Nhiều doanh nhân Trung Quốc nhanh chóng chớp thời cơ, tận dụng “cơ hội vàng ròng” từ làn sóng doanh nghiệp phương Tây rút khỏi Nga và mối quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Moscow và Bắc Kinh.
Một đoàn tàu chở hàng hoá, linh kiện điện tử, thiết bị gia dụng… khởi hành từ Nam Kinh (Trung Quốc) đến ga Vorsino (Nga). (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Ông Kent Liu, một thương nhân, chủ Công ty in kỹ thuật số Xinflying Digital Printing Production có trụ sở ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) rất háo hức chuẩn bị cho chuyến công tác đến Nga để kết nối giao thương khi nhìn thấy những cơ hội đang nở rộ tại đây, bất chấp tình hình xung đột tại Ukraine chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Thị trường quan trọng
Mặc dù chiếm một phần nhỏ, chỉ 5%, trong tổng doanh số xuất khẩu của công ty nhưng theo ông Liu, tiềm năng của thị trường Nga “rất lớn và không thể bỏ qua”.
“Từ đầu năm đến nay, đã có sự gia tăng đáng kể đơn hàng từ những khách mua hàng người Nga. Chúng tôi đang rất chú ý đến tình hình chính trị và kinh tế ở Nga, sau khi chứng kiến tổng doanh thu xuất khẩu của công ty vượt 100 triệu NDT (13,85 triệu USD) vào năm ngoái. Nhiều khách hàng Nga đã đến tư vấn và đặt hàng mới, chúng tôi kỳ vọng đơn hàng từ xứ bạch dương sẽ tăng gấp 2-3 lần so với năm ngoái nếu không xảy ra những xáo trộn về chính trị”, ông Liu dự báo.
Khi các nước phương Tây tăng cường lệnh trừng phạt Nga sau cuộc xung đột tại Ukraine, ông Liu là một trong số rất nhiều doanh nhân Trung Quốc nhanh chóng chớp lấy cơ hội mở rộng thị trường và củng cố chỗ đứng tại quốc gia hàng xóm rộng lớn.
Theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc, thương mại song phương Nga-Trung Quốc đã tăng 40,7% trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái đạt 93,8 tỷ USD, giá trị hàng hoá từ Trung Quốc đến Nga đã tăng 75,6%, đạt 43 tỷ USD.
Xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nga vẫn tăng trưởng bền vững, bất chấp tình hình tại nhiều thị trường lớn suy yếu. Trong tháng 5, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 7,5% do nhu cầu suy yếu từ các đối tác thương mại truyền thống như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ông William Liu, Giám đốc tiếp thị một công ty thiết bị y tế có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông, kỳ vọng nhu cầu từ các khách hàng Nga tiếp tục ổn định bất chấp những biến động trong nước. “Ngay cả khi tình hình trở nên tồi tệ hơn, nhu cầu của Nga về các thiết bị y tế và nhu yếu phẩm công nghiệp từ Trung Quốc không giảm”, ông Liu lạc quan. Đồng thời, lưu ý đối với các nhà xuất khẩu nhỏ Trung Quốc, Nga đang ngày càng trở thành một thị trường quan trọng.
Alice Lin, một nhà xuất khẩu quần áo và đồ gia dụng, lạc quan về triển vọng kinh doanh tại thị trường Nga trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow ngày càng nồng ấm. Lin cho biết, chuỗi hậu cần và cung ứng giữa hai quốc gia vẫn đứng vững dù trong hoàn cảnh nào. Cô nói: “Miễn không có xung đột ở Moscow, thì những người bán hàng Trung Quốc vẫn luôn có cơ hội”.
Các doanh nhân Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến các nền tảng thương mại điện tử của Nga. “Gã khổng lồ” thương mại điện tử Ozon (Nga) cho biết, năm 2022, doanh thu và đơn đặt hàng từ những nhà cung cấp Trung Quốc trên nền tảng này đã tăng gần 6 lần so với năm trước đó.
Lạc quan nhưng thận trọng
Tuy nhiên, những diễn biến mới đây tại Nga khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thận trọng. Ông Rick Wang, quản lý kinh doanh của một hãng sản xuất áo khoác ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc cho biết: “Hiện tại, chúng tôi có rất ít thông tin, vì vậy chúng tôi chỉ có thể quan sát”.
Theo ông Rick Wang, nếu khách hàng Nga bi quan về các vấn đề trong nước hay sức khoẻ của nền kinh tế, các đơn đặt hàng chắc chắn giảm đáng kể.
“Chúng ta cần đợi đến cuối tháng 7 và tháng 8 để xem họ sẽ đặt bao nhiêu đơn hàng mới. Nói chung, thông tin tôi nhận được từ các khách hàng Nga không mấy lạc quan. Một số đã chuyển nhà máy sang Thổ Nhĩ Kỳ khi thương hiệu phương Tây đang lũ lượt rời bỏ”, ông Wang thông tin.
Brussels công bố vòng trừng phạt thứ 11 đối với Nga vào tuần trước, mở rộng danh sách bao gồm gần 2.000 cá nhân và tổ chức. Washington cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung và kiểm soát xuất khẩu vào tháng 5. Trung Quốc không tham gia vào các biện pháp trừng phạt, nhưng cũng khá thận trọng trong thương mại với Nga để tránh các lệnh trừng phạt thứ cấp.
Hơn một năm sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá “được và mất” ở thị trường Nga. Cảnh giác với các biện pháp trừng phạt của phương Tây, một số công ty lớn của Trung Quốc rút khỏi Nga, trong khi những công ty nhỏ hơn cố gắng tận dụng lợi thế khi điện Kremlin quay sang “bắt tay” với các quốc gia mà họ cho là thân thiện.
Phụ trách tiếp thị khu vực Nga và Nam Mỹ, ông William Liu e ngại ngân sách mua sắm cho các tổ chức y tế công cộng của Nga có thể bị siết chặt vì nước này dự kiến chi nhiều hơn cho quân đội. Bên cạnh đó, ông cho biết doanh nghiệp Trung Quốc hiện vẫn chưa thể cạnh tranh thị phần với các dịch vụ y tế cao cấp ở Nga bởi thị trường này phần lớn vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp phương Tây.