Từ sáng sớm, hàng vạn đồng bào Chăm ở tỉnh Bình Thuận đổ về tháp Pô Sah Inư, thành phố Phan Thiết, để tham dự khai mạc lễ hội Katê năm 2024. Dịp này, cộng đồng người Chăm hân hoan, phấn khởi khi tận mắt chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia Linga vàng.
Trong văn hóa Chăm, Linga là vật thờ quan trọng, tả thực bộ phận sinh dục nam giới, tượng trưng cho nguồn sự sống, sự sinh sôi nảy nở. Trong đạo Bà La Môn, Linga tượng trưng cho thần Shiva, vị thần hủy diệt và tái sinh.
Theo ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận, hiện vật Linga vàng được phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ tại tháp Pô Dam (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong) vào năm 2013. Thông qua việc giám định, các nhà khoa học khẳng định đây là chiếc Linga bằng vàng ròng có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ VIII – IX, cùng niên đại xây dựng nhóm tháp Pô Dam. Từ đó đến nay, Linga vàng được bảo vệ nghiêm ngặt tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận.
Bảo vật Linga vàng mang giá trị lớn về lịch sử, văn hoá, thẩm mỹ, trọng lượng 78,36 gram, với tỉ lệ vàng ròng chiếm 90,4 %, 9,6% còn lại là bạc và đồng. Bảo vật cũng là tư liệu khoa học quan trọng không chỉ đối với khảo cổ học, mà còn có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, tôn giáo, kỹ thuật luyện kim, nghề kim hoàn,… của cộng đồng người Chăm trước đây.
Ngày 18/1/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 73/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia đợt 12 – năm 2023. Trong số 29 bảo vật quốc gia được công nhận đợt này, có Linga vàng tỉnh Bình Thuận. Việc đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Linga vàng là bảo vật quốc gia đã góp phần làm cho lễ hội Katê năm nay thêm phần trang trọng, ấm cúng.
Sư cả Thường Xuân Hữu – Chủ tịch hội đồng chức sắc Bà La Môn giáo tỉnh Bình Thuận, khẳng định việc công nhận Linga vàng là bảo vật quốc gia là niềm vinh dự và tự hào lớn lao của cộng đồng người Chăm địa phương. Đồng thời cho biết sẽ nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa vốn di sản văn hóa quý giá của dân tộc mình.
Năm nay, lễ hội Katê của đồng bào Chăm Bình Thuận diễn ra trong hai ngày 1,2/10 với nhiều phần lễ truyền thống và phần hội mang đậm nét văn hóa dân gian. Sau phần khai mạc, đồng bào chăm nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính, mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga – Yoni, mặc trang phục bệ thờ Linga – Yoni và đại lễ cúng tạ ơn Nữ thần Pô Sah Inư, các vị thần linh và ông bà, tổ tiên.
Katê là lễ hội dân gian có từ lâu đời và đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào Chăm, lễ hội Katê cũng thu hút đông đảo người dân và du khách đến nghiên cứu, thưởng thức văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm, nhất là các hoạt động trong phần hội.
Hiện tỉnh Bình Thuận có trên 40.000 đồng bào Chăm sinh sống, tập trung tại các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Tánh Linh,… Đời sống của đồng bào Chăm ngày càng nâng cao, vì thế Tết Katê cũng sung túc hơn. Lễ hội khai diễn hàng năm vào ngày 1/7 Chăm lịch, dịp này không chỉ người Chăm ở Bình Thuận mà người Chăm sinh sống, làm việc ở khắp mọi nơi đều trở về đoàn tụ và quây quần cùng gia đình, bạn bè và người thân./.
Nguồn: https://toquoc.vn/binh-thuan-cong-bo-bao-vat-quoc-gia-linga-vang-cua-nguoi-cham-20241002162208405.htm