Cuốn sách Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 là thành quả mới nhất trong công cuộc lần giở “cảo thơm” của ngày xưa để phục dựng một không khí, một thời đại tuy đã lùi xa nhưng vẫn để lại ảnh hưởng bàng bạc lên cuộc sống hôm nay.
Với 30 bài viết cùng 4.000 tranh ảnh minh họa, Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 thể hiện mong muốn của nhà làm sách, để cho độc giả hôm nay có một hình dung theo cách tiệm cận nhất vẻ đẹp của những trang báo xưa.
Tác giả Phạm Công Luận là người gắn bó với thành phố phương Nam này.
Trang viết của ông khởi đi từ những kỷ niệm và ông nâng niu các trang báo, các tư liệu ngày xưa như nâng niu thơ ấu của mình.
Ông nhớ là thời từng mê hai nhân vật đáng yêu Tí Xíu và Tí Ti của hai họa sĩ Vương Nghiêm và Nguyễn Tài trên báo Thiếu Nhi.
Ông nhớ những tối ba mình cùng bạn ngồi đàm đạo chuyện thế thời, nhắc đến các họa sĩ vẽ tranh châm biếm.
Vượt qua tính trào phúng về các vấn đề đương thời buổi xưa, biếm họa báo chí đã trở thành một món ăn tinh thần và là kỷ niệm của nhiều người đã quen mở, khép một ngày bằng việc lật giở tờ báo giấy.
Độc giả cao niên có thể tìm gặp lại những “Bé Ngôn – Bé Luận”, “Anh Tám Sạc-ne”, “Anh Năm Trật Búa”… những nhân vật biếm họa quen thuộc trên báo chí Sài Gòn trước 1975.
Những nhân vật hư cấu dưới nét cọ tài hoa của họa sĩ đã một thời bầu bạn tâm tình cùng vui buồn của thời đại.
Và độc giả hôm nay cũng có thể tìm ở nhân vật này, đâu đó chân dung của tháng ngày qua, biết thêm về hình thức biếm họa báo chí.
Một hình thức có lịch sử lâu dài và tồn tại trên mặt báo đến tận ngày nay.
Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975 đưa độc giả về một thời sôi động của biếm họa trên báo chí.
Đó cũng là cách mà tác giả Phạm Công Luận tri ân những họa sĩ vẽ biếm họa thuở trước như Đức Khánh, Văn Hiếu, Diệp Đình, Bình Thành, Hưng Hội, Cẩm Đường, Tám Bờm… Những người mà có lẽ ngày nay ít người biết đến.
Nhưng từng có thời, bằng tài năng của mình, họ đã góp phần hình thành nên diện mạo sinh động của biếm họa trên báo chí.