Sáng 20.6, UBND H.Bình Chánh tổ chức hội nghị xúc tiến về lĩnh vực giáo dục trên địa bàn.
H.Bình Chánh rộng hơn 25.000 ha, dân số hơn 850.000 người, tiếp giáp 7 quận, huyện của TP.HCM và tỉnh Long An, là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng cơ học hơn 32.000 người/năm.
Bà Phan Thị Cẩm Nhung, Phó chủ tịch UBND H.Bình Chánh thông tin, hiện toàn huyện có 130 trường học, gồm 89 trường công lập và 41 trường ngoài công lập với hơn 100.000 học sinh. Các trường công lập đa số đầu tư ở bậc học mầm non với quy mô nhỏ, chưa đạt chuẩn về cơ sở vật chất.
Hầu hết khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung các xã phía bắc của huyện như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân nên nhu cầu học tập của người dân địa phương và công nhân, lao động khá cao. Hiện nhu cầu các xã phía bắc của H.Bình Chánh cần 1.801 lớp nhưng cơ sở học tập chỉ đạt 1.243 lớp, cần phải đầu tư thêm 558 lớp học các cấp.
Tại hội nghị, H.Bình Chánh kêu gọi đầu tư trường học tại 84 khu đất với tổng diện tích 100 ha, gồm 8 trường THPT, 15 trường THCS, 23 trường tiểu học và 38 trường mầm non.
Vướng mắc chủ yếu liên quan quy hoạch
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn giáo dục AVS cho hay, doanh nghiệp có nhu cầu phát triển trường liên cấp ở xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B. Sau khi tiếp cận 20 vị trí thông qua môi giới và địa chính xã, doanh nghiệp nhận thấy vấn đề nổi lên là đất quy hoạch giáo dục thường rơi vào vị trí xa khu dân cư, chưa phù hợp lĩnh vực của trường tư thục vì liên quan đến tuyển sinh.
Tại hội nghị, tập đoàn này kiến nghị tháo gỡ vướng mắc tại 2 thửa đất để mở trường quốc tế song ngữ. Thửa đất đầu tiên rộng 5.400 m2 là của một cổ đông tham gia tập đoàn, mục đích hiện tại là xây dựng nhà xưởng, công trình phi nông nghiệp.
Khi gửi tờ trình cho huyện, Phòng Quản lý đô thị huyện hướng dẫn gửi lên Sở KH-ĐT, nhưng khi gửi hồ sơ thì Sở KH-ĐT trả lời không thuộc thẩm quyền vì không phù hợp quy hoạch. Công ty mong có cơ chế mở đặc thù ngành giáo dục, thời gian hoạt động 20 – 25 năm, cam kết tháo gỡ sau khi hết hạn.
Thửa 2 rộng 7.500 m2, hiện quy hoạch đất giáo dục nhưng lại thuộc dự án trường mầm non của huyện. Do đó, tập đoàn mong huyện rà soát tính khả thi, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia. “Chúng tôi cam kết thực hiện trong 1 năm sẽ hình thành được ngôi trường”, đại diện công ty nói.
TS Mai Đức Thắng, đại diện Hệ thống giáo dục song ngữ quốc tế Hoàng Gia cho biết, doanh nghiệp muốn đầu tư hệ thống giáo dục, trường nhiều cấp học nhưng luật đất đai chỉ quy hoạch giáo dục của một bậc học khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp tham dự hội nghị đều bày tỏ muốn mở trường quốc tế, trường liên cấp, trung tâm ngoại ngữ, khu trải nghiệm và giáo dục kỹ năng sống. Các doanh nghiệp đề nghị huyện có đơn vị đầu mối phối hợp, hỗ trợ và đồng hành để nhà đầu tư rút ngắn thời gian làm hồ sơ pháp lý.
Tránh kêu gọi rầm rộ nhưng rồi lại ‘rải đinh’
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh khẳng định, Ban Thường vụ Bình Chánh cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư, nếu thuộc thẩm quyền sẽ giải quyết triệt để, còn nếu thuộc thẩm quyền sở, ngành thành phố thì cùng phối hợp tháo gỡ.
Trong năm 2023, H.Bình Chánh tổ chức 4 hội nghị xúc tiến đầu tư vào 4 lĩnh vực: giáo dục, thương mại, nông nghiệp và du lịch. Bí thư Huyện ủy Bình Chánh chia sẻ, nhiều người thấy lạ lẫm khi nghe xúc tiến đầu tư giáo dục, bởi lâu nay thường kêu gọi vào lĩnh vực thương mại, du lịch, công nghiệp. Tuy nhiên, giáo dục là lĩnh vực then chốt nên cần ưu tiên, ngân sách phân bổ eo hẹp nên phải huy động nguồn lực xã hội hóa.
“Phương châm của huyện là Bình Chánh đổi mới và phát triển. Đổi mới về tư duy, quyết liệt trong hành động chứ không thể làm theo lề lối cũ”, ông Trần Văn Nam nói.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh, phát triển giáo dục để có nguồn chất lượng cao, bền vững nên thành phố luôn mong muốn đón nhận các nhà đầu tư nghiêm túc, chất lượng. Trong đó, nhà đầu tư cần đặt mục tiêu cung cấp kiến thức, đào tạo con người có ích cho xã hội song hành với mục tiêu tài chính, thậm chí đặt cao hơn để tạo dựng nên các cơ sở giáo dục uy tín, bền vững, thực hiện công việc có ý nghĩa cao đẹp.
Đối với 84 vị trí kêu gọi đầu tư của Bình Chánh, ông Đức đề nghị huyện phân tích kỹ từng vị trí để chủ động tháo gỡ vướng mắc, giới thiệu đến nhà đầu tư phù hợp. “Khi kết nối rồi thì tập trung nguồn lực để sớm đưa dự án vào hoạt động. Tránh câu chuyện kêu gọi đầu tư thì rầm rộ, nhưng phía dưới lại “rải đinh” “, ông Đức lưu ý. Đồng thời yêu cầu huyện phải thường xuyên báo cáo tiến độ dự án đầu tư đến Thường trực UBND TP.HCM.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, đây là lần đầu tiên tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực giáo dục ở cấp quận huyện. Điều đó cho thấy sự quan tâm và tầm nhìn chiến lược của huyện trên nền tảng cơ sở đang có và tiềm năng sắp tới.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định sẽ phối hợp Sở QH-KT, Sở TN-MT và Sở Xây dựng tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, thủ tục đất đai, đầu tư để sớm đưa trường lớp vào phục vụ nhu cầu người dân.