ANTD.VN – Fed không tăng lãi suất, nhưng dự kiến sẽ giữ lãi suất cao lâu hơn dự kiến. Dù vậy, giá vàng vẫn giữ được mức cao, cho thấy kim loại quý vẫn giữ được sức hút của mình.
Sáng nay, giá vàng trong nước có xu hướng giảm nhẹ, nhưng vẫn giữ ở mức cao. Cụ thể, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giá vàng miếng đầu giờ sáng nay không biến động, giữ nguyên mức 68,50 – 69,22 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trong đó, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng khác lại giảm nhẹ. Đơn cử như DOJI niêm yết giá thương hiệu vàng quốc gia đầu giờ sáng ở mức 68,40 – 69,30 triệu đồng/lượng, giảm 100 nghìn đồng mỗi lượng; Phú Quý 68,45 – 69,20 triệu đồng/lượng, giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào, giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra; Bảo Tín Minh Châu 67,52 – 68,18 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng
Trong khi đó, giá vàng nhẫn vẫn đang neo ở mức cao. Nhẫn SJC 57,05 – 58,00 triệu đồng/lượng; nhẫn PNJ 57,10 – 58,10 triệu đồng/lượng; nhẫn tròn Bảo Tín Minh Châu 57,28 – 58,18 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ 50 nghìn đồng/lượng chiều mua vào, giảm 10 nghìn đồng mỗi lượng…
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay thị trường Mỹ phiên giao dịch 20/9 (đêm qua theo giờ Việt Nam) đã dao động khá mạnh. Sau cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giá vàng bất ngờ tăng vọt có lúc gần chạm 1.948 USD/ounce, tuy nhiên sau đó điều chỉnh trở lại. Kim loại quý này chốt phiên giao dịch ở mức sát 1.930 USD/ounce, gần như không thay đổi trong ngày.
Giá vàng vẫn khá vững dù Fed phát đi tín hiệu “diều hâu” |
Biến động mạnh của giá vàng xảy ra khi nhà đầu tư phản ứng với quyết định lãi suất và thông điệp của lãnh đạo Fed sau cuộc họp chính sách ngày 20/9 cho thấy cơ quan này vẫn giữ quan điểm “diều hâu” của mình.
Cụ thể, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức hiện tại (5,25 – 5,5%), song ủng hộ một đợt tăng lãi suất vào cuối năm 2023 và tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt cho đến năm 2024.
Có 12/19 nhà hoạch định chính sách của cơ quan này ủng hộ một đợt tăng lãi suất nữa vào năm 2023 để đảm bảo lạm phát tiếp tục giảm tốc. Ngân hàng trung ương Mỹ cũng dự báo chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng ít hơn trong năm 2024, nhờ vào sự mạnh mẽ của nền kinh tế và thị trường lao động.
Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng kỳ vọng lãi suất chính sách sẽ giảm xuống mức 5,1% vào cuối năm 2024. Con số này tăng so với mức dự báo mới nhất được cơ quan này đưa ra vào tháng 6/2023 là 4,6%. Fed cũng dự báo lãi suất sau đó sẽ giảm xuống còn 3,9% vào cuối năm 2025 và 2,9% vào cuối năm 2026.
Ngoài ra, cơ quan này cũng dự báo lạm phát sẽ giảm xuống dưới 3% trong năm 2024 và quay trở lại mức 2% vào năm 2026. Tuy nhiên, cơ quan này dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ chậm lại vào năm 2024, xuống còn 1,5%, sau khi điều chỉnh tốc độ tăng trưởng của năm 2023 lên mức 2,1%.
Các dữ liệu được công bố kể từ cuộc họp cuối cùng của Fed vào cuối tháng 7/2023 nhìn chung cho thấy thị trường lao động và chi tiêu tiêu dùng của Mỹ vẫn ổn định bất chấp lãi suất tăng, trong khi lạm phát cơ bản tiếp tục giảm tốc.
Theo một số nhà phân tích, bất chấp quan điểm diều hâu của ông Powell, vàng vẫn giữ vững vị thế của mình khi thị trường chỉ nhìn thấy cơ hội 50/50 về một lần tăng lãi suất nữa trong năm nay. Bởi vì sẽ vẫn còn rất nhiều trở ngại mà các nhà hoạch định chính sách cần phải xem xét.
Giá dầu đã tăng khoảng 30% kể từ tháng 6/2023, trong khi việc nối lại thanh toán các khoản vay sinh viên vào tháng 10 tới sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng. Nguy cơ chính phủ bị đóng cửa vào cuối tháng 9/2023 cũng ảnh hưởng đến triển vọng việc làm và giá cả trước cuộc họp tiếp theo của vào cuối tháng 10 này.
Các chuyên gia cho rằng, nếu Fed dự đoán đúng về triển vọng kinh tế, thì lãi suất chắc chắn có thể duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn. Tuy nhiên, nhiều người lại không tin vào những dự báo đó, họ cho rằng nền kinh tế thực sẽ yếu hơn đáng kể và bất chấp điều đó, lạm phát cơ bản sẽ quay trở lại mức mục tiêu 2% nhanh hơn, lãi suất sẽ giảm nhanh hơn trong năm 2024.