Nhiều nguy cơ rình rập
Cuộc biểu tình của nhân viên khách sạn ở Cannes
Liên hoan phim Cannes lần thứ 76 diễn ra từ ngày 16 – 27/5, tại thành phố biển Cannes, Pháp. Trước ngày khai mạc, Liên hoan phim (LHP) Cannes năm nay được báo chí phương Tây dự đoán sẽ mở màn cực kỳ hoành tráng so với các năm trước.
Tuy nhiên, lễ khai mạc không được như nhiều người kỳ vọng. “LHP Cannes 2023 là thánh đường của nghệ thuật và chỉ thuần túy nghệ thuật, không thị phi, không ồn ào đời tư”, Thierry Frémaux – Giám đốc LHP nói, sau khi dư luận có phần ngạc nhiên vì những gì diễn ra không như họ nghĩ.
Vào năm 2014, công chúng có dịp thưởng thức cảnh tượng đoàn làm phim “The Expendables” 3 khuấy đảo con phố yên bình khi dùng hẳn xe tăng làm phương tiện di chuyển tới họp báo.
Hay như năm ngoái, ngày khai mạc cũng chứng kiến màn chào đón Tom Cruise tới ra mắt phim “Top Gun: Maverick” hoành tráng của đội bay biểu diễn Patrouille de France của Không quân Pháp.
Johnny Depp được người hâm mộ vây kín khi xuất hiện tại Lễ khai mạc LHP Cannes 2023
Năm nay, tâm điểm chú ý của ngày khai mạc là màn tái xuất của Johnny Depp sau vụ kiện kéo dài với vợ cũ – diễn viên Amber Heard.
Những cáo buộc bạo hành gia đình từng khiến Johnny Depp bị mất nhiều hợp đồng đóng phim và bị tẩy chay ở Hollywood. Nhưng tại Cannes, Depp lại được chào đón nồng nhiệt.
Tuy nhiên, bất ổn của Cannes năm nay không phải là lễ khai mạc hóa “bom xịt”, mà là sự ảnh hưởng của những cuộc đình công chưa có hồi kết.
Gần đây nhất, ngày 19/5, nhiều nhân viên khách sạn ở Pháp đã biểu tình tại khách sạn 5 sao Carlton, cách nơi diễn ra LHP Cannes vài dãy nhà để thu hút sự chú ý của dư luận về điều kiện làm việc khó khăn của họ.
“Người Pháp tạo ra sự sang trọng, hào nhoáng cho LHP Cannes nhưng đằng sau đó là toàn bộ nhân viên khách sạn, quán cà phê và đặc biệt là nhà hàng nhận mức lương thấp, với điều kiện làm việc tồi tệ. Khi bạn đi nghỉ mát, bạn chỉ thấy mặt tốt của mọi thứ”, Dominique Chave – đại diện cho Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT) nói với Reuters.
Các thành viên của CGT trong ngành điện ảnh thậm chí còn đe dọa cắt điện tại LHP Cannes như một phần của cuộc biểu tình chống lại những cải cách của Tổng thống Macron.
Còn có thông tin cho biết, CGT vẫn đang chuẩn bị một cuộc biểu tình lớn vào ngày 21/5 (giờ địa phương) nhưng nó sẽ diễn ra dọc Đại lộ Carnot, cách xa Croisette và cách xa trụ sở của liên hoan.
Trong bối cảnh này, chính quyền thành phố Cannes đã áp dụng lệnh cấm để ngăn chặn tình trạng bất ổn có thể xảy ra trong khu vực LHP Cannes.
Chính quyền cũng đã gặp đại diện một số tổ chức để thông báo lệnh cấm, cũng như chỉ ra những khu vực nào được phép tập trung đông người.
Ngoài ra 1.000 cảnh sát, hiến binh và nhân viên an ninh tư nhân đã được huy động để thắt chặt an ninh trong suốt ngày diễn ra sự kiện.
Trong một diễn biến khác, LHP Cannes cũng đối mặt với sự bất ổn khi 11.500 thành viên của Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA) đình công trong nhiều tuần qua. Mặc dù không trực tiếp xảy ra tại Pháp nhưng việc đình công này cũng khiến thị trường mua bán kịch bản, dự án phim – hoạt động truyền thống tại LHP Cannes gặp khó khăn.
“Không chỉ là sự kiện giới thiệu, quảng bá các bộ phim mới nhất, LHP Cannes còn là thị trường để các công ty mua kịch bản, bán những bộ phim đã hoàn thành. Người trong nghề tự hỏi, cuộc đình công sẽ ảnh hưởng ra sao đến thương vụ kinh doanh này”, tạp chí Variety tỏ ra hoài nghi.
Một số nhân vật kỳ cựu nhận định, vụ đình công dễ làm tăng giá danh sách phim đã quay hình xong hoặc kịch bản vừa mới hoàn thành, vì các hãng và dịch vụ phát trực tuyến vẫn cần phim để phát hành liên tục.
Kỳ vọng món quà “trời cho”
Áp-phích năm nay mang hình ảnh Catherine Deneuve trong bộ phim “La Chamade” (Heartbeat) chụp từ năm 1968
Bất chấp những bất ổn bủa vây LHP Cannes, những người làm kinh doanh dọc bờ Riviera của Pháp lại rất hào hứng khi cơ hội “hốt bạc” đã trở lại, sau 2 năm gặp khó vì dịch Covid-19.
Tờ Public (Pháp) nhận định, sự hấp dẫn của LHP Cannes không chỉ là sự xa hoa của váy áo, trang sức trên thảm đỏ, những bộ phim hấp dẫn, mà sự kiện còn kéo theo sự bùng nổ về du lịch địa phương. Những người dân ở đây thường gọi là món quà “trời cho”.
Hiện, chưa có thống kê cụ thể về đóng góp của LHP Cannes với ngành công nghiệp điện ảnh. Nhưng theo ước tính, LHP Cannes 2019 (trước dịch Covid-19) đã giúp thị trấn French Riviera – nơi diễn ra sự kiện, thu về 196 triệu euro.
Năm đó, sự kiện thu hút 125.000 khách mời và 12.000 chuyên gia điện ảnh, hơn 90.000 lượt lưu trú qua đêm và tạo 2.200 việc làm trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.
Theo thống kê của đài RCF (Pháp), lượng khách du lịch tới thành phố Cannes tăng gấp 3 lần trong mỗi mùa LHP, cùng với đó là khoản doanh thu từ các dịch vụ như nhà hàng, quán cà phê, du thuyền, quán bar… tăng chóng mặt.
Năm nay, People World dự đoán, con số 341 triệu euro sẽ là doanh thu trong 12 ngày diễn ra lễ hội. Trong đó, các hóa đơn thuê biệt thự sang trọng tại thành phố Cannes có thể lên tới 400.000 euro chỉ trong 2 tuần.
Thời điểm này các nhà hàng Le Jasmin, Rue des Belges, Laurent đã dự trữ số lượng lớn hàng hóa. Người quản lý nhà hàng tiết lộ với RCF: “Chúng tôi đã tăng gấp ba lượng hàng trong kho. Chúng tôi có thêm nhiều khách hàng và cơ hội này chỉ diễn ra trong một tuần”.
Theo người này, LHP Cannes chiếm hơn 50% doanh thu của nhà hàng và kế hoạch chuẩn bị đã được lên từ 1 năm trước.
Trái ngược với kỳ vọng của những người làm dịch vụ “ăn theo” bên bờ Riviera, lạm phát lại là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giới làm phim khi đến đây.
Theo Variety, hàng tá phim có sẵn được chờ mua ở Cannes với giá cao ngất ngưởng nhưng số lượng các hãng phim đồng ý bỏ tiền để sở hữu là không nhiều.
Pia Patatian – Chủ tịch Arclight Films cho biết: “Các nhà phân phối nội địa của Mỹ đang gặp khó khăn. Họ không mua phim nhiều như trước. Tại thị trường Berlin, họ từng mua 10 hoặc 15 phim, nhưng bây giờ con số chỉ dưới mức 5.
Tất cả người mua đều phàn nàn về giá, nhưng các bạn không thể tưởng tượng được giá ở mọi nơi đều tăng lên chóng mặt.
Diễn viên nhận cát-xê cao hơn, chi phí sản xuất phim trong thời dịch đắt đỏ hơn. Do vậy, giá trị một bộ phim hiện nay đắt hơn bao giờ hết”.
Kỷ lục tại LHP Cannes
Có 52 tác phẩm điện ảnh hàng đầu thế giới được công chiếu lần đầu tại Cannes 2023, 21 phim tham gia tranh giải Cành cọ vàng, trong đó có 6 đạo diễn nữ (chiếm 32%). Đây là con số kỷ lục chưa từng có trong lịch sử Cannes.
L’officiel đánh giá, sự thay đổi lớn nhất của mùa giải năm nay là sự gia tăng về tính đa dạng, bảng đề cử có nhiều bộ phim dến từ Mông Cổ,
Senegal, Iran và Bắc Phi.
Còn IndieWire nhận định, trong số các phim tranh Cành cọ vàng, có thể thấy rõ 2 thế hệ đạo diễn đứng sau những tác phẩm chất lượng. Đó là thế hệ làm phim cây đa cây đề (Ken Loach, Nuri Bilge Ceylan, Wim Wenders…) được thế giới biết đến trong nhiều thập niên qua và thế hệ trẻ hơn, “có khả năng phá vỡ đường đua Cành cọ vàng năm nay” gồm:
Ramata Toulaye-Sy, Wang Bing…