Các nhà dự báo thời tiết Ấn Độ đã cảnh báo rằng bão Biparjoy, tên có nghĩa là “thảm họa” trong tiếng Bengali, có khả năng tàn phá nhà cửa và phá hủy các đường dây điện khi nó đi qua bang Gujarat nằm ở phía Tây nước này.
Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết trong một bản tin rằng cơn bão đã đổ bộ vào bờ biển với sức gió 125 km/h và gió giật lên tới 140 km/h vào lúc 18h30 thứ Năm giờ địa phương.
Nó được dự báo sẽ duy trì cường độ hiện tại cho đến nửa đêm, với thủy triều dâng cao 2 mét tàn phá các khu vực trũng thấp cho đến khi mắt bão đi qua bờ biển.
“Đây là lần đầu tiên tôi trải qua một cơn bão lốc xoáy. Đây là tự nhiên, chúng ta không thể đấu tranh với nó”, Bhai, cha của ba cậu con trai từ 8 đến 15 tuổi trong một căn nhà nhỏ, cho biết.
Những con đường trũng thấp bắt đầu ngập vào chiều thứ Năm sau nhiều giờ mưa. Những cơn gió mạnh thổi tung những mảng nước làm giảm tầm nhìn với một màn sương mù xám xịt.
Hầu như tất cả các cửa hàng đã đóng cửa trong khu vực bị ảnh hưởng. Các nhà khí tượng học của Ấn Độ đã cảnh báo về khả năng gây ra “thiệt hại trên diện rộng”, bao gồm phá hủy mùa màng và cơ sở hạ tầng.
Chính quyền bang Gujarat cho biết 94.000 người đã di dời khỏi các vùng ven biển và vùng trũng thấp đến nơi trú ẩn. Bộ trưởng biến đổi khí hậu của Pakistan, Sherry Rehman, cho biết khoảng 82.000 người đã được di dời khỏi các khu vực ven biển phía Đông Nam nước này, khi đối mặt với “một cơn bão lốc xoáy mà Pakistan chưa từng trải qua”.
Nhiều khu vực bị ảnh hưởng cũng bị ngập lụt trong trận lũ lụt gió mùa thảm khốc năm ngoái, khiến 1/3 diện tích Pakistan chìm trong nước, làm hư hại 2 triệu ngôi nhà và giết chết hơn 1.700 người. Rehman nói với các phóng viên: “Đây đều là kết quả của biến đổi khí hậu”.
Bão lốc xoáy là mối đe dọa thường xuyên và chết người trên bờ biển Bắc Ấn Độ Dương, nơi có hàng chục triệu người sinh sống. Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng các cơn bão đang trở nên mạnh mẽ hơn khi thế giới ấm lên do biến đổi khí hậu.
Bùi Huy (theo AFP, CNA, Reuters)