Chiều nay, 14.8, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết năm học 2023 – 2024, TP.HCM có 561 trường tiểu học và trường phổ thông nhiều cấp học có cấp tiểu học (bao gồm công lập và ngoài công lập), trong đó có 522 trường tiểu học công lập. Toàn thành phố có 17.382 lớp học, tăng 130 lớp so với năm học trước.
Thời gian qua, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học tại các trường tiểu học tại TP.HCM được tăng cường để đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cơ bản các trường mua đủ trang thiết bị dạy học tối thiểu, đảm bảo thuận lợi cho các hoạt động giáo dục của nhà trường.
Tỷ lệ phòng học/lớp đạt 0,96. Toàn thành phố có 910 phòng máy tính để phục vụ học môn tin học với tổng số 33.867 máy tính.
Số phòng tin học trên toàn địa bàn cơ bản đáp ứng việc dạy môn tin học lớp 3, lớp 4. Một số trường thiếu máy tính đều có giải pháp linh hoạt để đảm bảo 100% học sinh lớp 3, lớp 4 và tổ chức cho các khối lớp khác được học tin học.
Năm học 2023-2024, toàn thành phố có 637.008 học sinh tiểu học (giảm 25.926 so với cùng kỳ năm trước). Đáng chú ý, có 502.200 học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, chiếm tỷ lệ 78,8% (tăng 4% so với cùng kỳ năm trước). Toàn thành phố có 14.362 lớp học 2 buổi/ngày trên tổng số 17.382 lớp, chiếm tỷ lệ 82,6% (tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước).
Các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, Phú Nhuận và H.Cần Giờ, H.Nhà Bè có tỷ lệ học 2 buổi/ngày đạt 100%. Năm học vừa qua, trung bình sĩ số tiểu học là 36,6 học sinh/lớp (giảm 1,8 học sinh/lớp với năm học 2022-2023).
Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận TP.HCM luôn dành sự ưu tiên đầu tư cho giáo dục, hoàn chỉnh mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị hỗ trợ dạy – học tiên tiến, hiện đại; từng bước giảm sĩ số và tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, năm học 2023-2024 còn một số những khó khăn với giáo dục tiểu học như tỷ lệ 1 phòng học/lớp chưa đảm bảo; tỷ lệ 2 buổi/ngày của thành phố chưa đạt 100%, một số trường còn thiếu các phòng chức năng. Một số trường sĩ số học sinh còn quá đông, ảnh hưởng đến chất lượng học tập.
Nguyên nhân của tình trạng trên là áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao, số phòng học chưa đủ. Các trường thiếu giáo viên do không có giáo viên dự tuyển, nhất là các giáo viên bộ môn. Các trường phải hợp đồng, thỉnh giảng để đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy các lớp…
“Lớp học chạy”, lớp học số tại TP.HCM
Đâu là những giải pháp cho các vấn đề nêu trên? Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết kết quả thực hiện quy hoạch giáo dục, xây dựng trường lớp đang được thực hiện tốt, đảm bảo tiến độ thực hiện chỉ tiêu đến năm 2025, đạt 300 phòng học/10 nghìn dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi). TP.HCM đang xây dựng đề án 4.500 phòng học mới với mục tiêu hoàn thành vào năm 2025, chào mừng 50 năm thống nhất đất nước.
Một số phòng GD-ĐT đã tham mưu với các cấp lãnh đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và xây dựng các trường tiểu học (như tại H.Bình Chánh). Một số trường thiếu phòng chức năng, các trường giảng dạy các bộ môn tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc ngay tại lớp. Các trường có hội trường có thể tận dụng làm phòng nghệ thuật.
Thời gian qua, tùy điều kiện thực tế, các trường bố trí cho học sinh học trái buổi. Đồng thời, một số phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường thực hiện phương án tổ chức “lớp học chạy” để tạo cơ hội cho học sinh được học 2 buổi/ngày như ở Q.Gò Vấp… TP.HCM cũng triển khai lớp học ghép tại cơ sở Thiềng Liềng, Trường tiểu học Thạnh An (xã đảo Thạnh An, H.Cần Giờ) với 12 học sinh, trong đó có 4 học sinh lớp 4, 8 học sinh lớp 5.
Bên cạnh đó, Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM phối hợp Sở GD-ĐT đã hỗ trợ xây dựng mô hình lớp học số tại Trường tiểu học Thạnh An, H.Cần Giờ; Trường tiểu học Trung Lập Thượng, H.Củ Chi trong bối cảnh còn thiếu giáo viên ở bậc tiểu học…
Nguồn: https://thanhnien.vn/bao-nhieu-hoc-sinh-tphcm-duoc-hoc-2-buoi-ngay-185240814150257041.htm