Hằng năm, Tuần lễ Dị ứng thế giới kéo dài từ ngày 23 đến 29-6 để thảo luận về những cách làm giảm nguy cơ dị ứng và tăng cường khả năng miễn dịch.
Biến đổi khí hậu và dị ứng liên quan ra sao?
Giờ đây, biến đổi khí hậu được xem là đóng vai trò quan trọng trong việc làm tăng nguy cơ dị ứng trên toàn thế giới, từ việc tăng cường mùa phấn hoa đến gây ra những thay đổi trong phân bố chất gây dị ứng.
Tiến sĩ P Venkata Krishnan, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Bệnh viện Artemis Gurugram, cho biết: “Biến đổi khí hậu là một thách thức môi trường đáng kể, có những ảnh hưởng rộng rãi lên sức khỏe, bao gồm sự phổ biến và mức độ nghiêm trọng của dị ứng. Hiểu được mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và dị ứng là cần thiết để quản lý và giảm thiểu tác động đối với sức khỏe cộng đồng”.
Trong khi đó, tiến sĩ Sunita Chhapola Shukla, người sáng lập và giám đốc Trung tâm Dị ứng Mumbai, trưởng khoa khoa học dị ứng, Bệnh viện Sir HN Reliance, giải thích thêm: “Các bệnh dị ứng đang gia tăng do các yếu tố như công nghiệp hóa, đô thị hóa và thay đổi lối sống”.
Ô nhiễm liên quan đến các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm kết mạc dị ứng và các bệnh ngoài da dị ứng. Ô nhiễm gây ra căng thẳng oxy hóa, dẫn đến viêm và phản ứng quá mức của đường hô hấp, cùng các triệu chứng như hắt hơi, ngứa mũi, ho, thở khò khè và chảy nước mắt.
Nhiều tác động lên sức khỏe, gây ra dị ứng
Một trong những tác động trực tiếp nhất của biến đổi khí hậu đối với bệnh dị ứng là việc kéo dài và tăng cường mùa phấn hoa. Nhiệt độ toàn cầu tăng và nồng độ carbon dioxide (CO₂) tăng cao dẫn đến mùa sinh trưởng của thực vật dài hơn, và thời gian sản xuất phấn hoa kéo dài. Nồng độ CO₂ cao hơn cũng kích thích thực vật tạo ra nhiều phấn hoa hơn, làm khởi phát dị ứng ở người.
Biến đổi khí hậu cũng kéo dài mùa phấn hoa và tăng hiệu lực của phấn hoa. Nồng độ CO₂ tăng có thể làm tăng khả năng gây dị ứng của hạt phấn hoa, nghĩa là chúng chứa nồng độ protein cao hơn gây ra phản ứng dị ứng.
Hiệu lực phấn hoa mạnh hơn có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng hơn ở những người bị dị ứng đường hô hấp, chẳng hạn như viêm mũi dị ứng và hen suyễn.
Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến sự phân bố địa lý của thực vật gây dị ứng. Nhiệt độ ấm hơn cho phép một số loại cây phát triển ở những vùng mới mà trước đây chúng không thể sống.
Điều này có nghĩa là những người trước đây không tiếp xúc với các chất gây dị ứng cụ thể có thể trải qua phản ứng dị ứng.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng đến các chất gây dị ứng trong nhà. Độ ẩm tăng và nhiệt độ ấm hơn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm mốc và mạt bụi – những chất gây dị ứng phổ biến trong nhà.
Những cơn bão và lũ lụt thường xuyên và hung hãn hơn, cũng do biến đổi khí hậu, có thể dẫn đến hư hại do nước tràn vào nhà, thúc đẩy sự phát triển của nấm mốc nhiều hơn. Những tình trạng này có thể làm tăng thêm các triệu chứng ở những người bị dị ứng trong nhà và hen suyễn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bat-ngo-voi-nguyen-nhan-lam-tang-nguy-co-di-ung-20240626124112345.htm