Nhiều độc giả không chỉ ám ảnh về sự việc tiêu cực diễn ra như thế nào mà còn ám ảnh khi câu chuyện đó được đăng tải tràn lan trên mặt báo. Nhiều người đã bỏ thói quen đọc báo hằng ngày chỉ vì báo chí đăng quá nhiều tin tức tiêu cực trùng lặp. Để giữ chân độc giả và duy trì sứ mệnh cải tạo xã hội trở nên tốt đẹp hơn đang là trọng tâm báo chí cần hướng đến.
Xu hướng né tránh tin tức “màu xám”
Thời gian qua, sự xuất hiện của những thông tin tiêu cực, xoáy sâu vào những nỗi đau, những mặt tối của xã hội là một trong những nguyên nhân gây nên trạng thái cảm xúc lo âu, áp lực nặng nề về mặt tâm lý xã hội. Tràn ngập những thông tin tiêu cực từ vi phạm của các tập đoàn lớn như FLC, Tân Hoàng Minh, Tân Hiệp Phát đến những vụ việc sát hại kinh hoàng, học sinh tự tử. Sự xuất hiện của những thông tin tích cực – tiêu cực, phản ánh đời sống xã hội trên các phương tiện truyền thông, báo chí đã đáp ứng nhu cầu của công chúng. Nhưng làm thế nào để có sự cân bằng, nhằm đi đến cái đích cuối cùng là định hướng, góp ý, xây dựng… làm cho xã hội tốt đẹp hơn chính là điều mà báo chí hiện nay nên thận trọng để có hướng đi đúng.
Đặc biệt trong bối cảnh, né tránh tin tức là một hiện trạng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo trên các phương tiện truyền thông trong vài năm qua. Báo cáo Tin tức Kỹ thuật số của Reuters (DNR) năm ngoái cho thấy gần một nửa độc giả Vương quốc Anh (46%) và Mỹ (42%) né tránh tin tức. Theo các chuyên gia, có nhiều lý do giải thích cho hiện tượng này, từ xu hướng tiêu cực trong chu kỳ tin tức, đến các trang web tin tức hoạt động kém, tin tức quá khích và khả năng đọc hiểu tin tức của độc giả. Dữ liệu trong báo cáo Digital New Report cho thấy tình trạng né tránh tin tức, thường liên quan đến những tin tức quan trọng như chính trị, đã tăng gấp đôi ở một số quốc gia kể từ năm 2017, vì nhiều người cho rằng việc đưa tin trên báo chí đã tiêu cực, lặp đi lặp lại, khó tin tưởng và khiến người đọc cảm thấy bất lực.
Theo một báo cáo mới đây của Cục Báo chí – Bộ Thông tin & Truyền thông cũng chỉ ra sự trùng lặp nội dung của hầu hết các tờ báo ở Việt Nam. Vấn đề đặt ra là sự trùng lặp này xuất phát từ việc nhiều bài báo chỉ dừng ở phản ánh sự kiện, hiện tượng diễn ra như thế nào. Một khi báo chí trở thành bản sao lỗi của mạng xã hội, độc giả đánh mất thói quen đọc báo hằng ngày là tất yếu.
Bình luận xung quanh vấn đề này, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật – Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus cho biết, xu hướng né tránh tin tức không đáng ngạc nhiên bởi nó đã diễn ra từ vài năm trở lại đây, khi quá nhiều người cảm thấy mệt mỏi vì sự lặp đi lặp lại của các chủ đề tin tức, cộng thêm quá nhiều thông tin tiêu cực có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của độc giả.
Hiện tượng người đọc rời bỏ các trang báo chính thống và “di cư” sang các nền tảng số là điều đã và đang xảy ra. “Nhiều người, ngay cả bản thân tôi cũng đã mất thói quen đánh một địa chỉ url nào đó lên thanh địa chỉ trong trình duyệt. Thêm vào đó, những nhân tố mới xuất hiện như ChatGPT hoặc các công cụ generative AI cũng có thể đẩy nhanh hơn quá trình này. Nếu thắc mắc một vấn đề gì đó, thì thay vì tìm kiếm trên báo chí, người đọc sẽ mở chatbot để hỏi và họ dễ dàng thỏa mãn điều mình cần chỉ sau vài cú nhấp chuột”, nhà báo Hoàng Nhật nói.
Đề cao Báo chí Giải pháp
Có nhiều cách định nghĩa cho xu hướng báo chí tích cực này. Sự khác biệt ở chỗ thay vì chỉ đưa tin về những gì đang diễn ra hay các vấn đề của xã hội, Báo chí Giải pháp tập trung vào cách ứng phó, tìm ra cách thức giải quyết các vấn đề với sứ mệnh chủ động cải tạo xã hội. Báo chí Giải pháp không né tránh tin tức tiêu cực, mà đưa tin về các vấn đề tiêu cực theo hướng xây dựng, tìm ra giải pháp khắc phục để đem lại kết quả tích cực hơn cho cộng đồng. Báo chí Giải pháp không phải là việc đưa tin tốt – tin tích cực, mà nó khiến người dân, quan chức, chính phủ và người trong bộ máy công quyền có trách nhiệm về các giải pháp cho những vấn đề xã hội. Theo lý thuyết này, nếu báo chí chỉ tập trung phản ánh vấn đề diễn tiến như thế nào hay chỉ phơi bày mặt trái thì đó không phải toàn bộ câu chuyện.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật cho rằng, Báo chí Giải pháp (hay Báo chí kiến tạo) phù hợp với định hướng mà Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin & Truyền thông nhắc đến gần đây, chống lại tình trạng tràn ngập những thông tin tiêu cực, giật gân trên báo chí. Chính việc có quá nhiều thông tin tiêu cực trên mặt báo đã dẫn tới tình trạng né tránh tin tức hay suy giảm niềm tin với báo chí như thực trạng nhiều năm nay. Và vì vậy, việc đề cao Báo chí Giải pháp cũng chính là giải pháp nhằm giải quyết tình trạng đó. Báo chí không thể dừng lại ở việc phơi bày thực trạng mà phải đặt ra câu hỏi “Cần làm gì để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn?”.
“Tôi tin rằng đó là giải pháp đúng đắn để giành lại niềm tin của công chúng đối với báo chí. Các KOL, vloger, blogger không thể làm thay nhiệm vụ của các nhà báo, các nguồn tin khi cần lên tiếng vẫn sẽ chọn nhà báo thay vì blogger. Nhưng dĩ nhiên, bản thân các cơ quan báo chí, các nhà báo cũng cần tự đổi mới, nâng cao chất lượng, bắt kịp những xu hướng mới nhất của báo chí thế giới trong giai đoạn Chuyển đổi số”, nhà báo Hoàng Nhật nhận định.
Nhiều chuyên gia báo chí thế giới cho rằng, một trong những giải pháp cơ bản cho việc né tránh tin tức là trao cho độc giả quyền tham gia vào câu chuyện hoặc nguồn tin tức mà họ lựa chọn. Theo nhà báo Hoàng Nhật, thật ra nếu chúng ta không trao cho độc giả quyền đó thì họ cũng đã tự làm, bởi đây là giai đoạn Web3, khi người dùng tự tạo ra nội dung. Nhưng cần có lằn ranh giữa nội dung của cơ quan báo chí và của người dùng. Và các toà soạn phải quay trở lại bài toán nâng cao chất lượng của các cơ quan báo chí, giúp độc giả nhận biết tin giả – tin thật, phân biệt giữa fact (sự thật khách quan) và ý kiến, phân biệt giữa một bài viết có tài trợ với một bài báo khách quan theo đúng nghĩa.
Ngoài ra, báo chí cần tạo ra một sứ mệnh chung với độc giả, vì lợi ích của cộng đồng và kết nối sâu sắc hơn với độc giả, xây dựng mối quan hệ mới dựa trên dữ liệu, giúp độc giả cá nhân hóa trang tin của mình. “Chẳng hạn, nếu tôi chỉ quan tâm đến chính trị, thế giới hay thể thao, tôi sẽ muốn trang báo mà mình truy cập sẽ hiển thị ít hơn các câu chuyện không liên quan. Nhưng muốn cá nhân hóa trang tin như vậy thì lại cần tới công nghệ và dữ liệu”, Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus cho hay.
Có thể thấy, trước xu hướng né tránh tin tức, Báo chí Giải pháp có thể là một trong những con đường đem đến thay đổi tích cực cho các tòa soạn báo, chí ít là tạo ra sự khác biệt cơ bản giữa một sản phẩm báo chí và tin tức phản ánh đầy rẫy trên mạng xã hội hiện nay. Tin tức phải là chất xám của lao động nghề báo chứ không phải là bản sao của mạng xã hội. Báo chí Giải pháp vừa là cách thức, vừa là mục tiêu cần đạt đến với sứ mệnh cải tạo xã hội trở nên tốt đẹp hơn!
Hoà Giang