Tại cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới, nếu ông Donald Trump tái đắc cử với chính sách “Nước Mỹ trên hết” sẽ tạo ra những thách thức lớn đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Trái lại, việc Phó Tổng thống Kamala Harris đắc cử sẽ đánh dấu một bước chuyển mình của nền chính trị nước Mỹ, đồng thời có khả năng thay đổi trọng tâm của các chính sách đối ngoại, chuyển hướng ra khỏi châu Âu.
Tại nhiều nơi ở châu Âu, cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Mỹ năm 2024 được coi là một bước chuyển mình tiềm năng với các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Điều này chủ yếu là do mối lo ngại của châu Âu về khả năng ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Dù vẫn tồn tại không ít bất đồng song EU vẫn luôn là đồng minh mạnh mẽ và đáng tin cậy của Mỹ trong nhiều năm qua.
Thứ nhất, các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại về sự suy thoái kéo dài và khó có thể khôi phục đối với các chuẩn mực dân chủ nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử. Kịch bản này nếu xảy ra có thể tiếp thêm quyền lực cho các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu và các khu vực khác, như những gì đã xảy ra trong thời gian ông Trump tại nhiệm.
Tiếp đó, người dân châu Âu rất lo ngại về những tác động của một nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump tiếp theo đối với sự an toàn của họ như việc ông có thể sử dụng các đe dọa rút khỏi NATO để giải quyết các vấn đề khúc mắc không liên quan đến quốc phòng với Liên minh châu Âu (EU). Thứ ba, người dân châu Âu lo ngại rằng một nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump thứ hai sẽ là một thảm họa đối với quan hệ kinh tế xuyên Đại Tây Dương. Các phát biểu và động thái trước đây cho thấy, ông sẵn sàng quay lại và áp dụng các mức thuế cùng các biện pháp kinh tế mang tính cưỡng bức khác đối với các đồng minh, bao gồm cả EU.
Ngược lại, người dân châu Âu ít lo lắng hơn nếu bà Kamala Harris giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Vị nữ Phó Tổng thống Mỹ đã khẳng định sự ủng hộ vững chắc của mình đối với NATO và Ukraine. Bà cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các tổ chức quốc tế và nhấn mạnh nhu cầu hợp tác trong các thách thức toàn cầu, ví dụ như biến đổi khí hậu. Điều này không có nghĩa là EU sẽ không gặp phải thách thức. Bà Kamala Harris cũng ủng hộ một chính sách kinh tế mạnh mẽ đối phó với Trung Quốc. Bà có thể sẽ tìm kiếm sự hợp tác của châu Âu để xây dựng một phương pháp chung nhằm kiềm chế các chính sách kinh tế và đối ngoại ngày càng quyết liệt của Bắc Kinh.
Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã khiến châu Âu phải tăng cường sự tự chủ trong quốc phòng. Tuy nhiên, nhiều năm thiếu đầu tư đã khiến Mỹ vẫn là trụ cột thiết yếu trong an ninh châu Âu. Do đó, việc bầu chọn Tổng thống Mỹ là rất quan trọng đối với hướng đi tương lai của bức tranh toàn cảnh an ninh châu Âu.
Sự lãnh đạo của Mỹ cũng đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết các mối đe dọa toàn cầu khác ảnh hưởng trực tiếp đến châu Âu, như các cuộc chiến ở Trung Đông, các cuộc tấn công mạng và tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế. Số phận của châu Âu sẽ khác hoàn toàn nếu Phó Tổng thống Kamala Harris được bầu làm Tổng thống Mỹ tiếp theo. Một chính sách đối ngoại dưới thời bà Kamala Harris sẽ được định hình bởi các giá trị chung, cam kết của Mỹ đối với NATO và chính sách ngoại giao. Và với một danh sách dài các vấn đề, đặc biệt là về biến đổi khí hậu, bà Kamala Harris và các nhà hoạch định chính sách châu Âu đều có quan điểm khá tương đồng.
Ngược lại, nếu ông Donald Trump tái đắc cử, mọi dự đoán đều không còn chính xác. Phái cực hữu sẽ được củng cố ở cả Mỹ và châu Âu. Sự hợp tác giữa các nước về biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo sẽ kết thúc giữa chừng.
Nhu cầu của châu Âu trở thành một thế lực địa chính trị sẽ trở nên cấp thiết hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh một nước Mỹ khó tính, những nỗ lực này sẽ trở nên khó khăn hơn để đạt được. Thực tế cho thấy, bầu cử không phải là tất cả. Sự hợp tác về các thách thức toàn cầu sẽ gặp khó khăn bất kể kết quả bầu cử như thế nào. Mỹ sẽ tiếp tục thận trọng với khuynh hướng điều chỉnh của châu Âu. Châu Âu vẫn sẽ phải đối mặt với áp lực từ Mỹ để chi nhiều hơn, làm nhiều hơn và hợp tác chặt chẽ hơn, bất kể ai sẽ là tổng thống Mỹ kế tiếp. Các cuộc xung đột liên tục, những vấn đề toàn cầu phức tạp, cùng với sự hạn chế về cả kinh tế lẫn chính trị của nước Mỹ khiến gần như chắc chắn điều này sẽ xảy ra.
Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 40 ngày nữa là đến Ngày bầu cử, bà Kamala Harris đang có dấu hiệu bứt lên so với đối thủ Donald Trump, báo hiệu một cuộc đua sít sao và quyết liệt đang ở phía trước. Một cuộc thăm dò gần đây của tờ New York Times/Siena cho thấy dù bà Kamala Harris dẫn trước ở bang chiến địa Pennsylvania, song cả hai ứng cử viên dường như vẫn “ngang tài ngang sức” trên toàn quốc.
Theo giới phân tích, dù các cuộc thăm dò trên toàn quốc ở Mỹ cho thấy nhiều chỉ dấu quan trọng, tuy nhiên số phiếu đại cử tri mới là yếu tố quyết định tới khả năng giành chiến thắng của ông Donald Trump hoặc bà Kamala Harris. Trong đó, có một số bang đóng vai trò then chốt trong cuộc đua đang diễn ra là Pennsylvania, Nevada hoặc Wisconsin.
cand.com.vn
Nguồn:https://cand.com.vn/Quoc-te/bau-cu-tong-thong-my-quan-trong-nhu-the-nao-voi-chau-au–i745603/