Nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023), Người Đưa Tin (NĐT) đã lắng nghe những chia sẻ từ các ĐBQH là lãnh đạo các địa phương và ĐBQH chuyên trách về công tác thông tin, truyền thông chính sách của báo chí, vai trò của báo chí đối với công chúng suốt thời gian qua.
Góp vai trò quan trọng trong truyền thông chính sách
Đánh giá về hoạt động báo chí, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết Yên Bái có đề án của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt về tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Đặc biệt, cho đối tượng bà con nông dân, dân tộc thiểu số, nhóm đối tượng yếu thế. Tập trung vào chính sách pháp luật có tác động trực tiếp, đông đảo và thường xuyên đến người dân.
Hàng năm, trên cơ sở đề án đó tỉnh tổ chức triển khai thực hiện. Ngoài việc thực hiện tuyên truyền phổ biến theo đề án cũng có nhiều giải pháp để tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, truyền thông chính sách.
Đánh giá về vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách, ông Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: “Báo chí là kênh để truyền thông chính sác. Đối với các cơ quan báo chí của tỉnh, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú các cơ quan báo chí của Trung ương đóng trên địa bàn, chúng tôi thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ với các cơ quan báo để cung cấp kế hoạch truyền thông cho cả năm.
Ngoài ra, hàng quý tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí bao gồm các cơ chế chính sách mới ban hành hoặc các đề án chính sách được xây dựng và triển khai trên địa bàn tỉnh”.
Ông Duy cho hay, một mặt, báo chí truyền tải tư tưởng, những nội dung, quy định lớn, quan trọng của các thể chế chính sách đó. Đồng thời, các cơ quan báo chí cũng cần tăng cường đi sâu, đi sát cơ sở để tìm hiểu và phản ánh về việc thực hiện chính sách ở địa phương, cơ sở nhất là các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
“Đây cũng là một kênh rất quan trọng để hỗ trợ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kịp thời nắm được tình hình triển khai thực hiện chính sách ở địa phương, cơ sở và những vấn đề khó khăn, tồn tại, vướng mắc cần phải tập trung tháo gỡ để chính sách đi vào cuộc sống và pháp huy hiệu quả tốt nhất. Có thể khẳng định, vai trò của báo chí trong việc truyền thông chính sách hết sức quan trọng”, Bí thư tỉnh ủy Yên Bái nhấn mạnh về vai trò của báo chí.
Đấu tranh phát hiện phòng, chống tham nhũng tiêu cực
Trao đổi với Người Đưa Tin về vai trò của báo chí, Phó Bí thư Tỉnh Ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường nhấn mạnh vai trò của báo chí là vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Báo chí góp phần tuyên truyền đường lối, định hướng dư luận, phổ biến gương người tốt việc tốt, đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc… Đặc biệt, trong thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
“Hầu hết các cơ quan báo chí đều có văn phòng thường trú đặt tại tỉnh Đồng Nai. Các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ đi sâu, phản ánh cuộc sống hàng ngày, góp phần phản biện chính sách, tháo gỡ những khó khăn. Đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp để tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội.
Cùng với đó, trong giai đoạn hiện nay, báo chí tham gia đấu tranh phát hiện phòng, chống tham nhũng tiêu cực ở cơ sở rất tích cực. Nhiều vụ việc các cơ quan chức năng không phát hiện ra, nhưng nhờ cơ quan báo chí đã phát hiện ra. Từ đó, đấu tranh, ngăn chặn nhiều hành vi xấu, tham nhũng tiêu cực”.
Cùng trao đổi, ĐBQH Trần Anh Tuấn – Trưởng Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp Tp.HCM (đoàn Tp.HCM) đánh giá các hoạt động báo chí thời gian qua đã diễn ra rất tích cực, toàn diện, chi tiết từng hoạt động của các sở, ban, ngành.
“Tôi nhận thấy, tại các cuộc họp báo định kỳ, phóng viên các báo đặt câu hỏi về tình hình kinh tế xã hội và lãnh đạo các sở, ngành trả lời rất thẳng thắn, công khai những điểm đã làm được trong công tác điều hành của từng sở, ngành. Kể cả công tác khiếu nại, tố cao, an ninh trật tự trên địa bàn. Các câu hỏi phóng viên, báo chí nêu đều là những vấn đề rất thời sự, sát với thực tiễn. Có thể thấy rằng, công tác thông tin báo chí đã đi sát với đời sống, đi sát với tình hình thực tiễn của các địa phương, sở ngành, phản ánh đúng, trung thực ý chí nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp hiện nay”, ông Trần Anh Tuấn nói.
Là cầu nối giữa Quốc hội với cử tri
ĐBQH Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng hoạt động của Quốc hội mà không có báo chí, không có truyền thông sẽ mất đi một phương pháp để tiếp cận nhanh nhất quyết sách, đưa những quyết sách của Quốc hội tuyên truyền đến với xã hội và người dân. “Khó hình dung ra được Quốc hội hoạt động mà không có báo chí”, ông An bày tỏ.
Theo ông An, việc đưa tin từ nghị trường cũng đặt ra một nhiệm vụ cho báo chí là phải nhanh, đúng, kịp thời, khách quan, trung thực. Đặc biệt, phải nhấn mạnh được quyết sách của Quốc hội. Từ những quyết sách qua “bấm nút” của các đại biểu, nhờ báo chí trở thành một sức mạnh lớn hơn, đưa được những chủ trương và mong muốn của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất để xã hội phát triển.
“Báo chí vừa là phương tiện nhưng cũng vừa là động lực để Quốc hội trở nên công khai, minh bạch, gần gũi với người dân và cử tri hơn”, ông An nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Đồng Nai cũng cho rằng cũng cần đánh giá khách quan về cạnh tranh thông tin giữa báo chí và mạng xã hội. Do đó, báo chí cần phải có sự đổi mới, sáng tạo.
Liên quan đến công tác thông tin truyền thông về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), theo đại biểu đây là dự án Luật nhận được sự tâm của người dân. Nhưng, không thể thông tin một cách đơn thuần mà phải có chiến lược truyền thông bài bản. Thông tin đúng đối tượng, đúng thông tin người dân quan tâm.
“Tôi cho rằng cách thức báo chí nên làm đó là nên đi thẳng vào vấn đề, xem tương tác của xã hội với vấn đề nêu ra như thế nào. Một số báo có hình thức rất hay là có phần “bình chọn””, ông An cho biết thêm.
Là cộng sự, chuyên gia thường xuyên gắn bó với báo chí, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) khẳng định vai trò của báo chí trong việc tham gia vào các hoạt động nghị trường là hết sức to lớn.
“Tất cả những vấn đề về Luật, quyết định quan trọng của đất nước, thậm chí những vấn đề thuộc về nhân sự, tổ chức… báo chí theo rất sát, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Báo chí góp phần cung cấp cho đại biểu những thông tin chính xác, cập nhật, để làm cơ sở thảo luận và từ đó đại biểu đưa ra những quyết định cuối cùng”, ông Trí nêu.
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, trong thời kỳ công nghệ 4.0 với sự bùng nổ mạnh mẽ của các nền tảng, mạng xã hội thì báo chí càng có vai trò quan trọng, vừa góp phần định hướng, xác minh, đưa những thông tin chính xác, trung thực, khách quan vừa góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, trong thời kỳ bùng nổ thông tin, báo chí cần hết sức tỉnh táo, chọn lọc thông tin và người làm báo cũng cần phải viết bài một cách có trách nhiệm.
“Tôi mong rằng những người làm báo phải có tâm rất sáng để “lọc bỏ, chọn lấy” phát huy những cái tốt, dẹp bỏ những cái xấu để báo chí ngày càng trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa”, đại biểu Trí nhấn mạnh.
Các chính sách mới của ngành Thuế được phản ánh chính xác
Ông Mai Sơn – Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội: “Báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, không chỉ phản ánh đời sống xã hội qua việc thông tin nhanh nhất, chân thực nhất các sự kiện mà còn định hướng thông tin tới công chúng.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, những năm gần đây, báo chí đa phương tiện phát triển mạnh mẽ, giúp công chúng được tiếp cận thông tin qua báo viết, báo điện tử, phát thanh, truyền hình từ một tòa soạn báo chí; được trải nghiệm nhiều hình thức sáng tạo thông qua nội dung, hình ảnh, video, đồ họa, audio trong một sản phẩm báo chí. Thông qua báo chí, toàn xã hội đã cảm nhận, sẻ chia những khó khăn với cơ quan thuế và đồng thuận với những chủ trương, chính sách thuế được ban hành.
Những năm qua, ngành Thuế Thủ đô luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp… Để đạt được kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí”.
Ông Sơn cho biết, qua báo chí, các chính sách mới của ngành Thuế đã được phản ánh chính xác, sinh động, đầy đủ và kịp thời. Đáng chú ý, trong hơn hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp, người nộp thuế gặp nhiều khó khăn, các cơ quan báo chí đã có nhiều tin, bài kịp thời chuyển tải thông tin mới về cơ chế chính sách hỗ trợ thuế, phí, lệ phí, tạo sức ảnh hưởng tích cực với cộng đồng, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp, người nộp thuế phục hồi, phát triển sau đại dịch”.
Cần nỗ lực vượt qua thử thách
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Tp.HCM) đánh giá cao hoạt động của báo chí tại các kỳ họp Quốc hội. Thông qua mỗi kỳ họp, nữ đại biểu nhận thấy mỗi nhà báo, phóng viên, biên tập viên của mỗi cơ quan báo chí tham gia tác nghiệp tại kỳ họp đều thể hiện trách nhiệm và truyền tải được đúng, đủ ý mà đại biểu phát biểu.
“Viết và thể hiện những tin tức về nghị trường rất khó, do đó đòi hỏi mỗi người làm báo càng cần phải nỗ lực vượt qua các thử thách khó khăn. Về cơ bản tôi thấy càng lúc chất lượng các thông tin báo chí đăng tải từ kỳ họp ngày càng nâng cao, các nhà báo đã truyền tải tốt được những vấn đề đại biểu phát biểu. Báo chí góp phần rất lớn trong việc truyền tải thông điệp từ nghị trường đến đông đảo công chúng”, đại biểu Phong Lan nói.