Phát biểu tại Tọa đàm, Nhà báo Hà Ánh Bình, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho biết: Để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bởi phát thải khí nhà kính cũng như cam kết giảm phát thải carbon về mức 0 vào năm 2050, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên xây dựng chính sách thị trường carbon trong nước, cho phép các hoạt động trao đổi tín chỉ carbon, phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo kế hoạch, việc thí điểm thị trường tín chỉ carbon bắt đầu từ năm 2025, việc hoàn thiện khung pháp lý được dự kiến vào năm 2027 và sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2028. Tuy nhiên, việc hình thành và vận hành thị trường tín chỉ carbon đang đối diện với nhiều khó khăn.
Tại tọa đàm, GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Phát triển thị trường tín chỉ carbon nội địa mạnh mẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp và người dân. Chính phủ cần thiết lập các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước, tạo ra nền tảng để các bên có thể giao dịch một cách minh bạch và hiệu quả.
Ông Cao Tung Sơn – Trưởng phòng Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu – Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh trình bày tham luận về tiềm năng của thị trường carbon tại TP Hồ Chí Minh – Cơ hội và thách thức. Ông cho rằng, TP Hồ Chí Minh có sự thuận lợi về vị trí, về tổ chức và năng lực đặc biệt để tập hợp các bên liên quan khác nhau trong hệ sinh thái thị trường cacbon và thực hiện nhiều dự án trên quy mô lớn…
Tại tọa đàm, các chuyên gia, lãnh đạo các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đã có những ý kiến xác đáng, giải đáp được nhiều vấn đề, như: Quy định của pháp luật Việt Nam về tín chỉ carbon; những mặt tích cực, những thiếu sót, bất cập, vướng mắc liên quan tới tín chỉ carbon hiện nay tại Việt Nam; người dân sẽ được lợi gì khi tham gia thị trường tín chỉ carbon…
Nguồn: https://www.congluan.vn/bao-phap-luat-viet-nam-toa-dam-ve-thi-truong-tin-chi-carbon-tu-gop-nhin-phap-ly-post299055.html