Việc diễn tập thực binh ứng phó sự cố hóa chất sẽ giúp các đơn vị kinh doanh hóa chất, địa phương chủ động, linh hoạt để ứng phó khi sự cố xảy ra.
Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp là nhu cầu sử dụng hóa chất phục sản xuất ngày càng nhiều. Hóa chất được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động sản xuất như: Khí công nghiệp, sản xuất phân bón, sản xuất hạt nhựa, hóa phẩm chuyên dùng phục vụ ngành dầu khí,… từ nhu cầu đa dạng ấy dẫn đến các hoạt động về hóa chất càng phổ biến, xuất hiện nhiều loại hình hoạt động hóa chất.
Hóa chất đóng góp nhiều lợi ích và tác dụng trong các hoạt động sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra của cải vật chất phục vụ cho con người. Tuy nhiên, hóa chất cùng với những đặc điểm lý hóa tính của nó thường là dễ cháy nổ, độc hại cho sức khỏe và tác động xấu đến môi trường. Nếu không được quản lý, bảo quản và sử dụng đúng cách, đúng mục đích hóa chất có thể gây ra những vụ tai nạn, sự cố có hậu quả nghiêm trọng về con người và tài sản. Để giảm thiểu những tai nạn, sự cố kể trên thì vai trò của việc vận hành cơ chế phối hợp tổ chức ứng phó sự cố hoá chất kịp thời, hiệu quả của các lực lượng là hết sức quan trọng.
Việc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất sẽ giúp các đơn vị kinh doanh hóa chất, địa phương chủ động, linh hoạt để ứng phó khi sự cố xảy ra. Ảnh: LSP |
Theo Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Phùng Mạnh Ngọc, với tốc độ phát triển của ngành công nghiệp hóa chất, việc tiềm ẩn các nguy cơ xảy ra sự cố trong quá trình hoạt động hóa chất cũng sẽ tăng theo. Do vậy, công tác đảm bảo an toàn trong hoạt động, công tác phòng ngừa sự cố hóa chất và sự chuẩn bị cho ứng phó sự cố hóa chất cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn.
Cục trưởng Cục Hóa chất cho rằng, để phòng ngừa và ứng phó có hiệu quả sự cố hóa chất trên phạm vi cả nước, các địa phương cần phải đẩy mạnh công tác quản lý, xây dựng phương án phòng ngừa sự cố hóa chất và đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện diễn tập ứng phó sự cố hóa chất.
“Việc tổ chức diễn tập sẽ giúp cho chúng ta có sự chuẩn bị kĩ càng, sự tập luyện thành thục trong công tác ứng phó sự cố, có sự nhanh nhạy và linh hoạt để ứng phó khi sự cố hóa chất xảy ra. Từ đó giúp chúng ta nhìn nhận ra những điều còn thiếu sót để kịp thời bổ sung, rút kinh nghiệm trong việc ứng phó sự cố, sự phối hợp giữa các lực lượng tham gia ứng phó. Đồng thời cho thấy được sự nguy hiểm của sự cố hóa chất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp để có ý thức hơn trong việc tăng cường công tác phòng ngừa sự cố hóa chất”, ông Ngọc cho hay.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, trong năm 2024, các cơ quan chức năng tỉnh này đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp như: Công ty Chế biến khí Vũng Tàu, Công ty CP Nippon Sanso, Công ty TNHH Hóa chất AGC,… tổ chức các cuộc diễn tập ứng phó sự cố cháy nổ, tràn đổ hóa chất cấp độ cơ sở nhằm bảo đảm năng lực “tác chiến” khi các sự cố ở mọi cấp độ xảy ra.
Mới đây, tại Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn (TP. Vũng Tàu), các lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) tổ chức thành công diễn tập ứng phó sự cố tràn đổ hóa chất, cứu nạn, cứu hộ và di tản cộng đồng cấp tỉnh năm 2024.
Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn. Ảnh: LSP |
Ông Piboon Sirinantanakul – Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Sản xuất Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn cho biết, buổi diễn tập vừa qua là một trong những cột mốc quan trọng trong việc nâng cao năng lực quản lý về an toàn của Tổ hợp hóa dầu Long Sơn. Đó cũng là minh chứng cho sự sẵn sàng của LSP trong việc ứng phó với sự cố tràn đổ hóa chất.
“Buổi diễn tập giúp tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó, kỹ thuật và chiến thuật ứng phó cũng như khả năng chỉ huy và hợp tác giữa LSP và lực lượng liên quan trong tỉnh khi có sự cố tràn đổ hóa chất chảy ra. Điều này không chỉ đảm bảo hoạt động an toàn cho tổ hợp LSP mà còn đảm bảo an toàn cho tất cả các bên liên quan”, ông Piboon Sirinantanakul nói.
Về phía đơn vị xây dựng kịch bản diễn tập, ông Vương Thành Chung, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố và An toàn hóa chất, Cục Hóa chất – Bộ Công Thương cho biết, việc diễn tập ứng phó sự cố hoá chất sẽ nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đồng thời kiểm tra năng lực phối hợp hành động giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng với các công ty, nhà máy, doanh nghiệp trong công tác ứng phó với sự cố hóa chất diễn ra trên địa phương nơi mình sinh sống; luôn sẵn sàng chủ động trước mọi tình huống sự cố xảy ra; tuân thủ các quy định của nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và ứng phó sự cố hóa chất nói riêng.
Cũng theo ông Chung, qua công tác tổ chức diễn tập sẽ rút ra kinh nghiệm về công tác khắc phục, phối hợp, điều hành của các ban ngành có liên quan, từ đó đưa ra được giải pháp tổ chức, khắc phục, phòng chống hiệu quả.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Đồng chia sẻ, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 70 dự án thuộc lĩnh vực hóa chất. Trong thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn ngày càng được địa phương và doanh nghiệp quan tâm triển khai.
Việc diễn tập vừa qua tại tổ hợp Hóa dầu Long Sơn đã giúp nâng cao năng lực ứng phó sự cố hóa chất, vận hành cơ chế phối hợp giữa trong công tác ứng phó đối với các sự cố hóa chất diễn ra trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
“Tới đây, Sở Công Thương sẽ tổ chức cuộc họp để đánh giá toàn diện những ưu điểm, những hạn chế trong công tác phối hợp diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn, đồng thời tham mưu rút kinh nghiệm toàn diện đối với công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh. Qua đó, rút ra những kinh nghiệm trong công tác phối hợp thực tập và khắc phục kịp thời những thiếu sót trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố để hoàn thiện Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới”, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết thêm.
Nguồn: https://congthuong.vn/ung-pho-su-co-hoa-chat-bai-hoc-kinh-nghiem-tu-dien-tap-thuc-binh-355061.html