Ngày 10/9, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu, cũng là cựu Bộ trưởng Quốc phòng, đã tiết lộ với kênh truyền hình Rossiya 24 về một thông tin trong quá khứ liên quan tình hình chiến sự Nga-Ukraine.
Phản ứng của Ukraine về đề xuất không tấn công vào các cơ sở năng lượng của nhau khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin ngạc nhiên. |
Theo đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết, có thời điểm nước này sẵn sàng từ bỏ các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng của Ukraine, tuy nhiên phản ứng của chính quyền quốc gia Đông Âu trước đề xuất này khiến Moscow ngạc nhiên.
Ông Shoigu đề cập nỗ lực đàm phán với Kiev về việc hai bên từ bỏ các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng, bao gồm cả năng lượng hạt nhân, diễn ra ngay trước khi quân đội Ukraine xâm nhập tỉnh Kursk.
Theo Thư ký Hội đồng An ninh Nga, ý tưởng này là do Thổ Nhĩ Kỳ, nước đóng vai trò trung gian, đưa ra. Đề xuất cũng bao gồm việc không tấn công các tàu dân sự ở Biển Đen.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý với đề xuất trên, ông nói rõ: “Đúng, chúng ta hãy đưa ra quyết định này’”.
Tuy nhiên, ông Shoigu lưu ý, Ukraine đã từ chối chấp nhận các điều kiện được đề xuất, khiến Tổng thống Putin rất ngạc nhiên.
Chỉ sau cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) vào tỉnh Kursk và các cuộc tấn công vào nhà máy điện hạt nhân ở Kurchatov, Moscow mới hiểu được nguyên nhân của sự từ chối trên, đó là nỗ lực của quốc gia Đông Âu buộc Nga phải đàm phán theo các điều khoản của Kiev.
Trước đó, Tổng thống Putin đã tuyên bố rằng, Nga không từ chối đàm phán hòa bình, song các điều kiện phải dựa vào văn kiện đã được sơ bộ ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 2022, chứ không phải dựa vào bất kỳ yêu cầu xa vời nào.
Cũng trong ngày 10/9, ông Shoigu đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại St. Petersburg. Tại đây, quan chức Trung Quốc cho biết, chính phủ nước này luôn có quan điểm “khách quan và công bằng” về xung đột Ukraine và sẽ góp phần giải quyết nhanh chóng cuộc khủng hoảng này thông qua các biện pháp hòa bình.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Tổng thống Joe Biden dự kiến hội đàm với Thủ tướng Anh Keir Starmer vào ngày 13/9 tại Washington D.C, trong đó thảo luận vấn đề hỗ trợ quân sự cho Ukraine và cả những hậu quả tiềm tàng đối với mối quan hệ với Nga nếu xung đột leo thang.
Một trong những chủ đề chính sẽ là thảo luận khả năng cho phép lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) thực hiện các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa, điều mà Moscow cảnh báo sẽ khiến phương Tây thành một bên trong xung đột và sẽ bị đáp trả.
Nguồn: https://baoquocte.vn/bat-mi-dieu-ma-nga-tung-can-nhac-ve-xung-dot-o-ukraine-moscow-ngac-nhien-vi-phan-ung-cua-kiev-285866.html