Trong lễ ra mắt tập trường ca Cúc của NSND Hoàng Cúc tại Hà Nội chiều tối 2-6, nhiều người bày tỏ bất ngờ trước một nghệ sĩ Hoàng Cúc nhà thơ.
Lâu nay công chúng biết đến Hoàng Cúc là một nữ diễn viên đẹp và tài năng cũng như nghị lực vượt qua bệnh tật, sống lạc quan và đầy năng lượng cống hiến.
Một số bạn bè Facebook của nghệ sĩ mới biết Hoàng Cúc từ lâu đã làm thơ, viết văn.
Vài năm trước chị đã ra mắt văn đàn với giải tư cuộc thi truyện ngắn chủ đề Làng Việt thời hội nhập và vài chùm thơ in trên báo xuân.
Trường ca Cúc không phẳng lặng của cuộc đời Hoàng Cúc
Chia sẻ tại buổi ra mắt tập trường ca, nữ nhà thơ “trẻ” – nhân vật chính – không biết nói gì ngoài lời cảm ơn tha thiết tận đáy lòng vì niềm hạnh phúc to lớn chị nhận được từ bạn bè hôm nay.
Chị nhận tác phẩm đầu tay chỉ là những viết lách vụng về, nhưng “đó là dòng sông không phẳng lặng của cuộc đời” chị.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng chia sẻ điều này. Ông bảo trường ca Cúc là tiếng nói trung thực nhất của chị, là hồ sơ trọn vẹn, đầy đủ nhất về cuộc đời chị, là tất cả con người bên trong mà lâu nay chị phải sống trong im lặng.
“Trường ca ấy là một cơn mơ mị, là cơn mê sảng, là nỗi sợ hãi, nỗi tuyệt vọng…
Nhưng những câu thơ mở dần ra tất cả những gì là bóng tối trong chị bằng chính ánh sáng thẳm sâu trong tâm hồn chị.
Để rồi cuối cùng người đọc thấy chị bay lên trong vẻ đẹp cuộc đời và vẻ đẹp của thi ca”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói về trường ca Cúc.
Đọc xong câu cuối cùng của trường ca, ông đã lặng lẽ gọi Hoàng Cúc là thi sĩ, với những vần thơ đầy chia sẻ, đầy ám ảnh.
Ông bảo, ông đã đọc nhiều thơ và ông nghĩ rằng Hoàng Cúc đã làm lên một con đường của chị.
Ông cảm ơn Hoàng Cúc đã mang đến cho thi ca một con đường, có thể là một con đường rất mơ hồ, rất nhỏ bé, nhưng là một con đường mới của thi ca Việt Nam.
Bất ngờ lớn về Hoàng Cúc
Với nhà phê bình văn học Đỗ Anh Vũ, trường ca Cúc là một bất ngờ lớn. Hiếm thấy tác giả nào trong làng thơ Việt hiện đại mà in tập thơ đầu là một trường ca.
Bởi trường ca đòi hỏi một sức viết, một trường lực, một câu chuyện cùng vô vàn những chi tiết, sự kiện. Những chi tiết, sự kiện ấy lại phải được hình tượng hóa bởi ngôn ngữ thơ.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên lại bảo ông không bất ngờ về việc Hoàng Cúc có làm thơ. Bởi từ nhiều năm trước ông đã được nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm khoe Hoàng Cúc có làm thơ và thơ của chị khá hay.
Nhưng ông vẫn bất ngờ về Hoàng Cúc khi đọc trường ca Cúc – một tác phẩm tự sự bằng thơ với nghệ thuật thơ điêu luyện ở nhiều khúc.
Về tập trường ca, theo Đỗ Anh Vũ, có thể xem đây là một tự truyện bằng thơ của Hoàng Cúc.
Tác giả kể với người đọc rất nhiều câu chuyện, nỗi niềm, giãi bày rất nhiều tâm sự, được trải ra trong một khoảng thời gian kéo dài, từ những ngày thơ ấu, thời kỳ thiếu nữ cho đến những năm tháng về sau.
Ngôn ngữ thơ của Cúc phóng khoáng, tự nhiên, linh hoạt về hình thức. Khi thì tự do, khi thì bảy chữ chia khổ, khi thì lục bát, khi thì năm chữ.
Ở phần nào của trường ca, người đọc cũng dễ dàng tìm được những câu thơ ấn tượng, những khổ thơ hay, những câu thơ cảm động.
Chẳng hạn như khi tác giả viết về mẹ:
Không còn bóng mẹ bên hiên vắng
Cả cánh hoa vàng dệt kín sân
Con ngõ nhỏ cựa mình nghiêng bóng nắng
Đôi chim câu cũng bạt gió ngàn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bat-ngo-voi-nu-nghe-si-hoang-cuc-la-thi-si-cuc-20240602215309261.htm