Bám trục cao tốc, cùng phát triển
4 địa phương gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên và Hải Dương cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức diễn đàn “Liên kết phát triển Khu công nghiệp (KCN) trục cao tốc phía Đông” vào chiều 31/8, tại Hải Phòng.
Đây là một trong chuỗi chương trình nhằm hiện thực hóa “Thỏa thuận hợp tác kết nối kinh tế cao tốc phía Đông”, ký ngày 28/7/2022 giữa VCCI và 4 tỉnh, thành trên. Theo đó, 4 địa phương này đã thống nhất cùng liên kết phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, nâng cao tốc độ tăng trưởng và hình thành cực tăng trưởng trong vùng Đồng bằng sông Hồng.
Việc liên kết kinh tế sẽ mở rộng không gian phát triển, cả về chiều rộng và chiều sâu, cho 4 địa phương. Từ đó, tạo thành một khu vực kinh tế phát triển năng động, với cảng biển lớn quốc tế (tại Hải Phòng), cửa khẩu trên bộ và trên biển với thị trường lớn nhất thế giới Trung Quốc (tại Quảng Ninh), sân bay quốc tế (Hải Phòng, Quảng Ninh), nguồn nhân lực còn dồi dào (tại Hải Dương, Hưng Yên) cùng không gian phát triển kinh tế còn rộng lớn và nhiều tiềm năng (Hải Dương, Hưng Yên).
Tại diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho biết, bốn địa phương thuộc trục cao tốc phía Đông hiện có 87 khu kinh tế và KCN.
Trong đó, Hải Phòng có khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải và 25 KCN, với tổng diện tích 12.702 ha. Hải Dương có 24 KCN tổng quy mô diện tích khoảng 4.508 ha. Quảng Ninh có 5 khu kinh tế (gồm 3 khu kinh tế cửa khẩu, 2 khu kinh tế ven biển) và 16 KCN, với tổng diện tích khoảng 388.671 ha. Hưng Yên có 17 khu công nghiệp có diện tích là 4.395,43 ha.
Đáng nói, các KCN trên địa bàn 4 tỉnh, thành của trục cao tốc phía Đông đang sử dụng lượng lao động lớn, đóng góp mạnh vào thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương.
Vẫn thiếu khu công nghiệp tầm cỡ
Mặc dù vậy, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, việc phát triển KCN thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược, tổng thể.
Tốc độ phát triển các KCN còn chậm, tỷ lệ lấp đầy của nhiều KCN còn thấp, khả năng cung cấp dịch vụ công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật của vài KCN còn hạn chế. Phần lớn các KCN đều khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư phát triển KCN tầm cỡ, chuyên nghiệp, thiếu chủ động trong việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Theo quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành trong trục cao tốc phía Đông, số lượng KCN trên địa bàn 4 tỉnh, thành dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2030, lên 139 khu, tăng thêm 60 KCN. Hiện các KCN mới lấp đầy 45-50%.
Đây sẽ là thách thức lớn trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch nhằm đảm bảo khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai.
Tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đánh giá, thu hút đầu tư của 4 địa phương tương đối tốt nhưng vẫn còn khoảng cách khá lớn so với các trung tâm kinh tế lớn; chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp chưa đồng bộ, chưa tạo thành chuỗi logistics liên hoàn.
Về hướng hợp tác giữa các địa phương thời gian tới, ông Bruno Jaspaet, Tổng giám đốc Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C, nhận định: Hệ thống cao tốc phía Đông hình thành đã mang lại nhiều lợi thế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Thời gian tới, DEEP C sẽ tiếp tục đầu tư vào Lạch Huyện (Hải Phòng).
“Chúng tôi kỳ vọng với sự liên kết hiện tại, hạ tầng sẽ ngày càng được hoàn thiện và có nhiều hơn nữa các sáng kiến tương tự trục cao tốc phía Đông”, ông Bruno Jaspaet nói.
Nhiều đại biểu, chuyên gia cũng kiến nghị bổ sung các chính sách ưu đãi về tài chính như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng cho các KCN, khu sinh thái, doanh nghiệp sinh thái để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mô hình KCN mới.