Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hồng Hà (số 16 Nguyễn Như Đổ, phường Văn Miếu, quận Đống Đa) vừa bị xử phạt hành chính do vi phạm quy định chuyên môn kỹ thuật trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Tin mới y tế ngày 10/12: Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hồng Hà bị phạt
Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hồng Hà (số 16 Nguyễn Như Đổ, phường Văn Miếu, quận Đống Đa) vừa bị xử phạt hành chính do vi phạm quy định chuyên môn kỹ thuật trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Phạt nhiều cơ sở y tế tư nhân
Theo thông tin từ Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cơ quan này đã ban hành quyết định xử phạt 9 cơ sở hành nghề y, dược do không tuân thủ các quy định pháp luật.
Ảnh minh hoạ |
Trong đó, hai nhà thuốc, Minh Tâm (số 125 ngõ Quan Thổ 1, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) và Nguyễn Gia (CT2 DV-TM, toà CT2 dự án khu nhà ở xã hội IEC, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì) bị xử phạt mỗi cơ sở 7,5 triệu đồng vì không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật.
Công ty Cổ phần tư vấn sức khỏe Khánh Lương (số 33 đường Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) bị xử phạt 8 triệu đồng do để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc, vi phạm quy định trong kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, và trang thiết bị y tế.
Ngoài ra, 4 cơ sở khác bị xử phạt mức 15 triệu đồng vì không lưu giữ chứng từ, tài liệu liên quan đến lô thuốc trong thời gian quy định. Các cơ sở này bao gồm: Công ty TNHH thương mại Dược – Thiết bị y tế Đức Hiền (phường Hàng Bột, quận Đống Đa); Chi nhánh Công ty TNHH Vạn Xuân (KĐT Tây Nam Hồ Linh Đàm, quận Hoàng Mai); Công ty Cổ phần dược phẩm Anh Phương (phường Trung Phụng, quận Đống Đa); Công ty cổ phần VicPharma Hà Nội (phường Mộ Lao, quận Hà Đông).
Đặc biệt, Công ty TNHH thương mại dược phẩm Nhật Vũ (KĐT Mỗ Lao, quận Hà Đông) bị xử phạt số tiền lên tới 50 triệu đồng vì không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì thực hành tốt phân phối thuốc theo quy định của pháp luật.
Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hồng Hà (số 16 Nguyễn Như Đổ, phường Văn Miếu, Đống Đa) vừa bị xử phạt hành chính do vi phạm quy định chuyên môn kỹ thuật trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Cụ thể, cơ sở này đã để người hành nghề thực hiện công việc không đúng thời gian đăng ký đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Cùng với mức phạt tiền 23 triệu đồng, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hồng Hà còn bị đình chỉ hoạt động một phần (Khoa Ngoại – Gây mê hồi sức) và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh của 4 nhân viên bệnh viện trong thời gian 2 tháng.
Đây là một trong những nỗ lực của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và bảo vệ quyền lợi người bệnh, đồng thời đảm bảo các cơ sở y tế tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Chấn thương mắt nghiêm trọng, nguy cơ mù do pháo tự chế
Mặc dù chưa đến Tết, nhưng nhiều thanh thiếu niên đã tự chế pháo, dẫn đến các tai nạn nghiêm trọng, phải nhập viện cấp cứu và đối mặt với nguy cơ mất thị lực.
Thông tin từ Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 2 nam bệnh nhân bị chấn thương mắt nặng do pháo tự chế.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân C.V.P (16 tuổi, trú tại Lạng Sơn), được chuyển đến trong tình trạng mắt trái bị chấn thương vỡ nát nhãn cầu, phòi kẹt và mất tổ chức nội nhãn, dẫn đến mất hoàn toàn thị lực.
Theo thông tin từ người nhà, bệnh nhân đang tự chế pháo (loại pháo cối cuốn bằng giấy) thì bất ngờ pháo phát nổ gây ra tai nạn. Các bác sỹ cho biết, tai nạn pháo nổ đã làm vỡ nhãn cầu của bệnh nhân. Mặc dù đã được kíp mổ cấp cứu ngay trong đêm, sức khỏe bệnh nhân hiện đã ổn định nhưng nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn vẫn rất cao.
Cùng trong đêm, Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận thêm bệnh nhân N.B.M (22 tuổi, Nghệ An) trong tình trạng mắt trái bị vết thương xuyên thủng rộng, củng mạc bị rách phức tạp và phòi kẹt tổ chức nội nhãn. Bệnh nhân cho biết trong lúc chế tạo pháo bằng cách cho thuốc nổ vào ống nhựa, pháo bất ngờ phát nổ khiến ống nhựa vỡ tung, các mảnh nhựa vỡ nát bay vào mắt và mặt, gây chấn thương nghiêm trọng.
Trước đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng thanh thiếu niên bị thương do chế tạo và sử dụng pháo tự chế. Trong một số trường hợp, bệnh nhân đã bị nát bàn tay và các bác sỹ không thể bảo toàn được ngón tay.
Các bác sỹ khuyến cáo người dân không tự ý chế tạo hoặc sử dụng pháo nổ trái phép, đặc biệt là pháo tự chế. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Để bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng, người dân cần nâng cao ý thức, tuyệt đối không mua bán, sử dụng pháo lậu và hướng dẫn con em tránh xa các hành động nguy hiểm này.
Hà Nội ghi nhận thêm 608 ca sốt xuất huyết trong một tuần
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 29/11 đến 6/12, Hà Nội ghi nhận 608 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 23 ca so với tuần trước. Các ca bệnh phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Một số khu vực có số bệnh nhân cao bao gồm Hà Đông (88 ca), Phúc Thọ (41 ca), Nam Từ Liêm (37 ca), Đống Đa (32 ca), Thanh Oai (31 ca), Thanh Trì (30 ca) và Thường Tín (30 ca).
Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 8.432 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 78% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tuần qua, TP cũng ghi nhận 21 ổ dịch sốt xuất huyết tại 11 quận, huyện, giảm 12 ổ dịch so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm, Hà Nội đã phát hiện 455 ổ dịch, trong đó 41 ổ dịch vẫn còn hoạt động.
Ngoài sốt xuất huyết, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 25 trường hợp mắc sởi, tương đương với tuần trước. Trong số này, 19 bệnh nhân chưa tiêm vắc-xin phòng sởi, 4 bệnh nhân đã tiêm vắc-xin và 2 bệnh nhân có tiền sử tiêm chủng không rõ ràng. Tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay là 165 ca, ghi nhận tại 27 quận, huyện, trong khi cùng kỳ năm 2023 không có trường hợp nào.
CDC Hà Nội nhận định số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng đầy đủ. Dự báo trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm ca mắc sởi.
Cùng với sốt xuất huyết và sởi, thành phố cũng ghi nhận 26 trường hợp mắc tay chân miệng trong tuần qua, tăng 1 ca so với tuần trước. Tổng số ca mắc tay chân miệng từ đầu năm 2024 đến nay là 2.448 ca, giảm hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023.
Các dịch bệnh khác như ho gà, liên cầu lợn, não mô cầu, Covid-19, uốn ván… không ghi nhận ca mắc trong tuần qua.
Trong tuần tới, CDC Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để giám sát và xử lý ổ dịch sởi tại các quận như Nam Từ Liêm, Long Biên, Thanh Xuân và Ba Đình.
Đồng thời, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin bạch hầu, uốn ván (Td) sẽ tiếp tục triển khai tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Phúc Thọ, Ba Đình, Thanh Trì và Thanh Xuân.
CDC Hà Nội cũng khuyến cáo các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát và điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh sởi. Các ổ dịch sốt xuất huyết cần được khoanh vùng và xử lý kịp thời theo quy định.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát tiền sử tiêm chủng vắc-xin phòng sởi của trẻ từ 1-5 tuổi, tổ chức tiêm bổ sung cho những trẻ chưa được tiêm đủ mũi. Cùng với đó, tổ chức tiêm vắc-xin Td cho trẻ 7 tuổi chưa tiêm đủ vắc-xin có thành phần uốn ván, bạch hầu theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-1012-benh-vien-da-khoa-tu-nhan-hong-ha-bi-phat-d232067.html