Trận tranh HCĐ (tranh hạng ba) luôn là đề tài gây tranh cãi ở các giải đấu bóng đá lớn nhỏ. Năm 2014, HLV Louis van Gaal khẳng định các cầu thủ thường không muốn đá trận tranh hạng ba và “thật tồi tệ nếu phải trở về với liên tiếp 2 thất bại ở vòng knock-out”. Một số chuyên gia, cầu thủ cũng cho rằng đá trận tranh hạng ba là điều không cần thiết, bởi vốn dĩ các đội bóng thua ở bán kết chỉ muốn trở về nhà với tấm HCĐ.
Tuy nhiên, gạt sang những tranh cãi về trận đấu bị cho là vô nghĩa này, cuộc so tài ở trận tranh HCĐ với U.22 Myanmar lúc 16 giờ hôm nay 16.5 vẫn có giá trị với U.22 Việt Nam. Trước hết, đội bóng của HLV Philippe Troussier không đạt mục tiêu vào chung kết, nhưng dẫu sao một tấm HCĐ ở SEA Games 32 cũng là sự khích lệ với lứa cầu thủ vốn bị hoài nghi về năng lực, kinh nghiệm trong suốt thời gian qua. Đây là dịp để U.22 Việt Nam chia tay giải bằng một chiến thắng, nhờ vậy phần nào xoa dịu nỗi buồn.
Bên cạnh đó, trận đấu với U.22 Myanmar là cơ hội bằng vàng để U.22 Việt Nam chứng tỏ khả năng hồi phục sau thất bại.
Các học trò của HLV Troussier đã bị U.22 Indonesia đánh bại trước ngưỡng cửa chung kết bởi hàng loạt sai lầm mắc phải từ khâu phòng ngự đến tấn công. Thất bại ấy không thể đảo ngược được nữa. Nhưng, U.22 Việt Nam cần chiến đấu để khẳng định, một trận thua sẽ không dập tắt được ý chí chiến đấu của các cầu thủ. Đồng thời, trận gặp U.22 Myanmar là thời cơ để HLV Troussier thấy được năng lực sửa sai của học trò. Sai lầm là chuyện thường tình với các cầu thủ trẻ, nhưng U.22 Việt Nam không chỉ tham dự SEA Games.
Sau giải đấu này, nhiều cầu thủ sẽ đá vòng loại U.23 châu Á 2024, ASIAD 19,… hay xa hơn, có những cái tên có thể được cất nhắc lên đội tuyển quốc gia. Do đó, các cầu thủ cần chứng tỏ họ có thể sửa chữa sai lầm để thuyết phục ban huấn luyện, cũng như thuyết phục người hâm mộ rằng nhận định “lứa cầu thủ này hoàn toàn đủ sức làm nên chuyện trong tương lai” của ông Troussier chẳng phải lời nói suông.
Với các cầu thủ ít được ra sân từ đầu giải, cuộc đấu với U.22 Myanmar cũng là sân chơi để “ghi điểm” với HLV Troussier. Nhà cầm quân người Pháp dùng cố định một bộ khung ở 4 trong 5 trận từ đầu giải (trừ trận gặp U.22 Thái Lan đá đội hình B khi đã chắc vé vào bán kết). Tuy nhiên, ông Troussier luôn thay đổi liên tục để tạo điều kiện cho học trò. Trung vệ Ngọc Thắng đến trận gặp U.22 Thái Lan mới lần đầu ra sân ở SEA Games 32, nhưng nhờ thể hiện tốt mà tiếp tục được đá chính trong cuộc đấu với U.22 Indonesia. HLV Troussier đã dùng tối đa 5 quyền thay người mỗi trận từ đầu giải, cho thấy nhà cầm quân người Pháp luôn mở rộng cánh cửa đá chính cho mọi học trò.
Ở cuộc so tài về cơ bản không còn nặng nề như trận tranh HCĐ, thế trận khả năng sẽ cởi mở hơn. U.22 Việt Nam cần nhân cơ hội này, tiếp tục theo đuổi lối chơi kiểm soát, hoàn thiện các mảng miếng tấn công, mài sắc khâu dứt điểm và cải thiện bản lĩnh thi đấu. Với cầu thủ trẻ, mỗi trận đấu dù là giao hữu hay chính thức đều là những bậc thang phải bước qua để hoàn thiện mình.
Đây là bài kiểm tra ông Troussier đặt ra cho học trò, bởi năng lực vượt qua thất bại cũng là tố chất cần có để tạo nên cầu thủ lớn. U.22 Việt Nam cần đá một trận thăng hoa trước U.22 Myanmar để khép lại SEA Games 32, cũng như mở ra một giai đoạn mới hứa hẹn hơn.