Cảm xúc nóng giận, lo âu sẽ khiến cho chúng ta gặp phải các vấn đề về sức khỏe như căng thẳng, đau đầu, mất ngủ, tăng huyết áp, trầm cảm…
Kiểm soát cảm xúc tức giận
Cảm xúc nóng giận, lo âu sẽ khiến cho chúng ta gặp phải các vấn đề về sức khỏe như căng thẳng, đau đầu, mất ngủ, tăng huyết áp, trầm cảm… Do đó, việc hiểu và kiểm soát cảm xúc tiêu cực không chỉ giúp chúng ta bảo vệ sức khỏe tinh thần, thể chất của bản thân mà còn có cái nhìn tỉnh táo đối với con người, sự vật, sự việc xung quanh.
Để có thể kiểm soát cơn nóng giận một cách hiệu quả, chúng ta phải học kĩ năng nhận biết dấu hiệu của cơn giận khi đang trong một cuộc tranh luận với người khác. Chúng ta chỉ kiểm soát được cảm xúc của mình khi nhận biết được nội tâm đang dềnh lên những dấu hiệu tiêu cực (nhịp tim tăng, căng cơ, cảm thấy ức chế, khó thở, muốn bùng nổ…).
Không phải ai cũng có khả năng kiểm soát tốt cảm xúc tiêu cực nếu như trước đó không có sự rèn luyện. Khi thấy dấu hiệu cơn tức giận đang bốc hỏa trong người, chúng ta có thể thực hiện một số động tác kiểm soát cảm xúc bằng kỹ thuật thở sâu và thư giãn cơ mặt.
Không vô lý mà các nhà huấn luyện Yoga kiêm chuyên gia tâm lý khuyên chúng ta rằng: “Nếu cảm thấy cơn giận bộc phát, chúng ta có thể lặp đi lại động tác hít thở sâu và chậm, sau đó giữ hơi thở lại vài giây và thở ra từ từ qua miệng hay duy trì sự tập trung vào từng nhóm cơ trong cơ thể, từ từ căng chúng lên rồi thả lỏng để dịu lại cảm xúc tiêu cực. Một khi những suy nghĩ tích cực được luyện tập thường xuyên, chúng sẽ trở thành một phần trong cuộc sống của bạn”.
Chấp nhận sai lầm đã qua
Nhà triết học người Mỹ Benjamin Franklin từng nói: “Quá khứ như bóng ma, hiện tại là món quà, tương lai là giấc mơ”. Thế nên, trong khi cuộc sống luôn vận động còn chúng ta cứ ghim trong đầu những kỷ niệm tiêu cực hay chìm đắm với hồi ức đẹp (đã qua) sẽ khiến chúng ta không mở lòng với hiện tại, không sẵn sàng để tiến về tương lai.
Thực tế, những người ôm khư khư quá khứ thường có tâm trạng u uất, căng thẳng, lười vận động, chán nản, dậm chân tại chỗ. Vẫn biết, quá khứ (dù hạnh phúc hay khổ đau, may mắn hay bất hạnh) thì đó luôn là một phần của cuộc sống. Ai cũng có quá khứ và con người không phải là cái máy để nhấn nút “delete” là có thể xóa tất cả quá khứ.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu rằng, quá khứ là cái đã qua, không thể quay về và làm lại. Thế nên, việc níu giữ quá khứ một cách mù quáng chỉ khiến ta đánh mất cơ của hiện tại và tương lai.
Khi không thể làm lại và thay đổi những sai lầm đã xảy ra thì hãy chấp nhận nó, thỏa hiệp với vết thương lòng cũ để bước tiếp, mở ra cánh cửa tương lai. Hãy coi quá khứ là bài học, là sự trải nghiệm, là thử thách mà ta phải đi qua để trưởng thành hơn về ý chí, bản lĩnh.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/bi-quyet-lam-chu-cam-xuc-20240923123858209.htm