bộ, nhiều lựa chọn cho người dân sẽ tính toán quy định giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa cho phù hợp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định việc quy định giá trần hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 11 T.Ư Đảng khóa XII. Theo đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh, việc quy định giá trần bản chất là công cụ quản lý nhà nước về giá, bảo đảm trách nhiệm của Nhà nước trong ổn định thị trường; không phải là việc lồng ghép chính sách xã hội như Hiệp hội Hàng không đã nêu.
Cạnh đó, việc quy định giá trần vẫn bảo đảm quyền chủ động của doanh nghiệp. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay các hãng hàng không vẫn toàn quyền quyết định giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay; chỉ riêng giá vé máy bay hạng phổ thông thì có quyền quyết định giá cụ thể trên cơ sở không vượt giá trần.
Do đó, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu không quy định giá trần thì đồng nghĩa với việc Nhà nước bỏ công cụ điều tiết giá. Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá vé máy bay lên mức cao đối với hạng vé phổ thông, nhất là các dịp lễ, tết, mùa du lịch nhu cầu đi lại tăng cao, ảnh hưởng đến người dân, nhất là người có thu nhập thấp khó có thể được tiếp cận các dịch vụ hàng không; làm tăng chi phí xã hội.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc này còn làm tăng chi ngân sách nhà nước vì hiện nay nhiều cơ quan nhà nước hàng năm phải chi ngân sách khá lớn cho việc mua vé máy bay phục vụ nhu cầu công tác. Thực tế cho thấy, có những thời điểm (như dịp 30.4 – 1.5 vừa qua) các hãng đã đồng loạt tăng giá vé máy bay gây tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch, tâm lý người dân.
Bộ Giao thông vận tải có thể điều chỉnh giá trần khi cần thiết
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, việc bỏ giá trần là vấn đề rất lớn, là thay đổi một chính sách quan trọng và theo quy định phải được đánh giá tác động kỹ lưỡng. Trong khi Chính phủ không trình và không có báo cáo đánh giá tác động thì hiện nay, chưa đủ căn cứ sửa đổi, có thể gây hậu quả cho xã hội và cho nền kinh tế, báo cáo nêu rõ.
Đặc biệt, việc quy định giá trần trong dự thảo luật ngoài là ý kiến của đa số đại biểu thì còn xuất phát từ chính yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực hàng không dân dụng.
Cụ thể là, trên cơ sở đánh giá thực tiễn các năm qua, khi tổng kết luật Hàng không dân dụng, tại Báo cáo tổng kết, đánh giá thi hành luật Hàng không dân dụng, Bộ GTVT đã đánh giá và đề xuất cần giữ quy định giá trần.
Một lý do khác, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định giá trần là đủ cơ sở pháp lý theo luật Cạnh tranh và luật Giá. Mặc dù thị trường không còn độc quyền như trước đây do có 6 hãng hàng không khai thác các tuyến nội địa, tuy nhiên trên thực tế vẫn do 3 hãng hàng không lớn nắm giữ phần lớn thị phần là: Vietnam Airlines với khoảng 35%, Vietjet Air với khoảng 40%, Bamboo Airways với khoảng 16%.
Theo đó, Vietnam Airlines, Vietjet Air đều là doanh nghiệp có vị thế thống lĩnh và nhóm 3 doanh nghiệp bao gồm cả Bamboo Airways là nhóm có vị thế thống lĩnh thị phần dịch vụ hàng không nội địa (chiếm tới 91% thị phần). Do đó, theo luật Cạnh tranh thì thị trường này có tính cạnh tranh hạn chế và cần thiết có trách nhiệm kiểm soát của Nhà nước. Như vậy, việc Nhà nước quy định giá trần là hoàn toàn phù hợp với tiêu chí luật định.
Việc quy định khung giá hiện nay vẫn tạo cơ hội đa dạng hóa loại hình dịch vụ; bảo đảm tính hấp dẫn; đáp ứng sự lựa chọn dịch vụ cao cấp của khách hàng ở các phân khúc khác nhau.
Vẫn theo báo cáo, việc quy định giá trần không mang tính cố định, nếu cần thiết thì Chính phủ (ở đây là Bộ GTVT) có thể quy định giá trần ở mức hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội tại từng giai đoạn, từng thời điểm, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, trường hợp nhận thấy giá trần chưa phù hợp thì các hãng hàng không có quyền đề nghị Chính phủ kịp thời điều chỉnh chứ không có nghĩa là phải sửa luật.
Từ những phân tích nói trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép chỉ quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.