Lays Laraya cho biết, cô bị phạt vì vi phạm Đạo luật an toàn sinh học của Úc sau khi bị hai quan chức mặc thường phục kiểm tra ngẫu nhiên tại sân bay Perth. Tuy nhiên, cô khẳng định mình vô tội vì cho rằng mình đã loanh quanh sân bay với bông hồng trên tay và không cố gắng lén mang bông hoa vào Úc.
Laraya, là YouTuber khá nổi tiếng, nhận được bông hồng từ thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay Qatar Airways khi đang trong hành trình đến Úc. Cô giữ bông hoa như một món quà và không đổ lỗi cho hãng hàng không về tình huống “tốn kém” này.
Sau khi hạ cánh xuống sân bay Perth, Laraya cầm bông hồng trên tay vì không muốn làm hỏng nó. Cô cũng đăng một video có bông hồng lên Instagram và cho biết video này hiện ở chế độ riêng tư vì đã nhận được nhiều bình luận tiêu cực sau khi chia sẻ câu chuyện của mình.
Trước khi cô đến cửa nhập cảnh, hai người đàn ông mặc thường phục đã tiếp cận cô và lệnh cho cô đi theo, yêu cầu hộ chiếu và điện thoại của cô trước khi họ đưa thẻ cảnh sát. Ban đầu, cô ngạc nhiên không biết điều gì đang xảy ra cho đến khi nhân viên mang tờ khai thông tin hành khách đến. Đây là tờ khai cô đã trả lời trên chuyến bay với hàng loạt câu hỏi, trong đó có đề cập đến việc hành khách có mang thực vật vào Úc hay không.
“Tôi không hề nghĩ rằng hoa hồng nằm trong danh mục những loại cây bị cấm mang vào. Vì vậy, tôi đã sai lầm khi đánh dấu ‘không’ và cuối cùng đó là lời buộc tội của họ”, cô nói.
Laraya cho biết ngay sau đó, cô đã bị phạt vì cố ý cung cấp thông tin sai sự thật hoặc gây hiểu lầm và bị phạt 1.878 đô la Úc, tương đương hơn 1.200 đô la Mỹ.
Laraya nói với báo Anh Insider: “Nếu tôi biết mình đang làm sai, tôi đã vứt bông hồng đi ngay”.
Người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Úc nói với Insider qua email rằng, nếu một khách du lịch “không khai báo loại hàng hóa được biết là có mức độ rủi ro an toàn sinh học cao” và cung cấp thông tin sai lệch, thông báo vi phạm sẽ tăng từ vài trăm đô la lên mức phạt hơn 1.200 đô la Mỹ.
Người phát ngôn của bộ cho biết: “Tất cả khách du lịch đến Úc phải nắm các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn sinh học của Úc và các hình phạt nếu không tuân thủ các yêu cầu đó”.
Ở Úc, hoa được coi là nguy cơ về an toàn sinh học vì chúng có thể mang theo các loài ve, rệp và bọ trĩ.
Laraya khẳng định cô đang cố gắng kháng cáo hành vi vi phạm và đã nghe nhiều người nói rằng đáng lẽ cô phải nhận một hình phạt cảnh cáo hoặc mức phạt thấp hơn nhiều so với mức cô đã nhận.
Úc là một trong những quốc gia kiểm soát nhập cảnh nghiêm ngặt nhất thế giới. Những loại thực vật hay thịt đều không thể mang vào nước này và nếu khai không đúng có thể bị phạt rất nặng.