Chiều 31.5 vừa qua, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết các chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng, trong đó có chính sách mới là đề xuất thành lập Khu thương mại tự do (TMTD) Đà Nẵng. Theo dự thảo, Khu TMTD Đà Nẵng sẽ gắn với cảng Liên Chiểu và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Cụ thể, đây là khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất, dịch vụ hậu cần cảng, logistics, thương mại – dịch vụ, kinh doanh hàng miễn thuế. Khu TMTD Đà Nẵng sẽ có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan. Đây sẽ là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng các ưu đãi áp dụng với khu kinh tế theo quy định cũng như một số cơ chế, chính sách đặc thù. Đơn cử, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng là người quyết định chủ trương đầu tư và thành lập Khu TMTD. UBND TP.Đà Nẵng có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung theo quy hoạch TP đã được phê duyệt. Cơ quan này cũng là đơn vị thực hiện thu hồi đất, mặt nước, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định canh, định cư. Cũng theo dự thảo nghị quyết, Chính phủ đề xuất các chính sách ưu đãi phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; xây dựng các trung tâm mua sắm để đột phá du lịch tại Đà Nẵng…
Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Tập đoàn UAC (Mỹ) tại Đà Nẵng
Nguyễn Tú
Đà Nẵng không phải địa phương đầu tiên muốn trở thành tiên phong phát triển khu TMTD. Năm ngoái, khi trình đề án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng đề xuất với cảng Cần Giờ nên định hướng thành khu TMTD kết nối rộng rãi các vùng. TS Trương Minh Huy Vũ, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, khẳng định Cần Giờ không nên trở thành khu phi thuế quan (mô hình khu chế xuất) vì sẽ manh mún, nhỏ lẻ mà nên trở thành khu TMTD (free trade zones – FTZ). Điều này giúp kết nối một phần Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, hàng hóa sẽ đa dạng hơn. Tuy vậy, trao đổi với Thanh Niên, ông Trương Minh Huy Vũ cho biết ý tưởng này đang tạm gác lại do hàng rào cơ chế, chính sách cho khu TMTD tại VN còn nhiều vấn đề chưa sáng tỏ. Vì thế, TP.HCM đang ưu tiên tập trung cho kế hoạch xây dựng cảng Cần Giờ. Mô hình này sẽ tiếp tục được nghiên cứu trong giai đoạn tới.
Ngay sát bên TP.HCM, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang triển khai ý tưởng hoàn thiện đề án hình thành khu TMTD gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ. Lãnh đạo tỉnh coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh. Khu TMTD kết nối với cảng Cái Mép được đánh giá là đòn bẩy quan trọng góp phần hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thu hút các nguồn vốn đầu tư, tạo sự cộng hưởng nhằm khơi dậy các tiềm năng sẵn có. Đồng thời, là mảnh ghép quan trọng trong bức tranh phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ.
Nếu nói về khái niệm khu TMTD thì đây là mô hình chưa có ở bất cứ địa phương nào tại VN. Tuy nhiên, từ năm 2000, tỉnh Quảng Trị đã thí điểm xây dựng Khu kinh tế – thương mại đặc biệt Lao Bảo; sau đó Hải Phòng có khu phi thuế quan cảng biển ở Lạch Huyện; Quảng Ninh xây dựng khu kinh tế ven biển Vân Đồn… rồi rất nhiều khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghệ cao trên cả nước. Những mô hình kinh tế đặc biệt đã được manh nha nghiên cứu thực hiện từ cách đây hơn 2 thập niên với những chính sách ưu đãi, cơ chế vượt trội thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thế nhưng, cho đến nay, vẫn chưa có địa phương nào xây dựng được khu TMTD – mô hình được đánh giá là vượt trội hơn cả. Vì thế, những TP lớn với vị trí chiến lược có sân bay, cảng biển… đều đang muốn tăng tốc giành vị trí tiên phong trong cuộc đua tới khu TMTD.
Lý giải về việc thực hiện thí điểm mô hình khu TMTD, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh một trong những lĩnh vực mà TP này có thế mạnh là du lịch và dịch vụ. Song Đà Nẵng không thể chỉ dựa mãi vào tài nguyên sẵn có. Muốn nâng cao chất lượng thì phải có những đột phá. “Nếu thành lập được khu TMTD sẽ có những đột biến cho ngành dịch vụ và du lịch. Như tại Trung Quốc, khu TMTD đang trở thành sức hút rất lớn cho các nhà đầu tư”, ông Quảng thông tin.
Đúng như dẫn chứng của người đứng đầu TP.Đà Nẵng, trên thế giới hiện có hơn 3.500 khu TMTD ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Trung Quốc không phải nền kinh tế đi đầu trong mô hình này nhưng lại được nhắc đến như điển hình thành công nhất trong việc phát triển thần tốc các khu TMTD. Từ khu thí điểm TMTD đầu tiên ở Thượng Hải (SHFTZ) thành lập tháng 9.2013, đến nay, Trung Quốc đã có 22 khu tương tự. Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, SHFTZ đã trở thành mô hình kinh tế đổi mới tiêu biểu, góp phần đưa quy mô kinh tế Thượng Hải ngày càng mở rộng và giúp thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn. Tính đến cuối năm 2022, tổng cộng có 84.000 doanh nghiệp mới đã được thành lập tại SHFTZ. Riêng khu mới Phố Đông đã thu hút tới 18.691 dự án đầu tư nước ngoài mới, với số vốn đăng ký lũy kế đạt 217,2 tỉ USD. Quy mô thương mại hàng hóa tăng từ 207,6 tỉ USD năm 2013 lên 340,5 tỉ USD vào năm 2022. Một con số choáng ngợp!
Tiếp nối Thượng Hải, đảo Hải Nam đang tiếp tục được chính phủ Trung Quốc dồn lực với kỳ vọng trở thành “liều doping” đột phá cho nền kinh tế sau cú sốc đại dịch Covid-19. Với những chính sách được chính phủ Trung Quốc phê duyệt, các khu thương mại miễn thuế được phân bổ gần như khắp địa điểm du lịch trên đảo. Nơi đây sở hữu các trung tâm mua sắm miễn thuế lớn nhất thế giới với khoảng 800 thương hiệu. Để đột phá du lịch, chính quyền Trung Quốc ban hành loạt chính sách đặc thù, cho phép miễn thị thực cho công dân từ 59 quốc gia tới Hải Nam trong 30 ngày; Thúc đẩy bán lẻ miễn thuế bằng cách ưu đãi cho nhà đầu tư về hoạt động thương mại, không hạn chế hạn mức mua sắm miễn thuế đối với khách quốc tế, và đặc biệt cho phép du khách nội địa Trung Quốc mua sắm miễn thuế với hạn mức lên tới 14.700 USD/năm. Đối với du lịch sức khỏe, họ cho phép nhập khẩu và sử dụng các loại thuốc ngoại chưa được cấp phép bởi các cơ quan chức năng Trung Quốc nhưng đã được chứng thực bởi các hiệp hội y tế quốc tế có uy tín. Ngoài ra, khi đầu tư nghiên cứu về y tế và sức khỏe sẽ được hưởng ưu đãi tối đa về tiền đất, thuế, chuyên gia nước ngoài…
Khu phức hợp mua sắm miễn thuế quốc tế Tam Á, Hải Nam, Trung quốc
REUTERS
Với những chính sách này, giá cả tại đây gần như cạnh tranh được trên toàn thế giới. Trong giai đoạn đại dịch hoành hành, mặc dù với chính sách Zero Covid, gần như du khách quốc tế không tới đảo Hải Nam, số lượng du khách nội địa giảm từ 81,6 triệu xuống 64,3 triệu, nhưng doanh thu du lịch và doanh thu miễn thuế vẫn tăng 30% so với năm trước đại dịch. Đồng thời, GDP của Hải Nam tăng 4,2% và gần gấp 2 lần so với tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc là 2,3%.
Một điểm sáng thành công khác khi áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư phải kể đến Khu kinh tế tự do Incheon của Hàn Quốc (IFEZ). Ra đời năm 2003, IFEZ được thiết kế để trở thành một trung tâm kinh tế toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển kinh tế của Hàn Quốc. IFEZ được đầu tư mạnh về hạ tầng như xây cảng lớn chỉ sau cảng Busan, mạng lưới tàu điện ngầm kết nối thuận lợi tới Seoul và xây dựng các dịch vụ đô thị như bệnh viện, trung tâm thương mại quốc tế, tổ hợp logistics… Các doanh nghiệp tại IFEZ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu, cho phép quyền sở hữu nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, được cung cấp hỗ trợ về tài chính, thủ tục hành chính và dịch vụ một cửa…
Tính đến cuối tháng 7.2023, IFEZ đã thu hút 14,8 tỉ USD vốn FDI, chiếm hơn 70% tổng số vốn FDI thu hút được của 9 khu kinh tế tự do tại Hàn Quốc. Số lượng các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã tăng từ 3 công ty lên 206. Đặc biệt, IFEZ đang nỗ lực nuôi dưỡng nhân tài để chuyển đổi thành một TP đổi mới sáng tạo vững chắc, thu hút các trường ĐH danh tiếng của Mỹ…
Chuyên gia kinh tế, TS Phùng Đức Tùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, cho rằng khu TMTD hay khu phi thuế quan là những mô hình phát triển, thu hút đầu tư có sức hấp dẫn lớn và thực tế đã được triển khai thành công tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Các khu TMTD thường được thiết lập gần các cảng biển chính, sân bay quốc tế và cửa khẩu đường bộ – những vùng có nhiều lợi thế về thương mại. Với các ưu đãi mà một khu TMTD mang lại, địa phương đó sẽ nhận được lợi ích phát triển thương mại và đầu tư. Doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường rộng lớn hơn với chi phí thấp hơn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tăng tốt hơn. Qua đó, tạo công ăn việc làm, tăng năng lực cạnh tranh của địa phương, kết nối hỗ trợ vùng và đặc biệt tạo cơ hội cho người tiêu dùng có thể tiếp cận hàng hóa đa dạng với giá cả cạnh tranh hơn.
Đồng quan điểm, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho biết khu TMTD đã xuất hiện trên thế giới từ gần 70 năm trước, nghĩa là các nước đã đi trước VN một quãng đường rất xa. Đến nay chúng ta mới bắt đầu, nếu chỉ bê nguyên khung lý thuyết của các nước, bê nguyên mô hình từ các TP khác về thì cũng không có nhiều ý nghĩa trong việc tạo cạnh tranh, đột phá. “Chúng ta muốn có khu TMTD để thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng các nước đã có những chính sách vượt trội để hút vốn nước ngoài từ lâu rồi. Quy mô khu TMTD mà các địa phương tính xây dựng là bao nhiêu? Chính sách vượt trội là chính sách gì? Đề xuất khu TMTD của Đà Nẵng hay của Cần Giờ là khu như thế nào? Chúng ta đi sau thì phải vượt lên, chứ nếu chỉ chạy theo sau thế giới thì cũng không hiệu quả”, TS Trần Đình Thiên góp ý.
Chuyên gia kinh tế Phùng Đức Tùng nhấn mạnh: Nơi nào phát triển du lịch, nên có trung tâm TMTD. Các rào cản về thuế được loại bỏ đi nhiều, hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động được di chuyển tự do qua biên giới. Qua đó, giúp giá cả hàng hóa rẻ đi. Hơn nữa, hợp tác kinh tế với các quốc gia thành viên sẽ tạo lực đẩy về phát triển hạ tầng, khoa học… giúp kinh tế tại địa phương phát triển. Khu Phố Đông (Trung Quốc) hay làng chài vô danh ở Singapore xưa chả ai biết đến, nhưng với chính sách thu hút phát triển khu TMTD, họ đã tạo nên kỳ tích khiến thế giới thán phục.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/bao-gio-viet-nam-co-khu-thuong-mai-tu-do-185240601220111493.htm