Ngày thứ 8 sau ca mổ tim phức tạp tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, bé được cai máy thở và bắt đầu tập ăn sữa. Tình trạng hẹp eo động mạch chủ được giải quyết hoàn toàn, hiện chỉ còn một lỗ thông liên thất nhỏ 2 mm, khả năng sẽ tự đóng khi trẻ được 3-6 tháng. Bé được xuất viện, sớm hơn 1 tuần so với dự kiến.
4 năm sau khi sinh con đầu lòng, chị Nguyễn Thị Ngọc Khanh vui mừng khi có tin vui 2 vạch. Hành trình ngỡ như suôn sẻ với người mẹ ở tuổi ngoài 30 thì biến cố ập đến khi bác sĩ thông báo thai nhi có bất thường tim qua siêu âm hình thái học ở tam cá nguyệt thứ 2. Thai nhi được chẩn đoán dị tật thiểu sản cung động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ nặng. Đây là một bệnh lý tim bẩm sinh nặng, do cung động mạch chủ không phát triển như bình thường mà bị teo nhỏ. Trong bào thai nhờ có ống động mạch mà thai nhi gần như phát triển bình thường. Nhưng sau khi sinh ra, nếu ống động mạch đóng lại, trẻ sơ sinh có thể rơi vào tình trạng suy tim cấp và sốc tim. Nếu không được phát hiện sớm, theo dõi chặt chẽ và xử lý ngay sau sinh, trẻ có thể bị đe dọa tính mạng.
“Khi bác sĩ báo con bị dị tật tim bẩm sinh, tôi rất đau lòng, không biết nên làm thế nào, không thể nghĩ được gì. Nhưng tôi vẫn hy vọng con chỉ bị nhẹ thôi. Sau sinh, nghe nói con phải mổ trong vòng 7 ngày và trải qua 5 tiếng trên bàn phẫu thuật, hai vợ chồng ôm nhau khóc, thương con còn quá nhỏ”, chị Nguyễn Thị Ngọc Khanh – mẹ bệnh nhi chia sẻ.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết: “Thai phụ rất may mắn khi phát hiện được dị tật bẩm sinh từ giai đoạn sớm. Nhờ đó, chúng tôi có kế hoạch theo dõi sát sao trong suốt thai kỳ. Một phác đồ rất chi tiết được lập ra với sự phối hợp giữa nhiều chuyên khoa bao gồm Sản khoa, Gây mê – Hồi sức, Nhi – Sơ sinh, Nội tim mạch cùng toàn bộ hệ thống Phẫu thuật tim mạch… nhằm đón em bé chào đời bình an và nhanh chóng can thiệp sửa chữa trái tim”.
Ngày 21/4, chị Khanh sinh mổ khi thai được gần 39 tuần. Bé sau sinh khóc to, môi hồng, ngay lập tức được chuyển hồi sức sơ sinh để được hỗ trợ về hô hấp, giữ cho chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy) trên 95%, đảm bảo về huyết động, phát hiện những tình trạng có thể khiến bé bị suy tim, sốc tim… sớm nhất. Các bác sĩ cũng thiết lập chế độ chăm sóc dinh dưỡng đặc biệt đảm bảo sức khỏe cho bé bước vào ca mổ lớn đầu đời.
ThS.BS Nguyễn Minh Trí Viên – Phẫu thuật viên Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, bé bị hẹp cung động mạch chủ nên khi ống động mạch đóng lại, bé có nguy cơ thiếu máu nuôi những cơ quan quan trọng như tạng (gan, thận, ruột), chi dưới… Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ gần như không thể qua khỏi. Do đó, cần tiến hành phẫu thuật cho bé càng sớm càng tốt.
“Chúng tôi chọn thời điểm phẫu thuật trong vòng một tuần sau sinh để các cơ quan của bé có độ trưởng thành nhất định và tình trạng sức khỏe cũng ổn định hơn, tạo tiền đề cho ca mổ diễn ra an toàn”, bác sĩ Viên nói.
Khó khăn lớn nhất là em bé còn quá nhỏ, mới 6 ngày tuổi với cân nặng chưa đầy 3kg. Các mạch máu của trẻ có kích thước rất nhỏ, đòi hỏi các bác sĩ phải có kỹ năng phẫu thuật vi phẫu rất cao. Đặc biệt, trẻ phẫu thuật dưới 2 tuần tuổi phải đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng chức năng tim, thận, phổi khi các cơ quan chưa ổn định.
Các khâu gây mê, phẫu thuật, hồi sức sau mổ đều chuẩn bị kỹ lưỡng để ca mổ diễn ra thuận lợi, an toàn. Sau 5 giờ cân não, bác sĩ cắt nối thành công chỗ hẹp, eo động mạch chủ được mở rộng. Bé được chuyển về phòng hồi sức tích cực để chăm sóc hậu phẫu.
Ba ngày đầu, huyết động của bé không ổn định, phải sử dụng thuốc vận mạch liều rất cao và chăm sóc tích cực qua thở máy. Ngày thứ 4, tình trạng bé ổn định, có thể giảm dần các thuốc hỗ trợ tim, đồng thời chức năng thận hồi phục, bé bắt đầu có nước tiểu và tự tiểu được.
Ngày thứ 7, bé được rút nội khí quản hoàn toàn và giảm nhiều vận mạch. Ngày thứ 8, bé rời phòng hồi sức để chuyển xuống khoa sơ sinh.
Ngày 17/5, tức là 20 ngày sau ca mổ tim đầu đời, bé tự thở, bú sữa tốt và được xuất viện.
ThS.BS Văn Thị Thu Hương – Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM thông tin: “Công tác hồi sức sau mổ tim vốn đã phức tạp, nay càng khó khăn hơn khi bệnh nhi là một em bé mới vài ngày tuổi. Vì thế, chúng tôi phải hết sức cẩn thận, kỹ lưỡng. Chỉ một cơ quan của bé bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến toàn cơ thể cũng như chức năng sống của bé. Từ nồng độ thuốc, dinh dưỡng dịch nuôi ăn của bé…, chúng tôi đều phải tính toán rất kỹ, đồng thời theo dõi sát sao vận mạch, nhiệt độ, SpO2…, đảm bảo không xảy ra sơ sót nào”.
ThS.BS Nguyễn Minh Trí Viên cho hay, thành công của ca phẫu thuật đến từ nhiều yếu tố. Trước tiên, BVĐK Tâm Anh có đầy đủ chuyên khoa. Sự hợp tác liên chuyên khoa diễn ra rất ăn ý trên tinh thần tương trợ lẫn nhau nhằm đem lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân. Thứ hai, bệnh viện được trang bị máy móc hiện đại bậc nhất, từ thiết bị chẩn đoán hình ảnh như MRI, MSCT, siêu âm…, thiết bị phẫu thuật cho đến thiết bị trong gây mê hồi sức như máy thở, máy chạy tuần hoàn cơ thể… Cuối cùng là trình độ chuyên môn cao của đội ngũ y bác sĩ, đã giúp theo dõi sát sao tình trạng của bé từ lúc trong bào thai, sau sinh, trong quá trình phẫu thuật, giai đoạn hậu phẫu và theo dõi chặt chẽ sức khỏe sau này.
Thu Hà