Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Mai Thị Kim Thoa cho biết, những năm gần đây, nền kinh tế nước ta đã liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao; sản xuất trong nước ngày một đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng xã hội. Chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ngày một cao hơn, nhiều sản phẩm đã có sức cạnh tranh trên thị trường như: Cà phê, gạo, hạt điều, thủy sản…
Với kênh livestream bán hàng trực tuyến, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, tiểu thương, chủ thể OCOP và cả những người nông dân Việt không chỉ bán sản phẩm của mình làm ra, mà còn kể câu chuyện về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ và đặc biệt là những cảm xúc, niềm tự hào về sản phẩm của địa phương mình.
Nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng số và đầu tư rất bài bản, xem đây là kênh phân phối hàng hóa rất tiềm năng. Theo thống kê, năm 2023, tại Việt Nam có 2,2 tỷ sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu cả nước, gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop, tăng 52,3% so với 2022. Dự kiến trong năm 2024, doanh thu và sản lượng bán ra ở các nền tảng trực tuyến có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm ngoái.
Tại Chương trình, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận các giải pháp, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn thách thức, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, tiểu thương, chủ thể OCOP đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng nội địa hiệu quả hơn. Đồng thời, tăng cường các giải pháp đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả trên thương mại điện tử, bán hàng livestream.
Phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, chủ đề về bán hàng trực tuyến qua sàn thương mại điện tử đã thể hiện được sức nóng, nhận được sự quan tâm của độc giả Báo Hànộimới. Dưới góc độ quản lý nhà nước, các cơ quan, đơn vị cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến các quy định bán hàng, quản lý hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử để làm sao bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nhà báo Nguyễn Minh Đức cho rằng: “Các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách tốt hơn, thực chất hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử như các sàn giao dịch, hỗ trợ doanh nghiệp về kỹ năng bán hàng; triển khai các dịch vụ trước, trong và sau bán hàng. Đẩy mạnh truyền thông để người tiêu dùng nhận biết, nâng cao kỹ năng trong tham gia mua bán hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, tránh rủi ro trong giao dịch”…
Nguồn: https://www.congluan.vn/bao-hanoimoi-to-chuc-giao-luu-truc-tuyen-ve-ban-hang-truc-tuyen-post301259.html