Các loại rau sạch tăng giá dịp Tết, giúp người trồng rau Bình Định có thu nhập cao, gỡ gạc được thất bại trước đó, do ảnh hưởng mưa kéo dài gây hư hỏng rau.
Nông dân trồng rau sạch
Theo HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định), trong vụ rau Tết hằng năm, HTX sản xuất khoảng 19,5ha gồm các loại rau ăn lá, rau gia vị, súp lơ, dưa leo, khổ qua, đậu cô ve và hành hương phục vụ cho thị trường.
Năm nay, mưa muộn và kéo dài suốt tháng 12/2024 khiến nhiều nông dân Thuận Nghĩa bị thất thu lứa rau trồng bán Tết, nhiều hộ không kịp phục hồi sản xuất để có rau bán vào dịp Tết.
Đến mùng 10 tháng Chạp mà trên vùng rau Thuận Nghĩa vẫn còn đất trống, chưa xuống giống rau. Chỉ những diện tích chân đất cao, thoát nước tốt bà con mới xuống giống để có rau bán Tết.
Nông dân Nguyễn Dũng, một người trồng rau ở Thuận Nghĩa cho hay, thường thì khoảng đầu tháng 11 Âm lịch, bà con Thuận Nghĩa bắt đầu làm đất, bón lót phân chuồng để xuống giống vào vụ rau Tết.
Năm nay thời tiết bất thuận, mưa kéo dài gần cả tháng bên người trồng rau ở đây không dám "rục rịch". Đầu tháng Chạp trời mới hửng nắng, vợ chồng ông Dũng mới vác cuốc ra làm đất để xuống giống cải xanh, xà lách, hy vọng kịp có rau bán Tết.
Đến vụ mà người trồng rau không thể xuống giống vì mưa dầm, khiến hạt giống rau cũng tiêu thụ chậm.
Nông dân Quách Lưu, chủ vườn ươm Quách Lưu (thuộc HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa) cho biết, theo nhu cầu đặt hàng, đầu tháng 10 âm lịch, vườn ươm Quách Lưu đã ươm giống hơn 15.000 cây ớt, 7.000 cây cà tím, cải thảo, xà lách, bầu và gần 50.000 cây súp lơ để cung ứng bà con sản xuất.
"Tuy nhiên, trời mưa kéo dài, số cây đưa ra ruộng trước đó hầu hết bị hư; số còn lại cũng không thể đưa ra ruộng, phải bỏ vì quá lứa. Riêng gia đình tôi cũng phải phá toàn bộ hơn 2.000 cây súp lơ đang trổ bông bị thối, rũ để trồng lại cây ngò", ông Quách Lưu nói.
Ông Quách Văn Cầu - Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định) cho rằng, trước nguy cơ thiếu hụt lượng rau phục vụ tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đối với các diện tích bị hư hại hoàn toàn, HTX hướng dẫn bà con phá bỏ và trồng lại các loại rau ngắn ngày. Diện tích hư hại ít thì bà con khắc phục, chăm sóc để kịp thu hoạch cung ứng cho thị trường dịp Tết.
"Rau là nguồn thu nhập chính của 224 hộ dân là thành viên của HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa. Khoản thu nhập từ cây rau trong thời gian trước Tết là điều kiện để các hộ dân có cái Tết đủ đầy hay thiếu thốn", ông Quách Văn Cầu nói.
Giá rau Tết bất ngờ tăng cao
Gần đây, thời tiết tại Bình Định nắng ráo, nên những diện tích rau ăn lá bị hư hỏng trước đó phục hồi nhanh, kịp bán Tết.
Riêng cây dưa leo có một số diện tích nông dân chủ động xuống giống sớm để bán vào thời gian trước Tết thì nay đã phục hồi kịp bán thời gian trong Tết; còn những diện tích dưa leo nông dân chủ động xuống giống muộn để thu hoạch trong 3 bữa Tết thì hiện bị muộn Tết khoảng 2-3 hôm.
Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa, đợt mưa kéo dài vừa qua, những loại của quả như sú lơ, khổ qua, dưa leo, đậu cô ve… bị hư hại, chậm phát triển và giảm năng suất. Làng rau Thuận Nghĩa có khoảng 5ha rau các loại kịp cung ứng cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Vẫn theo ông Cầu, hiện nay, mỗi ngày HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa thu mua của bà con khoảng 700-800kg rau các loại để sơ chế, cung ứng cho các cơ sở bán rau sạch. Còn thương lái các nơi tập trung về Thuận Nghĩa thu mua khoảng 4-5 tấn rau các loại nữa để cung ứng cho các chợ trong và ngoài tỉnh.
"Giá rau đứng ở mức giá cao. Ví như rau tần ô hiện có giá 15.000 đồng/kg, trước đây chỉ từ 7.000-10.000 đồng/kg; rau mồng tơi hiện có giá từ 15.000-17.000 đồng/kg, trước đó chỉ 7.000-8.000 đồng/kg; dưa leo bán tại vườn có giá 15.000 đồng/kg, trước đây chỉ 10.000 đồng/kg; khổ qua là tăng cao nhất, trước đây chỉ 30.000 đồng/kg thì hiện nay đã 50.000-60.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá tăng vì cung chỉ vừa đủ cầu chứ không như mọi năm cung vượt cầu", ông Cầu cho hay.
Nhờ giá rau các loại đều tăng cao nên dù trong mùa mưa vừa qua người trồng rau ở Thuận Nghĩa có bị thất thu, nhưng giờ bán được giá cao nên thu nhập vẫn ổn định, bà con ai nấy đều vui vẻ.
Theo nhận định của ông Cầu, năm nay, bà con trồng rau ở Thuận Nghĩa có thu nhập khá.
Giai đoạn đầu là mới bắt đầu bước vào mùa mưa, vào tháng 10-11 Dương lịch (tháng 9-10 Âm lịch) nhờ thời tiết thuận lợi, ít mưa nên diện tích trồng rau tăng cao.
Tất cả các loại rau lúc đó phát triển rất tốt, năng suất cao. Vào thời điểm ấy, ngoài Đà Nẵng, Quảng Ngãi lũ lụt xảy ra, nên rau Thuận Nghĩa thu hoạch bao nhiêu thị trường ngoài ấy tiêu thụ hết bấy nhiêu. Một sào rau ăn lá trồng trong mùa lạnh kéo dài đến 1 tháng.
"Trong dịp Tết này, bà con lãi được 4-5 triệu; còn các loại củ, quả kéo dài đến 60 ngày mới thu hoạch, cho lãi trên 10 triệu/sào. Tưởng thất bại nhưng không ngờ năm nay người trồng rau lại có cái Tết ấm", ông Cầu nói.
Nguồn: https://danviet.vn/bat-ngo-khi-toi-cac-vung-chuyen-trong-rau-sach-tai-binh-dinh-sau-tet-ca-lang-vui-20250204092056561.htm
Bình luận (0)