Nội dung thể hiện là một yếu tố quan trọng tạo nên sức hút của một bảo tàng. Tuy nhiên, điểm thường thấy ở một số bảo tàng, trung tâm du khách của các khu bảo tồn hiện nay là các hiện vật được liệt kê một cách đơn điệu, đóng khung, thiếu hấp dẫn và kém tương tác.
Theo bà Nguyễn Thị Thắm – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, đây chính là điểm yếu của các bảo tàng hiện nay và cần thiết phải thay đổi cách thức trưng bày cũng như việc tiếp cận với du khách. Mô hình “Hộp kể chuyện” được Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ áp dụng hiện nay là một ví dụ điển hình.
“Chúng ta phải có sự kết hợp rất chặt chẽ từ nội dung đến hệ thống âm thanh, ánh sáng và môi trường tác động đến hiện vật. Nó sẽ mang lại hiệu ứng giáo dục rất cao với người xem cũng như với công chúng. Bảo tàng chúng tôi chọn hiện vật chiếc áo dài của bà Nguyễn Thị Bình tham gia đàm phán hội nghị Paris. Với chiếc hộp kể chuyện, người nghe sẽ ngồi vào trong hộp kể chuyện, với một cái phone nghe và mở máy lên là một giọng Nam Bộ đặc sệt giới thiệu như nhân vật thứ ba, giới thiệu về cái áo của bà, vì sao thời điểm đó áo bà lại màu nâu, vì sao áo của bà không thêu những bó hoa khác mà lại thêu hoa mai 5 cánh…”, bà Nguyễn Thị Thắm cho biết.
“Hộp kể chuyện” là mô hình chuyển đổi số mới nhất được áp dụng tại Bảo tàng TP.HCM và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ từ giữa tháng 7/2023. Việc phối hợp giữa hiện vật kể chuyện, đến ánh sáng, âm nhạc nhẹ nhàng, thông tin dễ hiểu, vắn tắt, dễ dàng tiếp cận du khách, giúp mọi người hiểu được thông tin về hiện vật. Hiện nay, một số bảo tàng ở TP.HCM đang triển khai mô hình này và tiếp tục bổ sung tài liệu, hiện vật, những câu chuyện thú vị, có thêm nhiều ý tưởng phát huy tối đa các giá trị hiện vật, tư liệu quý.
Bên cạnh đó, một số bảo tàng đẩy mạnh việc phối hợp với các công ty du lịch lữ hành, các trường học trên địa bàn thành phố nhằm đưa bảo tàng thành điểm đến văn hoá trong lộ trình tham quan của du khách và các học sinh, sinh viên, không những phát huy thế mạnh của bảo tàng mà còn quảng bá văn hoá – lịch sử đất nước.
Cùng câu chuyện làm mới cách thức trưng bày, Trung tâm du khách của Vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình với sự hỗ trợ của quỹ đoàn kết các dự án đổi mới của Bộ Ngoại giao Pháp (Dự án FSPI) đã cải tạo thành một không gian hoàn toàn mới, với nhiều hiện vật phong phú, sáng tạo, tăng tính tương tác và khuyến khích sự chủ động tìm hiểu của du khách tham quan. Sau 6 tháng đi vào hoạt động, diện mạo mới của trung tâm du khách đã thu hút hơn 70.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và có nhiều đánh giá tích cực về cách thiết kế, trưng bày mới.
Ông Đỗ Hồng Hải – Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết: “Có một điều đặc biệt là nơi này sử dụng hoàn toàn bằng vật liệu địa phương. Ví dụ, nền đá trong trung tâm du khách làm bằng đá lấy từ xã Ninh Vân, làng đá nổi tiếng Ninh Bình hay những cái trần toàn bằng tre gỗ, sàn gỗ để cho mọi người hình dung được 1 thảm lá tươi trong rừng. Hiện tại chúng tôi cải tạo toàn bộ phần trưng bày và cách trưng bày phải có hiệu ứng. Ví dụ như trong quá trình sản xuất mô phỏng các loài động vật, thực vật, người Pháp yêu cầu phải lấy mẫu về để họ làm bằng hình ảnh 3D bằng nhựa, khi khách du lịch vào nhìn như thật. Thứ hai là bằng hiệu ứng, đèn, chiếu ánh sáng như thế nào để khách nhìn vào, nó phản ánh được đúng đặc trưng của loại ấy như thế nào. Trung tâm cũng có các mô hình bằng đồng cho phép khách du lịch có thể chạm vào và cảm nhận”.
Không chỉ thay đổi phương thức trưng bày hay thiết kế sáng tạo các hiện vật để thu hút, tăng tính tương tác với du khách, một số khu bảo tồn hiện nay đang đầu tư và triển khai chiến lược truyền thông độc đáo và sáng tạo nhằm tại sự chú ý tới đối tượng khách hàng tiềm năng. Trong đó, mạng xã hội là công cụ quan trọng, giúp kết nối trực tiếp với cộng đồng trực tuyến và lan truyền thông điệp một cách nhanh chóng.
Ông Nguyễn Văn Vũ – Phó Giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho rằng: “Chúng tôi học được cách thiết kế, trưng bày mẫu vật thông qua hình ảnh, nhất là giới thiệu các thông tin phải ngắn gọn, súc tích và đứng trên góc độ truyền tải thông tin cho cả du khách và người tham quan học tập, chứ không phải đứng ở góc độ của người quản lý. Chúng tôi thiết kế lại một trung tâm du khách hoàn toàn mới, với những ứng dụng kỹ thuật, vật liệu, cách thức cũng như thông tin truyền thông. Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng một trung tâm truyền thông mới về bảo tồn thiên nhiên tại Cù Lao Chàm, như kỹ thuật truyền thông thông qua bảo tàng, các thông tin cần ngắn gọn, đặc biệt là phải có điểm nhấn trong từng câu chuyện của mình, để gây ấn tượng đối với du khách”.
Những sự thay đổi tích cực của các bảo tàng, khu bảo tồn… là hiệu quả thiết thực của các nhà quản lý khi tham gia chương trình đào tạo trong dự án FSPI của Bộ Ngoại giao Pháp. Theo ông Olivier Brochet – Đại sứ Pháp tại Việt Nam, để tiếp tục chuyển giao những kinh nghiệm chuyên môn quý báu từ Pháp nhằm phát huy thế mạnh di sản của Việt Nam, sắp tới quỹ sẽ triển khai dự án mới.
“Hiện tại chúng tôi đã có những trao đổi để chuẩn bị cho những dự án trong tương lai, giai đoạn 2025-2026 dựa trên cơ sở phát huy mối quan hệ hợp tác từ dự án FSPI. Cụ thể là dự án giới thiệu những con sông tại Hà Nội và TP.HCM trên cơ sở hợp tác với bảo tàng ở thành phố Lyon, Pháp. Chúng ta có thể tính đến mở rộng những mô hình chúng ta đang triển khai, để làm sao có những phương thức truyền thông phù hợp hơn với công chúng. Ví dụ, như Hà Nội đã có những địa điểm có mã QR để khách tham quan có thể nghe thông tin về những ngôi chùa hoặc địa điểm tham quan. Trên mô hình đó có thể phát huy, nhân rộng mô hình mã QR với các di tích văn hoá ở Hà Nội cũng như các địa phương khác”, ông Olivier Brochet cho biết.
Để những hiện vật, tư liệu lịch sử dễ dàng tiếp cận du khách, nhà quản lý tại các bảo tàng cần thay đổi cách thức trưng bày. Thay vì cung cấp, nhồi nhét thông tin một cách thụ động thì việc kết hợp chuyển đổi số cùng hệ thống âm thanh, ánh sáng sẽ khuyến khích sự chủ động, khơi gợi tính tò mò của du khách với các hiện vật. Việc tham quan bảo tàng sẽ không bắt buộc phải có thuyết minh viên hướng dẫn, quy trình tham quan cũng không còn tẻ nhạt, thụ động và các du khách sẽ tự khám phá, tự trải nghiệm. Để làm được điều này, các bảo tàng còn phải học tập, nghiên cứu, hành trình thực nghiệm khá dài. Tuy nhiên, dám thay đổi, mạnh dạn cải thiện, các bảo tàng, khu bảo tồn mới có những bước tiến trong hành trình phát duy di sản dân tộc.
Nguồn: https://vov.vn/du-lich/doi-moi-sang-tao-giup-cac-bao-tang-khu-bao-ton-thu-hut-khach-tham-quan-post1101763.vov