Nằm giữa biên giới Thái Lan, Myanmar và Lào, là nơi hợp lưu của sông Ruak và sông Mekong trên một vùng đồng bằng rộng lớn, yên tĩnh chạy qua một khu vực có lịch sử vô pháp luật của vùng cao nguyên Đông Nam Á, Tam giác Vàng từng là điểm trung tâm của một trong những khu vực sản xuất thuốc phiện chính trên thế giới.
Một vài bảo tàng gần đó đã mở cửa để nói về lịch sử của thuốc phiện, trong khi những ngọn đồi xa xôi có những khu tưởng niệm không chính thức về các trùm ma túy trong quá khứ, được nhớ đến như những anh hùng dân gian hơn là những kẻ hung ác.
Bảo tàng đầu tiên về thuốc phiện
House of Opium – bảo tàng thuốc phiện đầu tiên trong khu vực – được mở vào năm 1989 bởi bà Phatcharee Srimathayakun, một dân làng Thái hiện đã 70 tuổi. Bà nói: “Lịch sử buôn bán thuốc phiện khiến khu vực này trở nên đặc biệt. Tôi hy vọng mọi người có thể đến và đánh giá cao khía cạnh nghệ thuật, văn hóa của lịch sử này”.
Bà Phatcharee sinh ra ở huyện Chiang Saen (tỉnh Chiang Rai, miền bắc Thái Lan) vào năm 1953, và bảo tàng thú vị của bà là nơi kể về thời hoàng kim buôn bán thuốc phiện.
Chú của bà từng chở thuốc phiện lên xuống sông Mê Kông, và khi còn là một cô gái vào những năm 1960, bà đã nhìn thấy “những chiếc trực thăng chở lính trắng” vớt những bó thuốc từ bờ sông. Mặc dù không chắc chắn nhưng bà nghi ngờ đây là các tập đoàn ma túy do lính Mỹ điều hành.
Năm 1986, bà mở một cửa hàng bán đồ lưu niệm và đồ cổ tại quê hương. Đây cũng là thời điểm chính quyền bắt đầu xây dựng đường cao tốc trải nhựa đến thị trấn. Ngay sau đó, các công ty du lịch châu Âu bắt đầu tổ chức các tour “Tam giác Vàng” do người Pháp và người Đức dẫn đầu.
Bà nói: “Cửa hàng của tôi là cửa hàng duy nhất trong khu vực buôn bán trao đổi bất cứ thứ gì. Tôi sẽ bán lại những thứ này như đồ cổ và nhanh chóng nhận ra đồ dùng thuốc phiện là mặt hàng bán chạy nhất”.
“Tuy nhiên, sau hai hoặc ba năm, tôi nhận ra mình đang bán những món đồ quý hiếm và sẽ không bao giờ nhìn thấy chúng nữa. Vì thế tôi ngừng bán hàng và biến cửa hàng của mình thành viện bảo tàng”.
Bộ sưu tập của bà Phatcharee hiện bao gồm khoảng 2.000 tác phẩm, là “bộ sưu tập lớn nhất ở châu Á và nằm trong top 5 trên thế giới, sau các bảo tàng ở Amsterdam và Pháp” về thuốc phiện, con trai bà cho biết. Do bộ sưu tập rất hiếm nên bảo tàng thường xuyên hợp tác với các nhà nghiên cứu từ Bangkok và Chiang Rai.
Bảo tàng Hall of Opium và “vua thuốc phiện” Khun Sa
Gần đó là một bảo tàng do Chính phủ Thái Lan tài trợ có tên Hall of Opium, nơi có các phần lịch sử phong phú, trong đó khoảng một phần ba là về tệ nạn ma túy và nghiện ngập.
Bảo tàng cho chúng ta biết việc sử dụng thuốc phiện đã có từ lâu đời như lịch sử ghi lại. Thuốc được chiết xuất dưới dạng nhựa giống mủ cao su của Papaver somniferum, loại duy nhất trong số hơn 250 giống hoa anh túc có tác dụng gây nghiện.
Hoạt động trồng thuốc phiện lâu đời nhất được biết đến là ở khu vực Địa Trung Hải vào khoảng năm 3400 trước Công nguyên. Các nhà khảo cổ biết rằng nó đã được sử dụng trong xã hội Sumer và Ai Cập cổ đại. Qua nhiều thế kỷ, nó được mang về phía đông dọc theo các tuyến đường thương mại, có thể đến Trung Quốc và Miến Điện khoảng 1.000 năm sau đó.
Thuốc phiện đã được sử dụng ở Tam giác Vàng trong nhiều thế kỷ như một loại thuốc truyền thống, nhưng chỉ gần đây nó mới trở thành một loại cây trồng mang lại lợi nhuận.
Việc trồng trọt quy mô lớn bắt đầu vào cuối thế kỷ 19 dưới bàn tay của thực dân Anh và Pháp. Các trùm ma túy tiếp quản sau khi Miến Điện giành được độc lập từ Anh vào năm 1948 và kết thúc cuộc nội chiến ở Trung Quốc vào năm 1949.
Một trong những đội quân được tài trợ bằng ma túy đầu tiên trong khu vực là những người lính Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch. Họ tiến sâu vào vùng cao nguyên của Tam giác Vàng và nhanh chóng tiếp quản việc buôn bán thuốc phiện trong khu vực.
Thành trì chính của Quốc Dân Đảng nằm ở làng Mae Salong, cách sông Mê Kông gần 80 km về phía tây, địa hình đồi núi mà mãi đến thập niên 80 chỉ có thể tiếp cận bằng đường mòn.
Cách đó hai ngọn núi là trại cũ của Khun Sa – một trùm ma túy, vua buôn thuốc phiện trên một địa bàn rộng lớn ở vùng Tam giác Vàng – đối thủ của Quốc Dân Đảng trong chiến tranh nha phiến năm 1967. Hai bên bắt đầu đánh nhau vì Khun Sa từ chối nộp thuế vận chuyển thuốc phiện cho Quốc Dân Đảng.
Là người gốc Hoa, Khun Sa ban đầu được huấn luyện trong quân đội Quốc Dân Đảng ở Miến Điện, và cuối cùng thay thế đội quân thất bại của Quốc Dân Đảng để trở thành trùm ma túy khét tiếng nhất thế giới.
Ông ta được cho là từng kiểm soát trên 60% nguồn cung heroin toàn thế giới, chỉ huy một đội quân lên tới 30.000 người, là trùm ma túy thống trị Tam giác Vàng trong từ giữa thập niên 70 đến giữa thập niên 90.
Không có phòng nào trong bảo tàng làm sáng tỏ việc khai thác ma túy của Khun Sa, nhưng lại cho thấy những đóng góp tích cực của hắn ở thị trấn gần đó như xây cầu, đường, hồ chứa nước, nhà máy điện, sân khấu, trại trẻ mồ côi và Trường tiểu học Bản Theat hiện vẫn hoạt động.
Khun Sa từng tuyên bố: “Tôi không trồng cây anh túc và không buôn bán ma túy. Tôi chỉ là đầy tớ của nhân dân, chiến đấu để giành lại mảnh đất đã mất”.
Thuốc phiện ở miền bắc Thái Lan là một dấu ấn rất sâu sắc, đồng thời đi kèm với đó là một di sản phức tạp. Ngoài ra, các khu vực Tam giác Vàng thuộc Myanmar và Lào vẫn đang là nơi ẩn náu của tội phạm.
Năm 2023, do bất ổn chính trị, bang Shan của Myanmar trở lại vị thế là nhà sản xuất thuốc phiện hàng đầu thế giới, trong khi ở Lào xuất hiện Đặc khu kinh tế Tam giác Vàng, một thành phố sòng bạc.
Các sòng bạc Trung Quốc ở Đặc khu kinh tế Tam giác Vàng có thể được nhìn thấy từ lối đi dạo ven sông ở Chiang Saen. Bà Phatcharee chỉ tay vào đó và nói: “Trở lại năm 1967, đó là nơi họ từng đánh nhau, chính xác là nơi có sòng bạc bây giờ”. Nó cho thấy truyền thuyết “đáng sợ” về Tam giác Vàng vẫn chưa có hồi kết.
Hoài Phương (theo SCMP)