Thừa nhà tái định cư, thiếu nhà ở xã hội
Chương trình Phát triển nhà ở thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2030 đã được HĐND Thành phố này thông qua, thì chỉ tiêu nhà ở công vụ giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến phát triển khoảng 1.400m2 sàn nhà ở công vụ.
Nguồn vốn ngân sách phát triển nhà ở xã hội dự kiến khoảng 3.770 tỷ đồng cho giai đoạn 2021 – 2025 và khoảng 8.640 tỷ đồng cho giai đoạn 2026 – 2030, nhằm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê, cho thuê mua (bao gồm cả nhà ở xã hội cho công nhân).
Nhưng, hiện số lượng các dự án nhà ở xã hội vẫn đang thiếu trầm trọng, song trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh lại đang thừa khoảng 14.000 căn nhà tái định cư tại huyện Bình Chánh, thành phố Thủ Đức (khu vực quận 9 và quận 2 cũ).
Trong đó là khu tái định cư Bình Khánh (thành phố Thủ Đức) với hơn 3.700 căn hộ trên diện tích đất 38ha, nằm trong chương trình 12.500 căn hộ tái định cư Thủ Thiêm đã hoàn thành từ năm 2015.
Gần 10 năm qua, do cư dân không về ở, khu căn hộ tái định cư đã được mang ra đấu giá 4 lần nhưng gần như không có người mua vì giá quá cao.
Sau thời gian dài bị bỏ hoang, xuống cấp nên mỗi năm thành phố Hồ Chí Minh phải chi khoảng 70 tỉ đồng để bảo trì, thuê người quản lý khu căn hộ tái định cư.
Không chỉ ở thành phố Thủ Đức, tình trạng này cũng diễn ra tại huyện Bình Chánh, Khu tái định cư Vĩnh Lộc B được xây dựng với tổng kinh phí hơn 1000 tỉ đồng, dành để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị giải phóng mặt bằng tại các dự án trên địa bàn từ năm 2012.
Dự án do Ban quản lý Đầu tư xây dựng Công trình nâng cấp Đô thị thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư với quy mô 30,9 ha, đã xây dựng 45 block chung cư, cao 5 tầng, tổng cộng 1.939 căn hộ, 529 nền đất. Dù đã đưa vào sử dụng gần 10 năm qua, nhiều lô chung cư vẫn bỏ trống vì nhiều hộ dân không đồng ý đến sinh sống.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, tại khu tái định cư đường sá tương đối hoàn thiện, đi lại thuận tiện. Xung quanh khu vực có đầy đủ trường trung học, trường mầm non, trạm cấp nước nhưng vẫn không có nhiều người dân sinh sống.
Rất nhiều khu nhà bỏ trống, bên ngoài bong tróc sơn, tường nhà bị bạc màu, rêu bám nhiều trông rất cũ kỹ. Tầng trệt của các tòa nhà cửa đóng kín, bám đầy bụi.
Tìm cách giải bài toán cung cầu
Lý giải về nguyên nhân vì sao số lượng nhà ở xã hội đang rất ít tại thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện quỹ nhà ở tái định cư hiện hữu là tiền đề rất quan trọng để thành phố triển khai các dự án trọng điểm. Trường hợp không có sẵn nguồn nhà ở, đất ở tái định cư, thì phải mất 2 – 3 năm mới tạo lập được và chi phí rất cao.
Đối với nhu cầu nhà ở xã hội, trong kế hoạch phát triển nhà ở từng giai đoạn, thành phố Hồ Chí Minh đã khảo sát và đặt mục tiêu phát triển dự án bất động sản bình dân với quy mô căn hộ phù hợp.
Cụ thể, theo Kế hoạch Phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025, thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 195 dự án triển khai (148 dự án nhà ở thương mại, 47 dự án nhà ở xã hội); 317 vị trí dự án phát triển nhà ở (283 vị trí dự kiến phát triển nhà ở thương mại, 34 vị trí dự kiến phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân).
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến tháng 6/2023, chỉ có 43 dự án nhà ở hoàn thành (42 dự án nhà ở thương mại và 1 dự án nhà ở xã hội), chiếm 22% tổng số dự án nhà ở đang triển khai. Do đó, nguồn cung dự án nhà ở xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã cho phép thành phố Hồ Chí Minh bán đấu giá khu tái định cư Bình Khánh (thành phố Thủ Đức) để nhà đầu tư chuyển thành nhà ở thương mại, nhưng do thành phố muốn bán cùng lúc hơn 3.700 căn hộ nên giá khởi điểm quá cao, dẫn tới 4 lần đấu giá chưa thành công, vì không có người mua.
Trong lúc chờ bộ, ngành trung ương hướng dẫn thực hiện chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội, UBND thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ tiếp tục đấu giá lần 5 hơn 3.700 căn hộ trong khu tái định cư Bình Khánh. Sửa chữa, nâng cấp 1 phần khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) để làm nhà tái định cư cho một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường Vành đai 3.