Theo cô Tống Thị Son, giáo viên hóa học Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội, đề thi môn hóa năm nay khả năng tăng cường một số nội dung vận dụng thực tiễn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong các đề thi, có những câu hỏi nhằm giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống, xã hội, được xây dựng tiệm cận theo định hướng đánh giá năng lực người học giúp đánh giá được năng lực thí sinh một cách công bằng và chính xác. Về phạm vi kiến thức trong đề thi tham khảo: 90% kiến thức thuộc chương trình lớp 12 ở tất cả các chương và 10% kiến thức thuộc chương trình lớp 11.
Cận ngày thi, tùy mục tiêu của từng môn, học sinh sẽ có chiến lược ôn tập khác nhau. Với những em chỉ cần đỗ tốt nghiệp, nên tập trung ôn phần kim loại bởi phần này chiếm số lượng lớn các câu trong đề hơn, đặc biệt chương đại cương kim loại.
Với những học sinh đặt mục tiêu điểm cao, cần rà soát lại lý thuyết, luyện những mệnh đề đúng sai sẽ giúp củng cố kiến thức, đọc lại sách giáo khoa những phần các em hay bỏ qua và hay quên như tính chất vật lý, ứng dụng.
Chương polime cũng là một phần học sinh nên đọc lại vì nhiều lý thuyết khó nhớ. Đọc lại những thí nghiệm có trong sách giáo khoa để hiểu được các bước tiến hành, các hiện tượng thí nghiệm liên quan đến màu sắc, khí, kết tủa.
Trong quá trình làm bài, tránh việc mất điểm đáng tiếc và không bị tâm lý, thí sinh cần ghi và tô mã đề chính xác, cần đọc hết nội dung câu hỏi, tránh tình trạng đọc đến nửa câu đã khoanh đáp án dẫn đến trả lời sai nội dung câu hỏi.
Trường hợp thí sinh phân vân hoặc giải không ra phương án nào, nên chuyển sang làm câu khác để ngắt mạch suy nghĩ liên quan đến câu đó, tránh bị định hướng theo lỗi sai đang mắc phải. Ở môn thi tổ hợp cuối cùng, nếu còn thời gian, các em hãy chép lại phiếu tô của mình ra nháp để đối chiếu kết quả sau khi kết thúc kỳ thi.
Ở môn sinh học, thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên Trường THPT Chuyên Sư phạm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, về nội dung đề thi bao gồm: 4 câu chương I lớp 11 ở mức độ nhận biết và thông hiểu; 8-10 câu cơ chế di truyền và biến dị từ mức độ nhận biết cho đến vận dụng cao; 7-8 câu quy luật di truyền ở mức độ thông hiểu, vận dụng;
Di truyền quần thể 2 câu thông hiểu, vận dụng hoặc vận dụng cao; di truyền ứng dụng 2 câu ở mức thông hiểu và vận dụng; 1 câu di truyền người; 5 câu tiến hóa ở mức nhận biết, thông hiểu và vận dụng; 8-10 câu sinh thái ở mức thông hiểu, vận dụng thậm chí vận dụng cao.
Về hình thức: đề thi sẽ sắp xếp các câu hỏi ngắn dễ từ đầu và càng về sau càng khó. 20 câu hỏi đầu dành cho thí sinh mục tiêu thi tốt nghiệp nên rất ngắn, dễ và chỉ ở mức nhận biết, thông hiểu. Các câu hỏi được chia làm 2 nhóm: nhóm bắt buộc phải làm đúng và nhóm chọn ngẫu nhiên, lời khuyên dành cho mỗi nhóm thí sinh định hướng mục tiêu ôn tập như sau:
Lưu ý trong quá trình làm bài, thí sinh thường mất điểm khi “làm sai câu dễ”, đặc biệt cân nhắc sửa đáp án ở phút cuối vì nhiều em đã mất điểm và hối hận sau kỳ thi.
Với môn vật lý, theo thầy Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, giáo viên dạy vật lý kênh VTV7, thí sinh nên học cách quản trị thời gian và luyện tập nhuần nhuyễn chiến thuật làm bài thi.
Theo thầy giáo này, một trong những vấn đề lớn nhất thí sinh thường mắc phải là không quản trị tốt thời gian làm bài thi, khiến cho kết quả thi thấp hơn so với năng lực thực tế.
Nhiều thí sinh mắc lỗi phân phối thời gian không phù hợp giữa các phần, dành quá nhiều thời gian cho một số câu hỏi khó trong khi lại làm vội, làm sai, hoặc bỏ lỡ những câu hỏi dễ, những câu hỏi vừa sức mà bản thân có thể làm được.
Để khắc phục vấn đề trên, trong tuần cuối, các em cần xây dựng chiến thuật làm bài thi phù hợp với năng lực, với mục tiêu điểm số, đồng thời không hạn chế cơ hội để có thể vượt lên mức điểm cao hơn. Cốt lõi của việc này là phải xây dựng được một bảng phân phối thời gian hợp lý để vận dụng trong quá trình làm bài.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/bi-quyet-dat-diem-cao-bai-thi-to-hop-khoa-hoc-tu-nhien-2024-20240622231546972.htm