Đây là giải pháp tình thế trong bối cảnh lượng bệnh đến khám điều trị tăng, bệnh viện quá tải, trong khi dự án xây dựng mới tòa nhà 15 tầng của Bệnh viện Nhân dân Gia Định trì trệ nhiều năm qua chưa biết lúc nào về đích.
Quá tải, Bệnh viện Nhân dân Gia Định phải đục tường mượn tạm cơ sở điều trị
Đục tường chuyển bệnh
Để thuận tiện cho việc di chuyển qua Bệnh viện Ung bướu, từ nhiều tháng qua Bệnh viện Nhân dân Gia Định phải đục bức tường giữa các khối nhà của hai bệnh viện, tạo thành hành lang tạm bợ cho bệnh nhân và nhân viên y tế di chuyển.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải – giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định – cho biết lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện gần đây có tăng, khoảng trên 4.000 lượt/ngày. Với cơ sở vật chất hiện hữu, theo bác sĩ Hải, “chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh”.
Đây cũng chính là lý do mà bệnh viện xin phép “mượn đỡ” dãy nhà khu B của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1 (nơi đang triển khai xây dựng trung tâm tầm soát và chẩn đoán bệnh sớm bằng công nghệ cao) làm các khoa điều trị nội trú của Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
“Việc này kéo dài cũng được 7-8 tháng nay, cũng là giải pháp tình thế lúc này. Còn về lâu dài chúng tôi rất mong chờ tòa nhà xây mới 15 tầng hoàn thành để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh” – bác sĩ Hải nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng khẳng định đây là giải pháp tạm thời. “Khi xây mới Bệnh viện Nhân dân Gia Định thì một số khoa phòng hiện hữu bị đập bỏ, do đó lượng bệnh dồn vào diện tích còn lại rất chật chội.
Cạnh đó, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1 cơ bản chuyển qua cơ sở 2 và trong khi chờ xây dựng trung tâm tầm soát và chẩn đoán bệnh sớm thì việc sắp xếp cho mượn cơ sở điều trị là phù hợp với thực tế, còn nếu để trống cũng uổng. Việc này bệnh viện đã xin phép và được sự đồng ý của Sở Y tế” – vị này nói.
Kiến nghị sử dụng cơ sở vật chất của Bệnh viện Colombia
Ngoài giải pháp đục tường mượn cơ sở của Bệnh viện Ung bướu, một giải pháp được đánh giá khá khả thi với Bệnh viện Nhân dân Gia Định lúc này là việc kiến nghị cho phép sử dụng phần đất và cơ sở vật chất của Bệnh viện quốc tế Colombia Asia Gia Định (số 1 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) – đơn vị vừa có thông báo ngưng toàn bộ hoạt động từ ngày 31-1-2024 vì hết hạn chứng nhận đầu tư.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải xác nhận đơn vị đã có kiến nghị gửi Sở Y tế và UBND TP.HCM việc này.
“Đây là phần đất nằm lọt thỏm trong khuôn viên của Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Nếu có được cơ sở này sẽ rất phù hợp, chúng tôi sẽ giải áp được rất lớn cho khu phòng khám đang chật chội” – bác sĩ Hải chia sẻ.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã gửi công văn cho các cơ quan chức năng về việc chuyển giao phần đất nêu trên cho đơn vị quản lý và sử dụng phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Bệnh viện lý giải từ nhiều năm qua bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, thường xuyên cấp cứu trung bình 250 đến 300 bệnh nhân/ngày, điều trị hơn 1.500 bệnh nhân/ngày, khám bệnh ngoại trú khoảng 4.000 luợt/ngày.
Bệnh viện đã có nhiều nỗ lực giải quyết thêm mặt bằng nhằm giảm quá tải như kê chen thêm giường, sử dụng phòng của bác sĩ và điều dưỡng cho người bệnh nhưng vẫn không đủ phòng cho bệnh nhân.
Hiện nay bệnh viện còn thiếu diện tích sàn xây dựng phục vụ cho nhu cầu điều trị và không có phòng làm việc cho bác sĩ, điều dưỡng theo quy định.
Chậm tiến độ đến bao giờ?
Dự án xây mới thay thế khu nội trú của Bệnh viện Nhân dân Gia Định được khởi công vào ngày 17-3-2020 với quy mô hai tòa nhà 15 tầng từ nguồn vốn ngân sách TP.HCM, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và vốn vay với tổng số tiền đầu tư hơn 600 tỉ đồng.
Dự án do nhà thầu là Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng Thành Đô phụ trách và đây là một trong các dự án nhiều lần bị “điểm mặt” chậm tiến độ. Ghi nhận thực tế cho thấy hiện công trình này vẫn đang được thi công, tuy nhiên với mức độ cầm chừng.
Một lãnh đạo của Bệnh viện Nhân dân Gia Định chia sẻ dự án này đang là bài toán rất “đau đầu” đối với bệnh viện và mong sớm có phương hướng tháo gỡ.