Đột phá chất lượng để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu là điều mà Việt Nam thực sự mong muốn lúc này. Theo các chuyên gia, vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế. Doanh nghiệp Việt đa phần mới chỉ ở khâu trung gian, có giá trị gia tăng thấp, sử dụng phần lớn là lắp ráp. Thời gian tới, dự báo làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất lớn nên cơ hội tham gia vào cung cấp các linh kiện, các công đoạn sâu hơn của chuỗi cung ứng, đầu chuỗi của các doanh nghiệp FDI là tiềm năng.
Xây dựng chiến lược chuỗi cung ứng bền vững sớm
Câu hỏi lớn đặt ra lúc này là “Làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam đi sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng toàn cầu?” Trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Deloitte Việt Nam cho biết: “Mặc dù không tránh khỏi những khó khăn và thách thức về nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực và hệ thống trong quá trình xây dựng chuỗi cung ứng xanh, nhất là trong giai đoạn đầu, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt vẫn cần nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi, quản trị tốt, xây dựng nền tảng về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng số hóa để thúc đẩy chuỗi cung ứng bền vững. Việc xây dựng được chiến lược chuỗi cung ứng bền vững sớm không chỉ giúp doanh nghiệp Việt có cơ hội tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn tăng khả năng phục hồi của doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động và thách thức”.
Kỳ vọng của các nhà đầu tư và nhà quản lý quỹ trên toàn cầu đối với tính bền vững của chuỗi cung ứng ngày càng tăng.
Theo báo cáo, 89% nhà đầu tư thảo luận về các tiêu chuẩn ESG trong chuỗi cung ứng với các công ty mà họ đầu tư vào. 85% nhà quản lý đầu tư tin rằng, những doanh nghiệp không thực hiện các sáng kiến bền vững chuỗi cung ứng sẽ khiến giá cổ phiếu giảm.
Ngoài ra, 84% nhà đầu tư cho rằng, các vấn đề liên quan đến tính bền vững của chuỗi cung ứng và tiêu chuẩn ESG là rủi ro đối với đầu tư của họ. Đầu tư nước ngoài của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022 ở mức 22,4 tỉ đôla Mỹ cộng với vị thế địa chính trị là trung tâm sản xuất quan trọng và thị trường cung ứng ở châu Á, việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững có vai trò quan trọng giúp Việt Nam duy trì khả năng cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro và đảm bảo nền kinh tế kiên cường trong tương lai.
Ở tầm quốc gia, Việt Nam có nhiều sáng kiến nhằm tăng cường nỗ lực phát triển bền vững, có thể kể đến Quyết định số 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đến năm 2025, các dự án kinh tế tuần hoàn được kỳ vọng sẽ góp phần thu hồi tài nguyên, giảm tiêu thụ năng lượng và tăng tỉ lệ tái chế chất thải. Những giải pháp kinh tế tuần hoàn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, đặc biệt là giảm thiểu nguồn khí thải từ gián tiếp khác phát sinh từ chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Những sáng kiến như vậy sẽ đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa cam kết của Việt Nam nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Bà Trần Thị Thúy Ngọc cho biết, khảo sát của Deloitte về quản lý chuỗi cung ứng cho biết, 73% chuyên gia tham gia khảo sát cho biết, tổ chức của họ đang lên kế hoạch chuyển đổi cách thức quản lý chuỗi cung ứng và quy trình mua sắm hậu COVID-19. Trong đó, có nhiều thực tiễn và thông lệ tốt mà doanh nghiệp Việt có thể tham khảo.
Sự nhất quán: Phát triển một khuôn khổ với các nhà cung cấp trong đó nêu rõ những kỳ vọng về chuỗi cung ứng bền vững và đảm bảo rằng, tất cả các bên liên quan đều được cung cấp thông tin. Việc đặt ra các mục tiêu nhất quán có vai trò quan trọng đối với việc quyết định tìm nguồn cung ứng và quản lý nhà cung cấp.
Xây dựng hệ thống minh bạch: Thiết lập một hệ thống minh bạch cho phép giám sát các số liệu liên quan đến tính bền vững của chuỗi cung ứng để các bên liên quan dễ dàng theo dõi tiến độ, phối hợp với các nhà cung cấp để tìm ra các lĩnh vực cần cải thiện.
Đánh giá vòng đời sản phẩm: Tiến hành đánh giá vòng đời sản phẩm để nắm rõ tác động tới môi trường, từ đó biết được mắt xích nào của chuỗi cung ứng có ảnh hưởng lớn nhất và sẽ cung cấp cơ sở giảm lượng khí thải carbon.
Tích hợp công nghệ: Tận dụng công nghệ như phần mềm quản lý chuỗi cung ứng và phân tích dữ liệu để dự báo nhu cầu chính xác nhằm tối ưu hóa mức tồn kho, giảm lượng hàng dư thừa.