Như loạt bài viết “Cởi trói cho thị trường vàng để nguồn vốn chảy vào nền kinh tế” được Lao Động đăng tải, việc lựa chọn con đường dễ dàng trong quản lý thị trường vàng bằng công cụ hành chính, mệnh lệnh như Nghị định 24/2012/NĐ-CP, hay đi theo cơ chế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo lợi ích cho các bên là bài toán không đơn giản đối với cơ quan quản lý Nhà nước.
Tại cuộc họp chiều 28.3 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng các chuyên gia, thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã thống nhất đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC cùng nhiều cơ chế quan trọng trong Nghị định 24.
Là thành viên của hội đồng, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi đánh giá, Ngân hàng Nhà nước chỉ nên quản lý vàng có yếu tố tiền tệ thì sẽ hợp lý và hiệu quả. Tuy nhiên, để thị trường hoạt động bền vững, hài hòa lợi ích giữa các bên vẫn cần tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới.
Theo TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, 3 điều nên làm là bỏ độc quyền nhập khẩu, sản xuất vàng miếng; bỏ độc quyền thương hiệu SJC vì đã giao cho họ sự độc quyền không đáng có; cho phép một số doanh nghiệp nhập khẩu vàng miếng nếu đáp ứng đủ tiêu chí.
Ông nhấn mạnh rằng, cần kiên định chấm dứt cho vay mượn bằng vàng – nguyên nhân cốt lõi dẫn đến vàng hóa nền kinh tế. Nghiên cứu từ 4 thị trường Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, họ có sàn giao dịch vàng nhưng là 25 năm về trước. Còn hiện nay đã chuyển sang giao dịch chủ yếu qua ngân hàng để giảm bớt thanh toán dùng tiền mặt. Nhưng về lâu dài, ông Lực cho rằng, nên khuyến khích phát triển phái sinh vàng (thuộc về phái sinh hàng hóa). Lĩnh vực này nên để Bộ Tài chính quản lý thay vì Bộ Công Thương hiện nay.
Vị chuyên gia cũng nêu rõ cần phân vai rõ ràng. Nhiệm vụ quản lý thị trường vàng hiện giao cho Ngân hàng Nhà nước nhưng không phù hợp. Tại Thái Lan, Ủy ban Chứng khoán Thái Lan chịu trách nhiệm về các sản phẩm hợp đồng tương lai vàng (phái sinh vàng). Bộ Tài chính, cụ thể là Cục Hải quan, chịu trách nhiệm xuất nhập khẩu vàng. Ngân hàng trung ương Thái Lan chịu trách nhiệm với các giao dịch vàng bằng đồng ngoại tệ. Bộ Thương mại (ở Việt Nam là Bộ Công Thương) sẽ quản lý các tiệm vàng và giao dịch vàng nội địa.
GS.TS Trần Ngọc Thơ – Đại học Kinh tế TP.HCM – cho biết, tại Ấn Độ, sau nhiều thất bại, họ đã ra 5 mục tiêu cố định gồm: đưa công nghiệp vàng chiếm 1,5 – 3% GDP trong 5 năm; tăng doanh thu xuất khẩu vàng; tăng việc làm trong ngành công nghiệp vàng lên 6 – 10 triệu; không gây thâm hụt tài khoản vãng lai. Ngân hàng trung ương Ấn Độ, Bộ Tài chính và các bộ liên quan triển khai chính sách, thuế xuất nhập khẩu… để vận hành sàn giao dịch vàng.
Tại Trung Quốc, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc quản lí thị trường vàng và các sản phẩm từ vàng. Các quy định về xuất nhập khẩu sẽ kết hợp với Tổng cục Hải quan. Dòng tiền đều được kiểm soát.
Còn tại Thổ Nhĩ Kì thì lại chưa thành công. Ngân hàng trung ương nước này ban đầu độc quyền thị trường vàng, sau đó chuyển sang tự do hóa, cấp phép cho sàn giao dịch. Tuy nhiên, bất ổn kinh tế vĩ mô khi đó đã khiến giá vàng tăng cao. Ngân hàng trung ương lại chuyển sang cấm nhập khẩu thì thị trường vàng lại nổi sóng chênh lệch giá…