Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ Tài chính mới đây, ông Doãn Thanh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính – cho biết, trong năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm.
Đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành thanh tra 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gồm Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA (Bảo hiểm AIA), Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi (Dai-ichi). Đồng thời, đơn vị này đang thanh tra Công ty Bảo hiểm nhân thọ Manulife và 1 doanh nghiệp khác.
Bên cạnh đó, từ nay tới cuối năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm theo kế hoạch.
Đối với hai doanh nghiệp mà Bộ Tài chính đã hoàn thành thanh tra, theo thống kê của Lao Động, tính đến cuối tháng 6.2023, tổng tài sản Dai-ichi đạt 62.368 tỉ đồng, tổng tài sản Bảo hiểm AIA đạt 56.975 tỉ đồng.
Như vậy, xét về quy mô tổng tài sản, hai doanh nghiệp bảo hiểm này chỉ đứng sau Prudential Việt Nam (168.029 tỉ đồng) và Manulife Việt Nam (111.545 tỉ đồng), cao hơn hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm còn lại được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.
Mới đây, Bảo hiểm AIA đã công bố báo cáo tài chính giữa niên độ cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30.6.2023.
Theo đó, kết thúc 6 tháng đầu năm, Bảo hiểm AIA ghi nhận doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 7.573 tỉ đồng, giảm 13% so với cùng kì. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 1.592 tỉ đồng, tăng 32%.
Đồng thời, tổng chi phí hoạt động bảo hiểm của AIA đạt 5.840 tỉ đồng, giảm 4% so với nửa đầu năm 2022. Chi phí hoạt động tài chính giảm mạnh 82%, về 40 tỉ đồng; chi phí bán hàng giảm 28%, còn 1.173 tỉ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 1.017 tỉ đồng, tăng thêm 2% so với cùng kì.
Kết quả, dù doanh thu giảm nhưng nhờ “tiết chế” các loại chi phí giúp Bảo hiểm AIA báo lãi sau thuế xấp xỉ 887 tỉ đồng, tăng thêm 19% so với bán niên năm 2022. Mức lãi này góp phần đưa con số lãi luỹ kế AIA tính đến ngày 30.6.2023 lên hơn 5.585 tỉ đồng.
Kết thúc nửa đầu năm nay, tổng tài sản Bảo hiểm AIA đạt 56.975 tỉ đồng, tăng khoảng 2.866 tỉ đồng sau 6 tháng. Trong đó, tiền mặt tại công ty còn 563 triệu đồng; tiền gửi ngân hàng hơn 859 tỉ đồng; các khoản tương đương tiền hơn 35 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm AIA còn dành 2.159 tỉ đồng để đầu tư chứng khoán kinh doanh; 10.021 tỉ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, thế nhưng doanh nghiệp đang phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư ngắn hạn hơn 82 tỉ đồng.
Chưa kể, Bảo hiểm AIA cũng đang dành hơn 22.758 tỉ đồng để đầu tư trái phiếu; tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng khoảng 10.045 tỉ đồng; chứng chỉ tiền gửi 230 tỉ đồng… Đồng thời, ở khoản mục phải thu khác ngắn hạn, công ty bảo hiểm này có 737 tỉ đồng lãi dự thu từ đầu tư trái phiếu, 472 tỉ đồng lãi dự thu từ tiền gửi ngân hàng.
Đáng chú ý, tại ngày 30.6.2023, Bảo hiểm AIA còn hơn 99 tỉ đồng nợ khó đòi, thế nhưng giá trị có thể thu hồi chỉ khoảng 6 tỉ đồng, trích lập dự phòng gần 93 tỉ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả Bảo hiểm AIA khoảng 42.324 tỉ đồng, tăng thêm gần 2.000 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Chiếm phần lớn là dự phòng nghiệp vụ với 29.557 tỉ đồng.
Trong cơ cấu nợ của Bảo hiểm AIA cho thấy, doanh nghiệp này đang nợ người lao động gần 25 tỉ đồng. Theo tổng hợp báo cáo tài chính của AIA, bất chấp lãi lớn và dành hàng chục nghìn tỉ đồng đầu tư tài chính, nợ người lao động tại AIA lại có xu hướng tăng mạnh trong những năm qua.
Theo đó, năm 2019, danh mục phải trả người lao động của AIA chỉ hơn 1 tỉ đồng, năm 2020 là 5 tỉ đồng, năm 2021 gần 10 tỉ đồng, năm 2022 xấp xỉ 24 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm 2023 lên đến 25 tỉ đồng.