Tăng thu nhập cho các hộ gia đình
Tập đoàn điện lực VN (EVN) vừa có văn bản gửi Bộ Công thương kiến nghị Bộ sớm ban hành hướng dẫn phát triển điện mặt trời (ĐMT) mái nhà không phát lên lưới. Trước đó, từ giữa năm 2022, EVN cũng đã có tờ trình về việc xử lý, giải quyết vướng mắc phát sinh về ĐMT mái nhà. Trong đó, vấn đề trọng tâm là việc đấu nối các hệ thống ĐMT để tự tiêu dùng tại chỗ, không phát điện lên lưới điện.
Đây cũng là một trong những nội dung được đề cập trong Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện 8) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 500/2023. Quy hoạch Điện 8 nêu rõ: “Ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển ĐMT mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và ĐMT tự sản tự tiêu. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp”.
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN: “Cơ chế mua bán điện trực tiếp nếu được ban hành sớm sẽ tạo cơ hội cho những khách hàng có thể mua bán trực tiếp với các chủ đầu tư năng lượng tái tạo. Với ĐMT mái nhà, việc mua bán sản lượng điện giữa các gia đình với nhau cũng là hình thức được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và EVN đã giao cho Tổng công ty điện lực miền Trung nghiên cứu, triển khai. EVN chỉ hỗ trợ các đơn vị kết nối và chịu trách nhiệm trong khâu truyền tải, phân phối. Tức là sử dụng lưới điện và truyền tải của EVN để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trực tiếp mua bán điện. Nếu trong khu vực khu dân cư, khu công nghiệp liên quan lưới điện tại chỗ, các chủ đầu tư sẽ đàm phán trực tiếp với nhau”.
Trong thực tế, ĐMT tại hộ gia đình đã từng được phát triển ồ ạt trong năm 2020 từ Quyết định 13 (ngày 6.4.2020) về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT. Với chính sách này, các hộ gia đình có thể lắp ĐMT dùng và bán, giảm áp lực cho EVN trong việc tìm nguồn điện thay thế. Tuy vậy, đến cuối năm 2020, quyết định này hết hiệu lực. Từ đó, “số phận” của các tấm pin ĐMT mái nhà các hộ cũng “treo” chờ cơ chế. Thế nên đến cuối năm 2021, riêng ĐMT mái nhà đã có hơn 104.000 dự án được lắp, tổng công suất gần 9.600 MWp, sản lượng phát lên lưới hơn 3,57 tỉ MWh. Tổng công suất lắp đặt ĐMT mái nhà rất lớn, nhưng sản lượng thực tế phát lên lưới không cao.
TS Trần Văn Bình, thành viên Hội đồng Năng lượng tái tạo thế giới
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều hộ gia đình khu vực phía nam, có đầu tư ĐMT mái nhà, thừa công suất, mong muốn sớm được hướng dẫn bán điện cho nhà hàng xóm với các thủ tục đơn giản nhất. Bà Nguyễn Thị Hiếu (Bình Dương) cho biết, mấy dự án ĐMT lớn bị hoãn phát điện vì chờ cơ chế giá đã đành, mấy tấm pin mặt trời gắn trên mái của hộ gia đình đầu tư, dư điện cũng không chia sẻ, bán cho ai được rất uổng phí. “Gia đình tự lắp ĐMT, tự sử dụng nhưng thừa công suất, lại không xin phát lên lưới được. Trong khi mấy hộ bên cạnh có nhu cầu, muốn bán điện giá rẻ hơn cho họ bằng đồng hồ tổng của ngành điện lắp cũng khó vì chưa có chủ trương này. Nếu được hướng dẫn, bán điện cho các hộ lân cận, gia đình tôi có thêm khoản thu nhập hằng tháng khoảng 7 – 8 triệu đồng, bù đắp khoản lỗ kéo dài trong thời gian qua”, bà Hiếu cho hay.
Tiền đề cho một thị trường điện cạnh tranh
Theo các chuyên gia, ĐMT mái nhà là nguồn điện có tính chất phân tán và thuận tiện để tiêu thụ tại chỗ. Ngoài mái nhà của các hộ gia đình, thì mái nhà của các cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, các trung tâm thương mại, nhà xưởng trong các khu công nghiệp… cũng là những nơi có thể lắp đặt. Nhiều tỉnh miền Bắc còn nhiều tiềm năng phát triển ĐMT mái nhà, do có cường độ bức xạ trung bình ngày trong năm khoảng 4 kWh/m2/ngày, số giờ nắng trong năm khoảng 1.500 – 1.700 giờ. Hơn nữa, chi phí sản xuất ĐMT cũng đang giảm nhanh. Nếu miền Bắc đang đối diện nguy cơ thiếu điện thì cơ chế hướng dẫn cho các dự án ĐMT tự sản tự tiêu không phát lên lưới là cần thiết.
GS-TSKH Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực, nhận định: Việc mua bán ĐMT áp mái trực tiếp giữa nhà sản xuất và đơn vị có nhu cầu sử dụng là chính sách “đôi bên cùng có lợi” do không qua cơ chế kinh doanh. Chẳng hạn, một nhà máy ĐMT trước khi đầu tư, nếu có cơ chế mua bán trực tiếp rồi, họ có thể thương thảo cho đơn vị mua điện. Ký được hợp đồng mua bán điện trước khi sản xuất, trước cả quyết định đầu tư thì yếu tố rủi ro đối với nhà đầu tư rất thấp. Bên cạnh đó, chính đơn vị cho thuê lưới điện để truyền tải và phân phối là EVN cũng bớt áp lực. Ngoài ra, chủ đầu tư nếu có lưới điện thì càng không cần phải thuê lưới của EVN nữa, yếu tố chủ động giữa hai bên lại càng cao hơn.
Về mua bán điện trực tiếp giữa các hộ gia đình, theo GS Trần Đình Long, các thỏa thuận càng đơn giản hơn. Đó là việc thuận mua vừa bán giữa các hộ gia đình, một bên không có khả năng đầu tư lắp pin làm ĐMT, một bên có thừa điện thì bán bớt. Chi phí lắp đặt pin ĐMT hiện nay đã giảm nhiều nên giá thành ĐMT mái nhà sẽ giảm. Với quy mô công suất của hộ gia đình có 6 kWh, chi phí lên lưới điện cũng không lớn. Khi các nguồn điện khác khó khăn, gấp rút huy động nguồn điện tự sản tự tiêu là cực kỳ cần thiết.
TS Trần Văn Bình, thành viên Hội đồng Năng lượng tái tạo thế giới, nhận định: Trong bối cảnh VN tính chuyện tăng nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc để bù đắp cho nguy cơ thiếu điện tại khu vực phía bắc thì giải pháp tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo không phát lên lưới là điều cấp thiết. “Thực ra, khi chính sách ưu đãi phát triển điện tái tạo hết thời hạn, ngay lập tức cơ quan quản lý phải có hướng dẫn để tận dụng nguồn điện sẵn có này trong dân. Việc mua điện từ nước ngoài cũng rất cần do tiện lợi về địa lý, đầu tư và chính sách giữa các quốc gia. Thế nhưng, trong khi chờ đầu tư thêm đường truyền tải điện về, tại sao không tận dụng ngay nguồn sẵn có? Không nên để một quốc gia giàu tiềm năng nắng, gió lại phải chật vật vì thiếu điện”, TS Bình nói.
Theo TS Bình, cục diện của thị trường điện nay đã khác, từ Quy hoạch Điện 8, các chính sách mở để thúc đẩy việc mua bán điện trực tiếp sớm được tiến hành. Công ty mua bán điện thuộc EVN cần xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa, Bộ Công thương phải nhanh hơn. Từ việc cho mua bán điện trực tiếp này, có thể cho Tổng công điện lực miền Trung triển khai thí điểm, chúng ta sẽ có được những kinh nghiệm rất tốt để phát triển thị trường điện sau này, song song với thị trường điện truyền thống. “VN đến năm 2024 phải có thị trường điện. Việc chậm cho thí điểm mua bán trực tiếp từ hộ gia đình, tiến lên giữa các doanh nghiệp, khiến kế hoạch phát triển thị trường mua bán điện chậm lại. Bên cạnh đó, việc cho phép các hộ tiêu thụ điện lớn mua trực tiếp điện từ nhà sản xuất cũng giúp giá điện cạnh tranh tốt hơn”, TS Trần Văn Bình nói.