Thị trường nhạc số lên ngôi, các thể loại nhạc cũng dần có xu hướng như hòa vào và pha trộn lẫn nhau
Tính cá nhân hóa trong ngành streaming đã biến âm nhạc trở thành tri âm có thể gắn bó với cảm xúc của người dùng bất cứ lúc nào.
Sức khỏe tinh thần
Với những thế hệ trước, ngôn ngữ trong âm nhạc của giới trẻ là một rào cản lớn. Nhưng với khán giả trẻ hiện nay, họ lại tận hưởng cuộc chơi hơn bao giờ hết. Từ Âu sang Á, thế hệ này cởi mở lắng nghe và tận hưởng âm nhạc đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau một cách hào hứng.
Vậy khán giả thời nay có quan điểm về văn hóa âm nhạc như thế nào? Thực tế, không có quan điểm về văn hóa âm nhạc “hợp chuẩn”. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nhận định: “Tôi nghĩ không có khái niệm “chuẩn” cho văn hóa âm nhạc, vì chuẩn với người này không chắc chuẩn với người khác. Thẩm mỹ âm nhạc và sở thích của nhiều người vốn đã khác nhau, gu thưởng thức nghệ thuật của họ không thể đồng nhất. Hơn nữa, âm nhạc lại còn theo nhu cầu lứa tuổi, tầng lớp xã hội, phong tục và nền văn hóa…”.
Vì vậy, có người thích sự trẻ trung, chỉ cần đó là loại âm nhạc làm người nghe cảm thấy vui vẻ hay hợp tâm trạng khi nghe là đủ. Có khán giả lại yêu thích những gì sâu sắc hơn với sứ mệnh quảng bá, lan tỏa văn hóa Việt trong từng tác phẩm âm nhạc, mới đúng chuẩn là người yêu nhạc. Minh chứng rõ nét nhất là hai luồng khán giả hoàn toàn khác nhau của hai chương trình rất hot hiện nay là “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai”.
“Không thể nói dân ca và nhạc cổ truyền hay nhạc vàng, nhạc pop, nhạc ngoại là chuẩn chung của tất cả, mà chỉ chuẩn với một đối tượng nhất định mà thôi. Với tôi, văn hóa âm nhạc chuẩn nhất là giá trị nguyên thủy của âm nhạc, của nghệ thuật, đó là sự kết nối con người với nhau thông qua giai điệu và chỉ chuẩn khi âm nhạc truyền tải được những giá trị tốt đẹp của tất cả chúng ta, khiến con người hướng thiện, xua tan mệt mỏi và thêm yêu cuộc sống này” – ca sĩ Nguyễn Phi Hùng chia sẻ.
Đạo diễn Nguyễn Tuấn Đức cũng cho rằng văn hóa concert gần đây đã thực sự trở lại, đó là nơi gắn kết giữ nghệ sĩ biểu diễn và khán giả, họ gần nhau hơn bao giờ hết, sẽ khác nhiều khi ta chỉ xem qua màn hình. Thông qua đó các chương trình/hình thức giao lưu, trao đổi quà tặng… cũng tạo nên một sân chơi mới dành cho giới trẻ gắn kết nhiều hơn thông qua một cộng đồng chung sở thích.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng 73% người Mỹ thuộc thế hệ Z sử dụng âm thanh để đối phó với căng thẳng và lo lắng. Phần lớn những thanh thiếu niên này cũng cho thấy những cụm từ khi lắng nghe sẽ giúp họ trở nên mạnh mẽ hơn là “tình cảm”, “trị liệu” và “cá nhân”. Ngoài âm nhạc, 1/4 người trong số họ chia sẻ rằng họ nghe các podcast liên quan đến sức khỏe tâm lý. Ngành công nghiệp streaming đang thay đổi dần khái niệm về các nền tảng âm nhạc. Có thể thấy những gã khổng lồ như Spotify, Apple Music, Deezer… đã rất đề cao và trân trọng cảm xúc của thế hệ trẻ. Bên cạnh việc cung cấp các ca khúc mới, họ còn chú trọng vào các playlist, podcast… phù hợp với sự quan tâm của nhóm khách hàng quan trọng của mình.
Chiến binh “nghìn máu”
Sự bùng nổ của 2 chương trình truyền hình âm nhạc “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi” thời gian qua, không chỉ tạo dựng một diện mạo mới cho thị trường biểu diễn của showbiz Việt mà còn định hình diện mạo khán giả trẻ hiện nay.
Ca sĩ ST Sơn Thạch (giọng ca vừa được vinh danh tại Giải Mai Vàng lần thứ 30-2024 do Báo Người Lao Động tổ chức ở hạng mục “Ca khúc được yêu thích nhất” với tác phẩm “Thuận nước đẩy thuyền” do ST Sơn Thạch sáng tác) bày tỏ: “Qua các giải thưởng mùa cuối năm mới thấy được khái niệm fan (người hâm mộ) và idol (thần tượng) hiện nay hoàn toàn khác trước”.
Theo ca sĩ ST Sơn Thạch, fan hiện nay như những chiến binh “nghìn máu” (những nhân vật chiến binh quả cảm trong các game). Họ sẵn sàng chiến đấu vì người mà họ yêu mến. Thậm chí phải đầu tư khoản tiền lớn để được nhìn thấy idol của mình tỏa sáng trên một mặt trận nào đó. “Tất cả những hành động đó đều thầm lặng. ST chỉ biết khi bản thân mình giành được chiến thắng. Xem những đoạn clip các bạn fan ở các tỉnh quây quần cùng nhau xem lễ trao Giải Mai Vàng và biểu cảm hạnh phúc khi thấy tên ST được đọc trên sân khấu như cách mà chúng ta theo dõi các trận bóng đá của đội tuyển quốc gia qua tivi vậy. ST thực sự cảm động. Cách yêu mến của fan với thần tượng hiện nay cũng khác trước rất nhiều” – ca sĩ ST bộc bạch.
Trong khi đó, với ca sĩ Jun Phạm- giọng ca vừa chiến thắng tượng Mai Vàng tại lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 30-2024 hạng mục “Nam diễn viên điện ảnh – truyền hình được yêu thích nhất” – cũng nhìn nhận: “Nếu hành trình này không có fan thì có lẽ Jun đã không có được giải thưởng danh giá này”. Điều này không hề quá lời bởi nhiều bạn fan của Jun Phạm thừa nhận rằng họ lên kế hoạch vote (bình chọn) cho Jun Phạm ngay cả khi chưa xem phim Jun đóng.
Cho đến khi thần tượng đã chiến thắng giải thưởng như họ mong muốn, họ mới bắt đầu xem phim của thần tượng. “Nhiều bạn nói với Jun, vai diễn của Jun kinh khủng quá và rất đáng ghét. Nếu một khán giả bình thường (tức là không phải là fan của Jun) có lẽ họ sẽ không vote cho Jun vì nhìn thôi là thấy ghét rồi” – Jun kể. Tất nhiên, ở một mặt nào đó thì rõ ràng Jun Phạm đã rất xuất sắc trong vai Tuấn Kiệt ở phim “7 năm chưa cưới sẽ chia tay” (cũng là phim đoạt Giải Mai Vàng lần thứ 30-2024 hạng mục “Phim truyền hình được yêu thích nhất”).
Tại thời điểm, các giải thưởng lĩnh vực giải trí diễn ra vào đầu năm 2025, khắp cõi mạng trở nên náo nhiệt với những chia sẻ về chiến lược, kêu gọi nhau đồng hành với người hâm mộ mà họ yêu thích. Đích đến cuối cùng của các chiến binh “nghìn máu” là phải có thắng lợi vẻ vang. Niềm vui của fan chính là nụ cười hạnh phúc của idol trên sân khấu các lễ trao giải. Và vì thế, cuộc chiến fan trên các nền tảng mạng xã hội cũng náo nhiệt hơn bao giờ hết.
Những người trong giới thừa nhận, sự hâm mộ của fan hiện nay khác trước rất nhiều. Khái niệm đi đu idol không phải là thần tượng ở đâu, fan ở đó để xin chữ ký, chụp một tấm ảnh là xong. Thay vào đó, fan sẵn sàng đồng hành trong mọi bước đi của diol. Khi chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” còn đang quay hình, một người hâm mộ SOOBIN Hoàng Sơn đã đặt hàng trăm suất ăn gửi đến trường quay cho các anh tài và cả ê-kíp quay hình thưởng thức. Chi phí “sương sương” của bữa ăn này là 400 triệu đồng. Và điều duy nhất fan này muốn chỉ là “SOOBIN và bạn của SOOBIN được vui vẻ”.
Ý tưởng mới
Nhiều báo cáo cho thấy trung bình một người trẻ nghe nhiều hơn 5 thể loại nhạc và cực kỳ nuông chiều cảm xúc. Ở trong thời đại mà thị trường nhạc số lên ngôi, các thể loại nhạc cũng dần có xu hướng như hòa vào và pha trộn lẫn nhau. Có một xu hướng thể hiện rõ trong nhiều playlist hiện nay, đó là sự đa dạng từ thể loại, ngôn ngữ cho đến phong cách bài hát trong một playlist cá nhân. Toàn cầu hóa nhưng vẫn giữ được cá tính, các dịch vụ streaming đã cung cấp một cửa ngõ để người nghe đến với các ngành công nghiệp âm nhạc khác nhau chỉ bằng một playlist nhạc. Rất nhiều người đã lên tiếng ca ngợi ý tưởng tìm kiếm cảm giác cộng đồng mới thông qua âm nhạc này.
Nguồn: https://nld.com.vn/nhac-so-len-ngoi-khoang-cach-dan-nhoa-196250120205543292.htm