Lần đầu tiên được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Ngày Thơ Việt Nam năm 2024 diễn ra từ ngày 24-25/2 đã mang đến cho công chúng những di sản thi ca quý báu trong kho tàng thi ca 54 dân tộc Việt Nam.
Với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”, Ngày Thơ Việt Nam năm nay mang đến cuộc sống muôn màu của con người Việt Nam trên mọi miền đất nước, tái hiện vẻ đẹp đời sống và văn hóa của tất cả các dân tộc anh em thông qua thơ ca.
Đông đảo công chúng đã tham dự Ngày Thơ Việt Nam năm 2024. (Nguồn: QĐND) |
Đặc biệt, chương trình Đêm thơ là sự kết hợp hài hòa, cân đối các yếu tố sân khấu hóa trong trình diễn thơ, sử dụng các hiệu ứng âm nhạc, diễn xướng, âm thanh, ánh sáng, trang phục…
Song song với việc duy trì lối đọc thơ truyền thống của các nhà thơ, Ban tổ chức còn đem đến sự thưởng thức trọn vẹn những tác phẩm thơ xuất sắc của các nhà thơ dân tộc cho khán giả.
Bên cạnh đó, thiết kế sự kiện năm nay có nhiều nét mới, độc đáo, tạo nên không gian mang ý nghĩa đặc biệt. Chương trình được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng nên vầng trăng được chọn làm ngôn ngữ thiết kế không gian mỹ thuật. Cổng thơ là những vầng trăng non uốn lượn trên hành trình tròn đầy vào đúng Rằm.
Bước qua Cổng thơ là Đường thơ được trang trí bằng những mầm lá non cách điệu, với họa tiết trên trang phục của đồng bào các dân tộc Việt Nam, trên mỗi mầm lá viết 1 câu thơ hay do Ban Tổ chức tuyển chọn.
Năm nay, Ban tổ chức tiếp tục xây dựng không gian Nhà ký ức – nơi trưng bày kỷ vật, hiện vật, tác phẩm của 12 nhà thơ tiêu biểu, trung tâm là nhà thơ – Chủ tịch Hồ Chí Minh và 11 nhà thơ người dân tộc đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.
Ngày Thơ Việt Nam năm 2024 thực sự đã thực sự trở thành ngày hội của các nhà thơ các dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là một cách triển khai hiệu quả chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước.