Khoảnh đất rộng cả ngàn mét vuông ở làng A Banh 1, xã Tr’Hy, huyện Tây Giang (Quảng Nam) đang được bạt ủi dần. Từ vạt đồi dốc dựng đứng trong khu vực đất sản xuất, mặt bằng cứ thế dần hiện ra nhờ sức vóc và mồ hôi của các chiến sĩ biên phòng.
Không lâu nữa, nơi ấy sẽ mọc lên vườn rau kiểu mẫu giúp bà con Cơ Tu thêm sinh kế.
Đại úy LÊ HỮU NAM (Đồn biên phòng A Xan)
Vườn rau giữa núi đồi
Trưa tháng 4 nắng bỏng rát, doi đất kế bên thôn A Banh 1 tập trung nhiều bóng áo xanh lính biên phòng. Các chiến sĩ với cuốc, xẻng… miệt mài giữa nắng từ sớm tới chiều cào đất, san lấp mặt bằng sớm hoàn thành vườn rau.
Bí thư Đảng ủy xã Tr’Hy Lê Hoàng Linh cho biết việc bộ đội biên phòng bạt núi, mở vườn rau dự kiến gần 7.000m2 này đến từ dự án hợp tác giữa nhóm doanh nghiệp từ Hội An với xã.
Trong chuyến đi khảo sát, làm việc với xã Tr’Hy, Công ty cổ phần Khu du lịch Bắc Mỹ An (chủ sở hữu Furama Resort Đà Nẵng) cùng ba doanh nghiệp Sun Food, Green Heart, Viet Farm đã quyết định bắt tay với nông dân Cơ Tu ở vùng biên giới trồng rau sạch đem về tiêu thụ tại các khu lưu trú hạng sang. Ý tưởng này lập tức được lãnh đạo huyện Tây Giang và xã Tr’Hy ủng hộ.
Tuy nhiên, ông Linh nói mục tiêu của dự án còn hướng đến tạo thói quen sản xuất theo quy mô hàng hóa cho bà con, nâng cao thu nhập và cải thiện sinh kế. Người Cơ Tu sống quanh các khối núi.
Đây vốn là vùng dược liệu, rau rừng tự nhiên phong phú, dinh dưỡng cao nhưng vì không rành buôn bán, không ai hướng dẫn, bao tiêu hàng hóa nên bà con trồng rau chủ yếu chỉ để ăn.
Ở Tây Giang từng có nhiều mô hình làm trang trại do doanh nghiệp hợp tác với nông dân nhưng các dự án ấy chưa đạt hiệu quả như mong muốn. “Lần này các doanh nghiệp lớn lên tận vùng biên giới, bắt tay với nhau từ khâu trồng trọt, kỹ thuật cho tới tiêu thụ nông sản đầu ra nên bà con rất mừng” – ông Linh nói.
Bộ đội làm trước, bà con làm theo
Biên bản ghi nhớ giữa xã ký với các doanh nghiệp. Xã Tr’Hy sẽ chọn mặt bằng, lựa 30 hộ gia đình đại diện tham gia dự án trồng rau, bí, trái cây. Các doanh nghiệp điều phối kỹ thuật, cung cấp giống, hướng dẫn làm. Toàn bộ nông sản làm ra được thu mua đưa về phục vụ tại Furama Đà Nẵng.
Một thoáng băn khoăn chính là làm sao có mặt bằng, thay đổi tư duy trồng trọt nhỏ lẻ của bà con qua số lượng lớn với quy chuẩn bài bản. Và những người lính biên phòng đã nhận hỗ trợ ngay. Làm việc với huyện và nhóm doanh nghiệp, đại úy Lê Hữu Nam – phó đồn trưởng Đồn biên phòng A Xan – khẳng định những người lính biên phòng sẽ làm mô hình rồi hướng dẫn bà con cùng làm.
Đại úy Nam nói lính biên phòng cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng của bà con bao đời nay. Nên thấy lãnh đạo xã còn băn khoăn, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Nam đã chọn Đồn biên phòng A Xan tham gia thực hiện mô hình trồng rau sạch này liền, làm trước rồi tính toán nhân rộng cho đồng bào Cơ Tu cùng làm sẽ rất thuận lợi.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh – giám đốc Công ty cổ phần Khu du lịch Bắc Mỹ An – nói nông sản ở Tây Giang rất sạch, ngon, không thuốc trừ sâu nhưng lâu nay do thiếu kênh phân phối, không ổn định đầu ra.
Làm quy trình lớn, chuyên nghiệp, các doanh nghiệp nhận bao tiêu sẽ có giá cao hơn thông thường. Nông sản của bà con xã Tr’Hy chỉ bán riêng vào Furama đã không đủ nhu cầu.
Đồn biên phòng A Xan trước đây đóng ở xã A Xan nhưng do núi đồi sạt lở nên đã chuyển về đóng tại xã Tr’Hy cách đây chừng bốn tháng.
Mới chân ướt chân ráo ổn định về nơi mới, những người lính đã nhận nhiệm vụ bạt đồi, san mặt bằng rồi hướng dẫn đồng bào canh tác rau.
Sau cả tháng miệt mài san ủi, khoảng đồi rộng đã khá bằng phẳng, được hàng rào bao quanh. Những trụ gỗ cùng hàng lối quy hoạch vườn rau hữu cơ đã dần thành hình. Thấy bộ đội làm, bà con không khỏi tò mò cùng ra làm xen lẫn háo hức, nghĩ đến không lâu nữa được “bộ đội Cụ Hồ” chỉ cách gieo hạt, chăm mầm cây theo quy trình hữu cơ của vườn rau xanh mướt bên lưng chừng đồi để bán về resort.