Cuộc điều tra tham nhũng chưa từng có tại Nghị viện châu Âu (EP) đã làm rung động trung tâm quyền lực Liên minh châu Âu (EU) với hàng loạt cáo buộc liên quan đến các nhà lập pháp, các tổ chức phi chính phủ và các nước bên ngoài.
Bà Eva Kaili bị đình chỉ ‘tất cả quyền lực, nhiệm vụ và công việc… trên cương vị Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu’. Ảnh: Bà Eva Kaili tại Quốc hội Hy Lạp, Athens tháng 11/2011. (Nguồn: CNN) |
Quan chức cấp cao EP nhận hối lộ
Tháng 12/2022, Cảnh sát liên bang Bỉ tiến hành nhiều vụ lục soát nơi ở và làm việc tại Brussels của 16 nhân vật đang và từng là nghị sĩ châu Âu, trợ lý nghị sĩ châu Âu; bắt 5 người, thu giữ gần 1,5 triệu Euro tiền mặt để điều tra vụ nhận hối lộ số tiền lớn.
Trong số này đáng chú ý nhất là bà Eva Kaili, Phó Chủ tịch EP – một trong những nhân vật quyền lực nhất – bị cáo buộc nằm trong đường dây rửa tiền và nhận hối lộ nhằm tác động đến các chính sách của EP theo hướng mang lại lợi ích cho “một quốc gia Trung Đông”.
Bà Kaili còn bị cáo buộc đã tham gia một tổ chức tội phạm đại diện cho một “quốc gia vùng Vịnh” được cho là Qatar. 4 người còn lại là Francesco Giorgi – chồng của bà Kaili, cũng là trợ lý cho nghị sĩ châu Âu người Italy, Andrea Cozzolino; cha của bà Kaili là ông Alexandros Kailis; Luca Visentini, người đứng đầu Liên đoàn Công đoàn quốc tế và Pier Antonio Panzeri, nghị sĩ EP từ 2004-2019. Ông Francesco Giorgi là cố vấn về các vấn đề Trung Đông và Bắc Phi tại EP và là người sáng lập Fight Impunity, một tổ chức phi chính phủ tập trung vào các vi phạm nhân quyền
Bê bối tham nhũng của Qatar tại EP (gọi tắt là bê bối Qatargate) là một vụ bê bối lớn nhất của EP liên quan đến việc các quan chức Qatar bị cáo buộc trả một khoản tiền mặt lớn cho các nhà lập pháp EU để đổi lấy ảnh hưởng ở Brussels: Thỏa thuận với các nước EU về khí đốt tự nhiên; đề xuất cho phép người Qatar đi lại miễn thị thực đến khu vực Schengen…
Tuy nhiên, phái đoàn Qatar tại EU phủ nhận các cáo buộc và khẳng định Qatar luôn tuân thủ luật pháp và các quy định quốc tế; mọi cáo buộc nhằm vào nước này là vô căn cứ.
Trong khi đó, theo trang La Repubblica, bà Kaili thừa nhận với các nhà điều tra Bỉ rằng đã giao cho cha mình giấu một chiếc vali chứa đầy tiền mặt khi cảnh sát khám xét để điều tra cáo buộc hối lộ liên quan đến Qatar. Bà Kaili khai đã thông tin với hai quan chức EP về hoạt động của cảnh sát.
Trích dẫn một tài liệu của tòa án, tờ báo địa phương nói rằng bà Kaili “đã biết trước” về việc chồng mình tham gia vào kế hoạch hối lộ và biết rằng “những vali đầy tiền đã được chuyển đến căn hộ của mình”.
Nghị sĩ EP người Cyprus Loucas Fourlas cho biết, bà Kaili tiếp cận ông để sửa đổi một báo cáo của EP về nhân quyền ở Qatar, làm giảm bớt giọng điệu khắt khe trong báo cáo này. Trước thời điểm World Cup 2022 mà Qatar là nước chủ nhà, các nghị sĩ EP đã thông qua một nghị quyết nhẹ nhàng hơn dự kiến về vấn đề nhân quyền ở Qatar.
Theo ông Michiel van Hulten, Giám đốc Tổ chức Minh bạch quốc tế (một tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng), đồng thời là cựu thành viên của EP, Nghị viện châu Âu cần phải “cải tổ triệt để”, bởi trong nhiều thập kỷ qua, tổ chức này vẫn duy trì văn hóa không bị trừng phạt, kiểm soát tài chính lỏng lẻo và không có sự kiểm soát độc lập. |
Và những hệ lụy từ vụ bê bối
Cáo buộc tham nhũng của EP không chỉ ảnh hưởng tới mối quan hệ với Qatar mà còn tác động xấu đến uy tín của các cơ quan công quyền EU. EU là một liên minh chính trị, kinh tế và quân sự bao gồm 27 quốc gia thành viên tại châu Âu.
Các điều ước đã ký kết giữa các quốc gia thành viên EU công nhận rằng EU được thành lập trên cơ sở tôn trọng những giá trị nhân phẩm , tự do, dân chủ, công bằng, pháp trị và nhân quyền, bao gồm quyền của những người thuộc những sắc tộc thiểu số… trong một xã hội đa dạng, không phân biệt, khoan dung, công lí, đoàn kết và bình đẳng giới”. Trên bình diện thế giới, EU thúc đẩy các vấn đề về nhân quyền, nhờ đó, đem lại cho tổ chức này danh tiếng mà tiền không thể mua được.
Vì thế, các chính trị gia và nhà bình luận ở châu Âu đánh giá vụ bê bối tham nhũng của EP đã ảnh hưởng lớn đến chính trị ở lục địa này. Ông Alberto Alemanno, Giáo sư về Luật EU tại trường HEC Paris (một trong những ngôi trường kinh doanh, thương mại hàng đầu trên thế giới, dẫn đầu về nghiên cứu và đào tạo khoa học quản lý) nhận xét: “Vụ việc này sẽ đi vào lịch sử như một trong những vụ vi phạm lớn nhất và gây sốc nhất – có thể là vụ bê bối lớn nhất trong nền chính trị châu Âu”.
Nhiều thành viên EU đã lên tiếng lo ngại về uy tín của khối do vụ việc này. Giới chức EU cũng coi đây là vụ việc nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan công quyền. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu: “Đây là một vụ việc không thể tin được, cần phải được làm sáng tỏ hoàn toàn bằng pháp luật. Đây là vấn đề về uy tín của cả châu Âu”.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto: “Từ giờ trở đi, EP sẽ không thể nói về chống tham nhũng một cách đáng tin cậy”. Trả lời tờ Politico, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng vụ tham nhũng dẫn đến việc bắt giữ cựu Phó Chủ tịch EP Eva Kaili đang phá hủy uy tín của EU vào thời điểm khối này dễ bị tổn thương.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Usurla Von der Layen nhấn mạnh: “Các cáo buộc chống lại Phó Chủ tịch EP liên quan đến tham nhũng ở Qatar là mối quan tâm lớn nhất, rất nghiêm trọng. Đó là vấn đề niềm tin của người dân vào các thể chế của chúng ta”. Bà Leyen cho biết sẽ xem xét đề xuất thành lập một cơ quan độc lập để xử lý các vấn đề liên quan đến đạo đức trong các định chế châu Âu.
Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, ảnh hưởng của vụ bê bối Qatargate là “rất nghiêm trọng và gây tổn hại đến uy tín của EU”, khiến việc xử lý nhiều cuộc khủng hoảng của châu Âu trở nên khó khăn hơn. Ông Michel nhấn mạnh tác động tiêu cực của Qatargate và sự cần thiết của các biện pháp bảo vệ hiệu quả hơn.
Qatar là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn thứ hai của EU sau Hoa Kỳ, và tầm quan trọng của Qatar đối với an ninh năng lượng của châu Âu sẽ tăng lên khi khí đốt từ Nga giảm dần. Một nhà ngoại giao Qatar đã phản ứng với cuộc điều tra tham nhũng của Bỉ bằng cách bình luận rằng nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ và nguồn cung cấp khí đốt nếu được phép vượt quá tầm kiểm soát.
Cảnh báo này ngụ ý rằng Qatar có thể học theo Saudi Arabia và các đối thủ khác trong khu vực trong việc vũ khí hóa dầu mỏ và khí đốt. Qatar là một trong 17 đồng minh không thuộc NATO của Hoa Kỳ và là nơi đặt trụ sở tiền phương của Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ (CENTCOM) bao trùm Trung Đông và phần lớn châu Á. Rõ ràng, Qatar không phải là một quốc gia bị các nhà lãnh đạo châu Âu coi thường, và Qatargate là một nỗi xấu hổ mà họ muốn quên đi.
Bê bối tham nhũng của Qatar tại Nghị viện châu Âu (Qatargate) là một vụ bê bối chính trị bao gồm các chính trị gia, nhân viên chính trị, vận động hành lang, cán bộ công chức và gia đình họ với cáo buộc tham nhũng, rửa tiền và tội phạm có tổ chức liên quan đến nhà nước Qatar để đổi lấy ảnh hưởng tại Nghị viện châu Âu. Qatargate đang gây ra những rắc rối với thiệt hại đáng kể về uy tín đối với EU, có thể làm giảm đi những thành tựu của EU, ảnh hưởng đến tỷ lệ cử tri đi bầu và sự ủng hộ dành cho các đảng ôn hòa trong cuộc bầu cử năm 2024. |
EU cần phải được cải tổ
Có thể thấy rằng, vụ bê bối phơi bày những nhược điểm sâu sắc mang tính cấu trúc trong quá trình hoạch định chính sách của EU, đồng thời cho thấy mức độ thao túng chính trị của một số cá nhân. Hàng loạt bài điều tra trên tờ Politico, Euronews và báo chí châu Âu đều chỉ rõ, một cơ chế quyền lực không được giám sát tạo cơ hội cho tham nhũng nảy nở.
Bê bối Qatargate dường như đã đánh bật EU khỏi bệ đỡ với tư cách là những nước ủng hộ nhân quyền và pháp quyền trên thế giới. Brussels đã buộc một số “chế độ độc tài” như Hungary hay Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những thất bại trong nền dân chủ tại những nước này bằng việc sử dụng “quyền lực mềm” trứ danh của khối này.
Do đó ít ngạc nhiên khi một số nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ với khuynh hướng độc tài khó có thể kiềm chế niềm vui trước những tiết lộ về Qatargate. Từng phải hứng chịu việc EU rút lại một số quỹ tài chính vì cho rằng nền dân chủ tại Hungary còn nhiều thiếu sót, Thủ tướng Hungary Viktor Orban thậm chí còn nói rằng EP nên bị bãi bỏ. Tin tức về Qatargate cũng được đẩy cao bởi các phương tiện truyền thông thân thiện với chính phủ ở Hungary và Ba Lan.
Thủ tướng Hungary Victor Orban thậm chí còn nói rằng EP nên bị bãi bỏ. |
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã nhiều lần kêu gọi các cơ quan của EU cần “cởi mở và vượt qua sự chê trách về đạo đức, minh bạch và liêm chính nếu người dân châu Âu được yêu cầu giữ niềm tin với khối liên minh”. Vào năm 2019, bà giao cho Phó Chủ tịch EC Vera Jourova (Cộng hòa Czech) trách nhiệm thành lập “một cơ quan đạo đức độc lập chung cho tất cả các cơ quan của EU”. Tuy nhiên khi vụ Qatargate vỡ lở vào 3 năm sau đó, đề xuất này vẫn đang bị mắc kẹt giữa các cơ quan của EU.
Giám đốc Tổ chức Minh bạch quốc tế (một tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng), đồng thời là cựu thành viên của EP, ông Michiel van Hulten cho rằng, cần phải “cải tổ triệt để” EP, bởi trong nhiều thập kỷ qua, tổ chức này vẫn duy trì văn hóa không bị trừng phạt, kiểm soát tài chính lỏng lẻo và không có sự kiểm soát độc lập.
Phản ứng sau khi vụ bê bối lộ ra, Chủ tịch EP Roberta Metsola đã cam kết siết chặt các quy định của tổ chức. Bà muốn có thể tước bỏ các đặc quyền trước đây của nghị sĩ nếu họ “sử dụng địa vị của mình để vận động hành lang cho bất cứ điều gì hoặc bất kì ai hoặc bất kỳ quốc gia nào”. Đây là một phần trong kế hoạch 10 điểm nhằm nâng cấp các yêu cầu về minh bạch trong EP. Theo đó, EP sẽ tăng cường hệ thống bảo vệ người tố cáo và tiến hành đánh giá đầy đủ tất cả các luật hiện hành.
Vụ việc đang tiếp tục được làm rõ, nhưng dù thế nào đi chăng nữa, uy tín của EU đã bị suy giảm nghiêm trọng; phán quyết EU về những giá trị nhân phẩm, tự do, dân chủ, công bằng, pháp trị và nhân quyền sẽ bị hoài nghi và kém hiệu lực.
Nhưng vẫn còn thời gian để Nghị viện thắt chặt các qui tắc ngăn ngừa xung đột lợi ích trước cuộc bầu cử vào năm tới. Quy tắc ứng xử hiện tại có thể được mở rộng cho các cựu nghị viên EU và trợ lý. Qatargate có thể sẽ mở ra cơ hội mới để các nghị viên làm việc, thống nhất về một cơ quan đạo đức độc lập cho tất cả các cơ quan của EU.