Bộ đội hỗ trợ sinh kế cho đồng bào Khmer

Khi mặt trời xuống núi, bà Danh Sau (ấp Rạch Dứa, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) vẫn ngồi cặm cụi đan cỏ bàng. Từng sợi cỏ bàng mộc mạc, đơn sơ qua đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của bà dần trở thành những chiếc giỏ có hoa văn độc đáo và tinh xảo. Quanh ao cá, đàn gà trăm con đua nhau chạy vào chuồng. Khu chuồng trại kế bên, lợn cũng chen chúc tranh nhau thức ăn đã được đổ vào máng. Trong khu vườn của nhà bà Sau, sầu riêng, bưởi, dừa vừa đến kỳ thu hoạch.

Trung bình mỗi năm, gia đình bà Danh Sau có nguồn thu nhập ổn định khoảng 40-50 triệu đồng. Số tiền trên giúp gia đình mua sắm được những vật dụng cần thiết, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

nong thon kien giang.jpg
 Xã Phú Mỹ khang trang, sạch đẹp, nhiều hộ dân Khmer đã thoát nghèo

Trước đây, cũng như bao hộ dân trong ấp Rạch Dứa, nguồn thu nhập của gia đình bà Sau chủ yếu phụ thuộc vào việc làm lúa trên vùng đất nhiễm mặn. Dù quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nguồn lương thực thu được rất bấp bênh; nửa đời làm lụng gia đình bà Sau vẫn không đủ ăn. 

Nhận thấy khó khăn của gia đình bà Sau cũng như nhiều người dân tộc Khmer tại ấp Rạch Dứa, Đồn Biên phòng Phú Mỹ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các hộ dân phát triển kinh tế để sớm thoát nghèo. 

Bà Sau chia sẻ: “Sau 3 năm phát triển mô hình VAC, rồi tham gia HTX đan cỏ bàng, nhà tôi có nguồn thu nhập tương đối ổn định. Tất cả đều nhờ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ giúp đỡ. Từ giống cây trồng, vật nuôi đều do bộ đội trích quỹ mua tặng. Các anh còn thường xuyên đến hướng dẫn chúng tôi kỹ thuật chăm sóc gia súc, gia cầm, vườn cây một cách khoa học để cho năng suất cao hơn”.

Đầu năm 2016, khi tỉnh Kiên Giang quyết định thành lập Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Phú Mỹ, ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái đồng cỏ bàng duy nhất còn sót lại ở ĐBSCL, gia đình bà Danh Sau cùng bà con trong ấp được chính quyền xã cùng cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ tập huấn kỹ năng quản lý đồng cỏ, phương pháp canh tác, thu hoạch, đan lát, tiếp thị và kinh doanh sản phẩm.

Năm 2018, làng nghề đan cỏ bàng Phú Mỹ được công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh Kiên Giang; các hộ dân xã Phú Mỹ tham gia HTX, tăng thu nhập; đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

co bang.jpg
 Đan cỏ bàng – nghề truyền thống mang lại thu nhập bền vững cho hộ dân Khmer ở Phú Mỹ 

Giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây biên cương vững mạnh

Địa bàn Đồn Biên phòng Phú Mỹ quản lý là 2 xã Phú Mỹ và Phú Lợi, trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 40%. Do nhiều nguyên nhân khác nhau như điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất phèn, mặn, khó trồng trọt, chăn nuôi; phong tục, thói quen canh tác lại đơn giản nên tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao.

Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Đồn Biên phòng Phú Mỹ đặc biệt quan tâm thực hiện Chương trình “Chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”. Theo đó, chú trọng xây dựng mô hình giúp dân phát triển kinh tế hiệu quả và có tính bền vững. Trên cơ sở xem xét nhu cầu của các gia đình, đơn vị huy động nguồn kinh phí phù hợp để hỗ trợ cây, con giống, hoặc tổ chức lực lượng giúp bà con xây dựng chuồng trại. Đến nay, có nhiều gia đình do đơn vị đỡ đầu đang vươn lên phát triển kinh tế, thoát khỏi diện hộ nghèo, vươn lên làm giàu.

Một chương trình hướng về đồng bào nghèo hiệu quả, phải kể đến “Nâng bước em đến trường – Con nuôi đồn biên phòng”. Theo đó, học bổng trao cho trẻ em nghèo vùng biên (trích từ lương của cán bộ, chiến sĩ Đồn Phú Mỹ và lực lượng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh), triển khai từ năm 2016, đã trao cho nhiều học sinh khó khăn cả hai bên biên giới Việt Nam và Campuchia, mỗi cháu 500 nghìn đồng/tháng, cho đến khi các cháu học hết lớp 12.

Tháng 10/2022 thực hiện Công văn số 1383 của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang về việc triển khai thực hiện Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em đến trường”, đơn vị lại tiếp tục đứng ra phối hợp với địa phương, các đoàn thể xét, chọn hỗ trợ 24 cháu học sinh Khmer. Mỗi cháu được nhận 1,1 triệu đồng hàng tháng, nguồn kinh phí do Bộ Quốc phòng cấp.

vandong bao ve bien gioi.jpg
Cán bộ Đồn Biên phòng Phú Mỹ vận động người cao tuổi chung tay bảo vệ vùng biên

Mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, các chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Tết Quân – Dân” cũng được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ quan tâm thực hiện. Đặc biệt, thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, đơn vị đã tham mưu UBND huyện Giang Thành ra quyết định công nhận 86 hộ dân sinh sống trên biên giới tham gia tự quản đường biên, cột mốc. Việc công nhận 86 hộ dân, là đồn Biên phòng có thêm 86 cột mốc sống, sẵn sàng tham gia và vận động mọi người dân tham gia các phong trào vì chủ quyền an ninh biên giới. Và cũng chính những hộ dân này, hàng tháng đã cung cấp cho lực lượng biên phòng nhiều nguồn tin có giá trị phục vụ cho đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và quản lý bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia…

Thời gian tới, Đồn Biên phòng Phú Mỹ tiếp tục xác định “Tham gia xóa đói, giảm nghèo ở khu vực biên giới” là nội dung quan trọng để tập trung thực hiện thường xuyên cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Công Duy