Dự gặp mặt có Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan báo chí và các phóng viên chuyên trách quốc phòng – an ninh.
Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết, trong năm 2023, Cục Tuyên huấn liên hệ, phối hợp, tạo điều kiện cho hơn 3.000 lượt phóng viên trong nước; gần 200 lượt phóng viên báo chí nước ngoài tham dự, tuyên truyền các sự kiện, hoạt động quân sự, quốc phòng.
6 tháng đầu năm 2024, tổ chức cho hơn 100 phóng viên tham gia các đoàn đi thăm Trường Sa, Nhà giàn DK1. Xây dựng kế hoạch giới thiệu hơn 150 phóng viên đến 75 đầu mối cơ quan, đơn vị quân đội viết bài tuyên truyền về Quân đội.
Tiếp nhận, tạo điều kiện cho hơn 320 lượt phóng viên đến đưa tin, tuyên truyền các hoạt động luyện tập, sơ duyệt, tổng duyệt các lực lượng quân đội tham gia diễu binh, diễu hành tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ .
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 18.000 tin, bài đưa tin, tuyên truyền về quân sự, quốc phòng trên báo chí.
Trung tướng Nguyễn Văn Gấu nhận định, đội ngũ phóng viên chuyên trách các cơ quan báo chí đã ngày càng chuyên nghiệp. Nhiều phóng viên đã không quản ngại khó khăn, vất vả; đã luôn dấn thân, đồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ.
Phát biểu tại gặp mặt, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, từ 1/1/2023 đến nay, báo chí đã có 147.000 tin bài, với mức độ lan tỏa cao về những thành quả về sự lớn mạnh của QĐND Việt Nam.
Quân đội hiện có 51 cơ quan báo chí, trên 600 phóng viên có thẻ nhà báo. Đây là lực lượng quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam. Các cơ quan báo chí của Quân đội gồm đầy đủ các loại hình, đóng vai trò quan trọng trong nền báo chí cách mạng nói riêng và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung.
Bộ trưởng nhấn mạnh, báo chí Quân đội có nhiều đóng góp trong công tác giáo dục, chính trị, tư tưởng toàn quân; nội dung có nhiều giá trị lan tỏa trong xã hội như: hoạt động đấu tranh chống diễn biến hòa bình, chống thông tin xấu độc; các tuyến bài cổ vũ, động viên nhân tố điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước.
Báo chí cách mạng phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, thổi lên khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, tạo thành sức mạnh tinh thần hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Báo chí là lực lượng tuyên truyền xung kích và chủ lực… “Trước đây vũ khí là trang giấy, cây bút thì nay còn thêm công nghệ mà chủ yếu là công nghệ số. Trước đây cơ quan báo chí viết báo, nay cơ quan báo chí tạo ra nền tảng số để nhiều người tham gia viết báo. Mà nền tảng số chính là công nghệ. Trước đây chỉ có báo chí viết báo, nay nhiều người viết trên mạng thì báo chí phải có công cụ, công nghệ để đánh giá xu thế thông tin, tâm trạng người dân trên không gian mạng để viết bài định hướng dư luận. Và đó chính là công nghệ”, Bộ trưởng khẳng định.
Để chuyển đổi số, theo Bộ trưởng, các cơ quan báo chí Quân đội cần đầu tư. Quân đội đang hiện đại hóa, một trong những lực lượng cần được hiện đại hóa đó chính là báo chí Quân đội. Ông cũng cho biết đầu tư cho công nghệ số không lớn, không tốn nhiều chi phí, tuy nhiên hiệu quả rất lớn.
Bộ TT&TT cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ Quân đội hiện đại hóa báo chí.
Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang cảm ơn các cơ quan Trung ương, các cơ quan báo chí luôn quan tâm phối hợp, giúp đỡ, đồng hành, đưa tin, tuyên truyền kịp thời, hiệu quả về kết quả thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng QĐND trong tình hình mới.
Nhắc lại nhận định “văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa còn thì dân tộc còn”, Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của báo chí và thông tin đại chúng.
Điểm lại tiến trình lịch sử, Bộ trưởng Quốc phòng chia sẻ, những ngày xung trận, cùng với Quân đội thì nhà báo cũng xung phong sau mệnh lệnh của người chỉ huy. Ông dẫn chứng tòa soạn nơi tiền tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến sĩ nơi chiến trường với vũ khí, trang bị thì nhà báo, phóng viên với máy ảnh, máy quay phim, ngòi bút đã truyền tải thông tin từ quá khứ, hiện tại đến tương lai.
Đại tướng Phan Văn Giang mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; phối hợp thực hiện tốt việc tham mưu định hướng, cung cấp thông tin, xử lý kịp thời, chặt chẽ những vấn đề quan trọng, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội.
Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phối hợp, tạo điều kiện để các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin, tuyên truyền kịp thời, hiệu quả.
Bộ trưởng cho biết, 6 tháng cuối năm, toàn quân xúc tiến tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, nên rất cần sự phối hợp, góp sức của báo chí.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/bao-chi-dong-hanh-cung-quan-doi-bao-ve-to-quoc-2291702.html