Trước đó, vào lúc 9 giờ 30 phút, ngày 14/8, tại khoảnh 1, tiểu khu 147, phường Thủy Dương xảy ra cháy rừng. Nhận được thông tin báo cháy từ chòi canh lửa Núi Vung thuộc Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong, Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy lập tức báo cho UBND phường Thủy Dương, Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy Dương để huy động lực lượng tham gia chữa cháy.
Các lực lượng và phương tiện, dụng cụ tại chỗ đã được huy động tham gia tiếp cận hiện trường để chữa cháy. Do địa hình có độ dốc lớn, thực bì dưới tán rừng dày, khô nên việc cơ động tiếp cận chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Phải mất đến 5 giờ (đến 13 giờ cùng ngày) đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn.
Ông Văn Đức Thuận, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TX. Hương Thủy thông tin, tổng số người được huy động tham gia chữa cháy đến gần 400 người với đủ các thành phần cán bộ và Nhân dân phường Thủy Dương, ngành kiểm lâm, lực lượng vũ trang, chủ rừng và nhiều xe chữa cháy, xe bồn…
Dù có sự vào cuộc kịp thời của các ban ngành, chủ rừng nhưng diện tích rừng bị cháy, thiệt hại 1,44 ha. Diện tích rừng bị thiêu rụi chủ yếu là rừng trồng, trong đó rừng trồng keo sản xuất trồng năm 2021 và rừng trồng thông nhựa năm 1978 có chức năng phòng hộ do Công ty TNHHNN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong quản lý.
Theo ông Thuận, các yếu tố thời tiết lúc xảy ra vụ cháy với nhiệt độ cao đến 400C, dự báo cấp cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Nguyên nhân xảy ra vụ cháy đến ngày 15/8 vẫn chưa xác định, Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy tiếp tục phối hợp với cơ quan công an, các chủ rừng và UBND phường Thủy Dương điều tra, xác minh.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, dù các đơn vị, địa phương, lực lượng phối hợp có nhiều cố gắng trong thực hiện đồng bộ các biện pháp, không quản khó khăn, hiểm nguy, cùng sát cánh dập lửa, chữa cháy rừng… song vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).
Tính riêng trong vòng hai tuần nay (đến 15/8), trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra 8 vụ cháy rừng là con số báo động. Gần nhất là vụ cháy rừng ở Thủy Dương vào ngày 14/8 và vụ cháy rừng tràm ở xã Quảng Lợi (Quảng Điền) cách đây vài ngày.
Trong các vụ cháy vừa qua, khẳng định lực lượng huy động chữa cháy khá đông, nhưng công tác dẫn đường tiếp cận đám cháy chưa kịp thời nên một số lực lượng tham gia ứng cứu không tiếp cận sớm đám cháy. Bên cạnh đó, thiếu sự hỗ trợ của lực lượng trực chòi trong chỉ huy chữa cháy nên hiệu quả chữa cháy chưa cao. Nguyên nhân các vụ cháy rừng đang được điều tra làm rõ, song bước đầu xác định là do thời tiết nắng nóng gay gắt, kéo dài, người dân đốt vàng mã, thắp nhang, đốt lửa cạnh rừng…
Mới đây, ngành kiểm lâm cùng với các ban ngành liên quan tổ chức bàn các biện pháp PCCCR mang lại hiệu quả hơn. Theo đó, để nâng cao hiệu quả trong công tác PCCCR, các ban ngành thống nhất đưa ra nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, tập trung vào giải pháp nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy PCCCR. Khi phát hiện đám cháy phải nhanh chóng huy động lực lượng tại chỗ, Nhân dân tham gia chữa cháy; công tác hậu cần, đường tiếp cận trong công tác chữa cháy rừng phải được đảm bảo theo yêu cầu.
Quá trình chữa cháy cần xử lý và trao đổi thông tin một cách kịp thời, chính xác, hiệu quả. Trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng được điều động, phân bổ kịp thời, đúng vị trí xảy ra cháy rừng. Cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác minh đối tượng vi phạm để có biện pháp răn đe, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Các địa phương, ban ngành cần bố trí kinh phí hỗ trợ cho lực lượng tham gia chữa cháy rừng một cách thỏa đáng, kịp thời theo quy định. Riêng Nhân dân cần nâng cao nhận thức trong triển khai các biện pháp PCCCR, trong khi đó các lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng cần thường xuyên tuần tra, chốt chặn nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm PCCCR…