Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại dịch đau mắt đỏ đang lây lan trong cộng đồng tại nhiều tỉnh miền Trung và phía Nam. Theo đó, trong thời gian hơn 1 tháng trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã xuất hiện nhiều trường hợp đau mắt đỏ.
Tại các cơ sở khám chữa bệnh cũng ghi nhận gia tăng bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám. Các bác sỹ chuyên khoa mắt nhận định dịch bệnh đau mắt đỏ năm nay lây lan nhanh, tỷ lệ viêm giác mạc sau đau mắt đỏ cao hơn, lâu khỏi hơn.
Vì vậy, mọi người chủ động phòng tránh lây nhiễm bệnh và nếu bị mắc bệnh cần chú trọng chăm sóc mắt và điều trị đúng.
Tại Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh, từ đầu tháng 8 trở lại đây đã ghi nhận gần 1000 người đến khám do viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ), trong đó có 25 trường hợp phải nhập viện điều trị do biến chứng viêm giác mạc.
Tại bệnh viện Mắt Sài gòn Hà Tĩnh từ đầu tháng 9 đến nay, trung bình một ngày tiếp nhận khám ngoại trú cho khoảng 10 đến 15 bệnh nhân đau mắt đỏ, tăng cao so với trước đây.
Tại Bình Dương từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh Bình Dương ghi nhận khoảng 2.300 ca bệnh đau mắt đỏ (bệnh viêm kết mạc), tăng 58% so với cùng kỳ, riêng tháng 8 ghi nhận 405 ca. Theo đánh giá của ngành y tế tỉnh Bình Dương, bệnh đau mắt đỏ đang có nguy cơ bùng phát thành dịch tại địa phương này.
Tại Bình Phước, bệnh đau mắt đỏ cũng đang diễn biến phức tạp. Từ ngày 8/9, trên địa bàn có 11/41 trường mầm non, tiểu học với 260 em bị đau mắt đỏ.
Đến ngày 11/9, có 27/41 trường học, với 1.401 học sinh mắc bệnh này. Đến trưa 12/9, toàn thành phố Đồng Xoài đã ghi nhận 38/41 trường học với 554 lớp và 2.450 học sinh bị đau mắt đỏ.
Số trường học trên địa bàn thành phố Đồng Xoài có ca bệnh đau mắt đỏ chiếm hơn 90%. Số học sinh tiểu học mắc bệnh chiếm hơn 70%.
Tại TP. Hồ Chí Minh, theo Sở Y tế, báo cáo nhanh của các bệnh viện về số lượt khám bệnh này từ đầu năm đến nay đã lên tới hơn 72.000 lượt. Đặc biệt, số ca mắc bệnh trong những ngày gần đây có xu hướng tăng, trong đó khoảng 1/3 tổng số ca bệnh là trẻ em ở tuổi đi học.
Chỉ riêng tại Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh mỗi tuần phải tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 1.500 trường hợp bị bệnh đau mắt đỏ.
Đáng lưu ý, trong 8 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận hơn 1.000 ca bị biến chứng với các vấn đề nghiêm trọng như: viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc, bội nhiễm, suy giảm thị lực…
Theo bác sĩ Lê Công Đức – Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh cho biết: Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khỏi và ít để lại di chứng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp mặc dù được phát hiện và điều trị kịp thời nhưng bệnh vẫn gây biến chứng viêm giác mạc, thậm chí gây viêm loét giác mạc (phần lòng đen của nhãn cầu).
Đây là biến chứng nặng và thường xảy ra ở những trường hợp: Người có sức đề kháng yếu (người già, trẻ nhỏ), những người không tuân thủ tốt điều trị, những trường hợp viêm kết mạc cấp nặng (mi sưng phù nhiều, có giả mạc)….
Hiện nay chưa có thuốc kháng Adenovirus đặc hiệu vì vậy ngoài việc bóc giả mạc bệnh nhân cần được điều trị bằng kháng sinh tại mắt để đề phòng bội nhiễm vi khuẩn và có thể dùng thuốc chống viêm tại mắt nếu phản ứng viêm mạnh.
Để chăm sóc mắt và phòng lây lan bệnh đau mắt đỏ, mọi người cần thực hiện: lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại.
Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn. Tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt. Khi trẻ bị đau mắt, thông thường sẽ bị 1 bên mắt trước, bố mẹ và người nhà cần chăm sóc trẻ thật cẩn thận, để tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại.
Cho trẻ nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay ghèn và nước mắt chảy ra (làm tương tự đối với người lớn). Tránh ôm ấp khi trẻ em bị bệnh, ngủ riêng.
“Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt.
Không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác. Không đắp các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu… Đặc biệt, khi có dấu hiệu đau mắt đỏ phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị”, Bs.Lê Công Đức – Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh cho biết thêm.