Becamex IDC (BCM) phát hành trái phiếu 3 tháng đã xin rút tài sản đảm bảo
Becamex IDC (BCM) vừa thông qua việc rút bớt tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu mã BCMH2427001. Tài sản đảm bảo được rút lại là quyền sử dụng đát, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số hiệu CY 3756299, thửa đất số 245, tờ bản đồ 44 tại phường Hoà Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Sau khi thông qua quyết định này, Becamex IDC sẽ triển khai lấy ý kiến trái chủ để triển khai việc rút bớt tài sản đảm bảo trong tháng 10/2024.
Lô trái phiếu BCMH2427001 chỉ vừa được Becamex IDC phát hành vài tháng, từ ngày 17/6/2024. Đây là lô trái phiếu có lãi suất 10,5%/năm, tổng mệnh giá 800 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau hơn 3 tháng phát hành, Becamex IDC đã định rút bớt tài sản đảm bảo của lô trái phiếu BCMH2427001.
Việc Becamex IDC rút bớt tài sản đảm bảo diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh đang có dấu hiệu đi xuống rõ rệt. Bên cạnh đó, nợ vay cũng đang gia tăng, cao vượt vốn chủ sở hữu tại cuối Quý 2/2024.
Áp lực trả lãi vay, BCM chỉ hoàn thành 22% mục tiêu năm
Becamex IDC nổi tiếng là một doanh nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Dương, đang triển khai 2 dự án trọng điểm là KCN Bàu Bàng (quy mô 1.000 ha) và KCN Cây Trường (quy mô 700 ha).
Về hoạt động kinh doanh, trong nửa đầu năm Becamex IDC ghi nhận doanh thu đạt 1.973,5 tỷ đồng, giảm 9,7% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm nhưng BCM lại phải gánh chịu thêm áp lực từ chi phí lãi vay.
Cụ thể, chi phí lãi vay tăng thêm 17% trong nửa đầu năm 2024, chiếm 538 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn đáng kể, chỉ còn 513 tỷ đồng. So với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đã tăng hơn 10 lần.
Thoạt nhìn có thể thấy đây là một kết quả tích cực nhưng trên thực tế, so với mục tiêu kinh doanh năm 2024 thì Becamex IDC mới chỉ hoàn thành được 22% kế hoạch cả năm.
Nợ vay từ trái phiếu ngày càng lớn
Chi phí lãi vay tăng cao của BCM liên quan tới hoạt động sử dụng vốn của đơn vị. Tại cuối tháng 6/2024, BCM ghi nhận tổng nguồn vốn 55.029 tỷ đồng. Trong đó tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn chiếm tới 21.274 tỷ đồng, tăng 7,9% so với đầu năm.
Trong đó, nợ vay ngắn hạn chiếm 9.323 tỷ đồng và nợ vay dài hạn chiếm 11.950 tỷ đồng. Tổng nợ vay ngắn và dài hạn hiện đang cao vượt vốn chủ sở hữu, gây áp lực lớn từ việc chi trả lãi vay, kéo lùi lợi nhuận của doanh nghiệp.
Một phần áp lực nợ vay đến từ những lần huy động trái phiếu của Becamex IDC. Tính từ đầu năm đến nay, công ty đã 5 lần huy động vốn qua kênh trái phiếu với tổng giá trị tới gần 1.800 tỷ đồng. Cả 5 lô trái phiếu này đều có thời gian đáo hạn 3 năm.
Tính đến hết Quý 2/2024, dư nợ trái phiếu trên BCTC của Becamex IDC ở mức khoảng 12.200 tỷ đồng với trái chủ hầu hết là ngân hàng và các quỹ đầu tư.
Về hoạt động huy động trái phiếu của Becamex IDC, VNDirect từng có báo cáo nhận định áp lực đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp sẽ tăng cao vào năm 2026 và 2028. Tổng dư nợ trái phiếu đáo hạn lần lượt ở mức 4.500 và 3.700 tỷ đồng.
Đáng chú ý, vừa qua Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Mã: TDC), một công ty con của Becamex IDC cũng đang gặp khó khăn về dòng tiền. Đơn vị này đã phải phát hành 35 triệu cổ phiếu để lấy tiền mua lại một phần lô trái phiếu mã TDC.BOND.700.2020. Lô trái phiếu này từng được TDC phát hành vào năm 2020 để lấy tiền chi trả cổ tức, lãi chậm trả cổ tức cho chính công ty mẹ Becamex IDC.
Nguồn: https://www.congluan.vn/no-vay-tang-cao-becamex-idc-bcm-moi-phat-hanh-trai-phieu-3-thang-da-xin-rut-lai-tai-san-dam-bao-post316330.html