Theo thống kê của Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT), chỉ riêng trong tháng 10.2023, có 452 tin, bài của các hãng thông tấn, báo đài nước ngoài về kinh tế – xã hội Việt Nam.
Theo báo chí nước ngoài, Việt Nam được dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ 25 thế giới vào năm 2030. Ảnh: Hải Nguyễn
Trong tháng 10.2023, dư luận nước ngoài nhìn chung vẫn đăng nhiều tin, bài tích cực phản ánh tình hình phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, báo chí nước ngoài phân tích về khó khăn, thách thức của kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn vẫn còn mong manh do tiếp tục chịu ảnh hưởng và tác động từ các yếu tố bên ngoài; lĩnh vực sản xuất xuất khẩu của Việt Nam vẫn phải đối mặt với những trở ngại đáng kể do tăng trưởng yếu ở Mỹ, Liên minh châu Âu và nhu cầu nước ngoài sụt giảm.
Thông tin tích cực về kinh tế – xã hội Việt Nam trong tháng tập trung vào các nội dung sau: Dự báo tăng trưởng năm 2023 chững lại, nhưng sẽ phục hồi năm 2024 – 2025; Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường mới nổi tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực châu Á trong 5 năm tới; Việt Nam được dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ 25 thế giới vào năm 2030.
Cụ thể, các tổ chức tài chính quốc tế dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng kinh tế nhanh chóng về trung hạn khi xuất khẩu phục hồi: Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 ở mức 4,7%. Theo Reuters, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Ngân hàng Thế giới – WB dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 chững lại 4,7%, phục hồi mức 5,5% năm 2024 và 6,0% năm 2025.
Còn theo BNN, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn tích cực chủ yếu nhờ nỗ lực ngăn chặn thành công đại dịch COVID-19. Điều này cho phép hoạt động kinh tế phục hồi nhanh hơn so với các quốc gia khác. Chính phủ thực hiện các biện pháp chủ động hỗ trợ doanh nghiệp và kích thích tiêu dùng trong nước.
Các chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, đồng thời khuyến khích chi tiêu của người tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, Spglobal nhận định Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường mới nổi tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực châu Á trong 5 năm tới nhờ một số động lực tăng trưởng chủ đạo: Hưởng lợi từ chi phí nhân công sản xuất tương đối thấp so với các tỉnh ven biển của Trung Quốc; có lực lượng lao động khá dồi dào và được đào tạo tốt so với nhiều đối thủ khác trong khu vực Đông Nam Á, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất hấp dẫn đối với các tập đoàn đa quốc gia…
Việt Nam được dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ 25 thế giới vào năm 2030, với GDP dự kiến vào năm 2030 đạt 878,99 tỉ USD – theo Finance.
Còn theo Nikkei Asia, Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ việc định vị lại thị trường xuất khẩu toàn cầu khi xét đến quy mô xuất khẩu và quy mô kinh tế tương đối nhỏ của Việt Nam. Ngoài việc chiếm được một phần đáng kể nhờ các ngành xuất khẩu của Trung Quốc bị suy giảm, Việt Nam cũng đã liên kết chặt chẽ với các lĩnh vực mới nổi của Trung Quốc.
Theo báo cáo phân tích lợi thế so sánh của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3, kinh tế Việt Nam và Trung Quốc có sự tương đồng về cơ cấu sản xuất. Do đó, Việt Nam có tiềm năng tiếp tục tăng trưởng thị phần hàng xuất khẩu.
Nhật báo De Morgen nhận định, Việt Nam phát triển từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Các nhà sản xuất phương Tây đang đến Việt Nam nhờ lợi thế: Bờ biển dài với các cảng sâu; dân số trẻ với gần 100 triệu người có trình độ học vấn tương đối tốt; lương tối thiểu 230 Euro mỗi tháng; mức thuế ưu đãi (trung bình 4,35% thuế kinh doanh mỗi năm trong 15 năm đầu tiên); hệ thống chính trị ổn định.
Laodong.vn