Có dịp theo chân Đội quản lý, vận hành cầu, hầm (Xí nghiệp Cầu đường Đà Nẵng) kiểm tra bên trong đầu cầu Rồng (phía Q.Sơn Trà), chúng tôi có dịp chứng kiến kết cấu của hệ thống phun lửa, phun nước đặt gọn ở “miệng Rồng”. Kỹ sư Tán Thịnh cho biết, cứ vào chiều thứ sáu mỗi tuần, các nhân viên bảo trì lại có mặt để kiểm tra các cấu kiện của hệ thống.
Để vào bên trong “đầu Rồng”, các nhân viên sẽ hạ một chiếc thang bằng thép dài chừng 10m có một đầu cố định sẵn ở cửa vào, phía “hàm dưới” cầu Rồng. Một người làm công tác cảnh báo ở mặt đất, trong khi đó 3 nhân viên kỹ thuật khác lần lượt leo vào “đầu Rồng” để kiểm tra các thiết bị đã lắp đặt sẵn.
Vòi phun nước được đặt bên trên đầu phun lửa hướng thẳng ra phía trước “miệng Rồng”. Thường thì việc kiểm tra hệ thống phun lửa sẽ tốn nhiều thời gian hơn bởi đây là thiết bị phức tạp hơn với ray trượt, van khí, bơm dầu, đánh lửa…
Tại đây, các nhân viên mở tủ để kiểm tra hệ thống dây dẫn điện, sau đó đến lượt hệ thống máy nén khí, máy bơm nước, máy phát điện, bể chứa nước, hệ thống PCCC…
Mặc dù hoạt động hoàn toàn tự động, nhưng vì là hệ thống phức tạp và để đảm bảo quá trình phun lửa thành công nên các kỹ sư luôn túc trực trong quá trình phun nước, phun lửa
Tùy vào việc có phát hiện ra những dấu hiệu bất thường cần phải duy tu, sửa chữa mà công đoạn kiểm tra có thể diễn ra trong khoảng từ 30 phút đến vài giờ đồng hồ. Khi mọi chuyện hoàn tất, các nhân viên lần lượt theo chiếc thang móc sẵn rời khỏi “đầu Rồng” và cho “chạy thử”.
Kỹ sư Tán Thịnh cho biết, vì việc “chạy thử” diễn ra ban ngày nên chỉ phun lửa 3 lần mà không phun nước vì có thể gây ướt cho người đi đường.
Hệ thống phun nước với ống dẫn kích cỡ “khủng” dẫn nước từ phía dưới “thân Rồng” đi vào bên trong và ra trước “miệng Rồng”
Để có màn trình diễn phun nước, phun lửa hoàn hảo vào các tối thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật, sau khi đảm bảo hệ thống vận hành trơn tru, đội anh Thịnh mới rời khỏi hiện trường.
“Mỗi đêm trình diễn sẽ có 3 lượt phun lửa, mỗi lượt sẽ gồm 9 lần phun. Tiếp theo là màn trình diễn phun nước với 3 lượt, mỗi lượt 4 lần phun. Mỗi đêm trình diễn cần 45 lít dầu DO và 5m3 nước”, anh Tán Thịnh nói.
Anh Thịnh kể, câu hỏi thú vị mà anh thường nhận được đó là nước từ “đầu Rồng” phun ra có phải là nước sông Hàn hay không, và liệu nước có đủ sạch?
“Đó là nước máy dùng cho sinh hoạt nên đảm bảo nước sạch và không gây ảnh hưởng đến da nếu người dân, du khách tiếp xúc phải…”, anh Thịnh khẳng định.
Hệ thống dẫn điện, máy phát, hệ thống khí nén, bồn chứa dầu DO… đều được kiểm tra vào mỗi chiều thứ sáu hằng tuần
Kỹ sư Nguyễn Toàn cho biết thêm, tất cả các thiết bị phun đều đặt gọn bên trong “đầu Rồng” và hoạt động theo cơ chế tự động. Tuy hiếm khi xảy ra sự cố, nhưng có một số lần hệ thống hoạt động chệch choạc buộc các kỹ sư phải túc trực để không bị gián đoạn.
Chẳng hạn, có lần khi “đầu Rồng” đang phun lửa thì gặp sự cố khiến các kỹ sư phải đánh lửa bằng tay. Hay có lần, vì vỡ ống dầu do áp suất lớn nên chỉ phun nước mà không phun được lửa. Đội phải dùng loa thông báo cho người dân được biết.